Phạt nặng hành vi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng cứu trợ!

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới công tác phòng chống lụt bão, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố thì hành vi chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ sẽ bị phạt tiền từ 25-50 triệu đồng.

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới công tác phòng chống lụt bão, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố thì hành vi chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ sẽ bị phạt tiền từ 25-50 triệu đồng.

Chiếm đoạt tiền cứu trợ của người dân vùng bị thiên tai cần có mức chế tài nghiêm khắc. Ảnh minh họa
Chiếm đoạt tiền cứu trợ của người dân vùng bị thiên tai cần có mức chế tài nghiêm khắc. Ảnh minh họa

Mức phạt tăng gấp 3 lần

Tại dự thảo, nội dung nổi bật và được nhiều người quan tâm hơn cả là các quy định về xử lý các vi phạm có liên quan tới công tác phòng chống lụt bão. Theo đề xuất của Bộ NN&PTNT, sẽ phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối hàng cứu trợ chậm trễ hoặc không đúng đối tượng. Mức phạt sẽ tăng lên từ 25 - 50 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lụt, bão. Ngoài số tiền nộp phạt trên, các đối tượng vi phạm cũng phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền, giá trị hàng hóa chiếm dụng.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê, phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê. Phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng đối với hành vi để vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

Ngoài ra, đối với các hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và khai thác đất đá, cát sỏi, khoáng sản trong phạm vi bảo vệ đê điều phạt tới 20 - 30 triệu đồng.

Nếu so với mức chế tài trên thì hình phạt hiện hành (Nghị định 04/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão, có hiệu lực từ ngày 10/3/2010) tương đối thấp. Chẳng hạn, hành vi phân phối hàng cứu trợ chậm trễ hoặc không đúng đối tượng theo quy định chỉ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Ngay cả hành vi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lũ, bão cũng chỉ phạt từ 10-15 triệu đồng.

Sẽ chịu phạt để tham nhũng?

Có thể nói, việc tăng mức chế tài với hầu hết hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống lụt bão là một động thái tuyên chiến với thói thờ ơ vô cảm và sự thiếu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức được giao trọng trách trước sự mất mát của người dân vùng lũ. Người dân Việt Nam từ bao đời nay đã trải qua và gánh chịu không biết bao nhiêu hậu quả của những thiên tai, lũ lụt để lại. Nhưng với tấm lòng tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, số tiền và hàng hóa cứu trợ cho nhân dân chịu ảnh hưởng của thiên tai ngày càng nhiều, không chỉ người dân trong nước mà cả những kiều bào từ nước ngoài cũng quyên góp tiền gửi về nước cho đồng bào trong cơn nguy khốn. Số tiền này có khi lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.

Nhưng rồi, trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau mà số tiền và hàng cứu trợ này khi đến được tay người cần giúp đỡ thì cũng đã bị “teo tóp” đi khá nhiều. Có cả những trường hợp đối tượng không thuộc diện được cứu trợ nhưng vì là chỗ quen biết, người nhà với cán bộ có trách nhiệm phân phát quà nên được ưu ái và “ăn tranh” vào nguồn cứu trợ của những đồng loại trong cảnh khốn khó. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt đề xuất tại dự thảo vẫn chưa tương xứng (dù mức phạt cao nhất cho hành vi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng....cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lụt, bão đã tăng lên 50 triệu đồng).

Lý giải cho quan điểm trên, ý kiến này phân tích, hành vi chiếm đoạt tiền cứu trợ là hành vi tham nhũng, mà lại tham nhũng vào khoản tiền, hàng nhân đạo của “lá rách”, của những người không còn manh áo, bát cơm thì không chỉ vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm đến các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thực tế đã xảy ra những vụ chiếm đoạt hoặc chi sai nguồn tiền, hàng cứu trợ lên tới vài trăm triệu đồng, nhưng mức phạt theo dự thảo đề xuất thì vẫn chẳng thấm vào đâu so với hậu quả mà hành vi đó đã gây ra cho xã hội. Và như vậy, sẽ có không ít cá nhân, tổ chức sẵn sàng chịu phạt để có được cơ hội tham nhũng.

Đông Quang