Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO để phát triển bền vững

(PLVN) - Sáng ngày 3/7, tại Khách xá Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Hội nghị quốc tế “Về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam."

Tham dự Hội nghị có các đại biểu: Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Phía tỉnh Ninh Bình có Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc, lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, các diễn giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân; đưa ra các khuyến nghị bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu Khai mạc Hội nghị.

Thay mặt Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó.

Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định trong thời gian tới Việt Nam mong muốn và luôn sẵn sàng được hợp tác và học hỏi các mô hình, bài học, kinh nghiệm từ Liên hợp quốc, UNESCO, các quốc gia, các tổ chức, chuyên gia quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO để phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc - Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, lắng nghe các kinh nghiệm, các mô hình, bài học từ các lãnh đạo và chuyên gia của UNESCO, học hỏi thêm từ các bạn bè để từ đó có thể tham gia tích cực hơn vào các chương trình và sáng kiến ​​của UNESCO và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại phiên khai mạc.

Thay mặt tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, cùng với những di sản đã được UNESCO vinh danh, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng. Đó là gần 2000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ cổ chí kim, từ truyền thống đến hiện đại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn phát biểu tại hội nghị.

Ninh Bình mong được các chuyên gia, bạn bè, đối tác chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.

Ông Firmin Eduouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.

Đọc thêm