Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long: Cần cách tiếp cận mới để tìm hướng đi hiệu quả

(PLVN) - Phát biểu tại Hội nghị “Định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2050”, tại TP Cần Thơ mới đây,  Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhận định, vùng ĐBSCL có nhiều hứa hẹn phát triển trong tương lai và phải có cách tiếp cận mới, nhận định về cơ hội mới chứ không chỉ nhìn thấy khó khăn. Với những thách thức hiện tại về tự nhiên, con người cần phải tìm ra hướng đi mới hiệu quả hơn.
Chú trọng phát triển nông nghiệp liên kết với các ngành thương mại dịch vụ tại Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).
Chú trọng phát triển nông nghiệp liên kết với các ngành thương mại dịch vụ tại Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Thời cơ đi kèm thách thức

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, cây ăn quả, thuỷ sản của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và những thảm hoạ từ thiên tai đã có những tác động tiêu cực. Việc sụt lún đất, sạt lở bờ sông, ngập lụt tại các đô thị... đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Đặc biệt vấn đề sụt lún đất hiện đang xảy ra trên diện rộng và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt dài hạn ở các tỉnh vùng ĐBSCL, trong tương lai cần những biện pháp hạn chế tối đa tình trạng  này. Theo Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, tình trạng sụt lún đất là do địa hình trầm tích, đang trong quá trình cố kết, cộng với việc con người khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông quá mức.

Về giao thông vận tải, mạng lưới kết nối liên tỉnh còn yếu, giảm hiệu quả khai thác, nhiều “điểm nghẽn” kết cấu hạ tầng chưa được khắc phục làm gia tăng chi phí vận tải và logistics, tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh hàng hóa. 

Hiện nay, việc khai thác tiềm năng vận tải hàng không vẫn còn nhiều hạn chế. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có công suất thiết kế lớn nhưng hiệu quả khai thác còn thấp (khoảng 27.8%). Cảng hàng không Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau có quy mô nhỏ và sử dụng kết hợp với sân bay quân sự.

Chiều dài đoạn tuyến cao tốc toàn vùng chỉ khoảng 40km, đến năm 2020 chỉ đạt gần 30% chỉ tiêu kế hoạch. Các tuyến trục dọc chưa hỗ trợ tối đa QL1 giảm tải. Chưa có cao tốc kết nối đến trung tâm vùng… Hệ hống các tuyến trục ngang hầu hết đều rất nhỏ hẹp, chưa được nâng cấp và cải tạo theo quy hoạch cùng với đó trục liên kết nội vùng chưa được đầu tư thỏa đáng.

Các tuyến đường huyết mạch đường thủy  thường xuyên bị sạt lở, ùn tắc, quá tải, bồi luống…  Hệ thống cảng biển chưa hình thành cảng nước sâu nên không thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn. Phần lớn hàng hóa phải chuyển đến khu vực cảng Đông Nam Bộ mất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển.

Tìm kiếm giải pháp

Theo Bộ KH&ĐT, vùng ĐBSCL cần phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao tại các địa điểm phù hợp, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, đặc biệt là chế biến liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhưng thực tế, trong những năm qua kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể, nông nghiệp chiếm trên 30 tỷ USD trong tổng GDP các khối ngành kinh tế.

Trong tương lai, cần được thay đổi theo hướng lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận, ổn định làm những chỉ tiêu chính thay vì chạy theo số lượng. Sản xuất lúa gạo giữ ở mức cần thiết tối thiểu đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài, tăng giá trị sản xuất, tập trung vào vùng có lợi thế nhất.

Ngành nuôi trồng thủy, hải sản là ngành mũi nhọn để tăng thu nhập, cần tập trung giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các loại cây ăn trái, rau màu cần đa dạng về sản phẩm, ít lệ thuộc vào tự nhiên và đầu tư công nghệ cao nhằm giảm chi phí sản xuất và gia tăng giá thành sản phẩm.

Xây dựng các trung tâm đầu mối nông nghiệp về giao thông và logistic; đầu tư nhà kho, kho lạnh; chú trọng các dịch vụ đô thị, showroom, trung tâm thương mại và giải trí; đảm bảo công tác chế biến và đóng gói… Nhằm đáp ứng toàn diện chủ động đầu vào, tăng giá trị đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro. 

Đề xuất phương án phát triển trong thời gian tới, đại diện tỉnh Sóc Trăng cho biết: hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã vào dự thảo quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề nên cần sớm thực hiện và kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa và vốn ngoài ngân sách.

Quan tâm đến vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, cấp nước và môi trường, đại diện tỉnh Bến Tre đề xuất việc phối hợp với tỉnh Tiền Giang và Long An triển khai dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải” (công suất 300.000 m3/ngày – đêm). Song song đó, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư dự án “Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa” với quy mô 121 ha. Các dự án trên nếu được đưa vào trong sản xuất, kinh doanh sẽ bổ sung nguồn nước ngọt cho tỉnh và các tỉnh liên vùng. 

 Trong công tác quy hoạch điện, tỉnh Trà Vinh đã triển khai hoàn thành 3 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1,3 và 3 mở rộng, dự án nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 (dự kiến vận hành trong năm 2021). Các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế được khuyến khích phát triển. 

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương  cho rằng, vùng ĐBSCL có nhiều hứa hẹn phát triển trong tương lai và phải có cách tiếp cận mới, nhận định về cơ hội mới chứ không chỉ nhìn thấy khó khăn. Với những thách thức hiện tại về tự nhiên, con người cần phải tìm ra hướng đi mới hiệu quả hơn.

Các vấn đề về giao thông, phát triển kinh tế ven biển, xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng)… sẽ được nghiên cứu sâu và rõ ràng hơn. Đến năm 2050 hoàn thành mục tiêu “Đảm bảo trình độ phát triển ít nhất tương đồng với trình độ phát triển chung của cả nước”.  

Đọc thêm