Phát triển du lịch tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của Bến Tre

(PLVN) - Phát huy tinh thần “Đồng khởi” cùng với sự nỗ lực cố gắng vươn lên, sự kiên định các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, Bến Tre đã có bước chuyển mình nhanh chóng, bứt phá đi lên, mà du lịch là điểm sáng. Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre về định hướng phát triển của địa phương này trong thời gian tới.
Du lịch miệt vườn Bến Tre thu hút du khách quốc tế.
Du lịch miệt vườn Bến Tre thu hút du khách quốc tế.

Thưa ông, 35 năm đổi mới đã tạo cho Bến Tre thế và lực như thế nào trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc?

- Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Bến Tre đã đạt được những thành tựu to lớn, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng tưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 tăng khá, bình quân 6,41%/năm, năng suất lao động tăng bình quân 10,99%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,6 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2020 đạt 82.941 tỷ đồng, vượt 3,4% so Nghị quyết và tăng gần 1,43 lần so với giai đoạn trước. 

Cơ cấu đầu tư bảo đảm cân đối, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Ngành nông nghiệp được đầu tư và phát triển khá toàn diện, đột phá với việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư giống mới, VietGap,… Công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng nhanh, giá trị sản xuất tăng bình quân 11,6%/năm.

Thương mại, dịch vụ phát triển khá, hệ thống chợ, siêu thị được đầu tư mở rộng khắp tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân; thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, kết quả đã thành lập mới 2.500 doanh nghiệp; 20.999 hộ kinh doanh cá thể, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có là 4.709  doanh nghiệp và  50.457 hộ kinh doanh; tổng vốn đăng ký đạt 6.585,4 tỷ đồng, giải quyết khoảng 107.361 việc làm…

Bến Tre đã giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội khác. Hộ nghèo giảm bình quân 1,62%/năm, hiện còn 4,59%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; hầu hết các gia đình chính sách, người có công đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình chung của tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Phan Văn Mãi (thứ 3 từ trái qua) tham quan gian hàng dừa tại hội chợ kích cầu du lịch. (Ảnh: Hữu Hiệp)
 Bí thư Tỉnh uỷ Phan Văn Mãi (thứ 3 từ trái qua) tham quan gian hàng dừa tại hội chợ kích cầu du lịch. (Ảnh: Hữu Hiệp)

Hệ thống trường lớp được mở rộng, xây dựng khang trang, đảm bảo việc dạy và học trên địa bàn, không còn tình trạng học 3 ca. Chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo được quan tâm; tỷ lệ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 90,19%. Xây dựng phát triển văn hoá, con người có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được nâng cao chất lượng.

Nhiệm kỳ qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16-CT/TU về “Đồng khởi mới” và Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/TU về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhiều mô hình đạt hiệu quả thiết thực, trở thành điểm sáng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị như: mô hình tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình…

Bến Tre đã có những định hướng, hành động thế nào để phát huy hiệu quả nguồn lực con người?

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu.  Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, người dân, doanh nghiệp về ý nghĩa quan trọng của phát triển nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Hai là, tăng cường công tác dự báo diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực của tỉnh. Xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, trong đó chú ý quy hoạch, đào tạo các chức danh, trình độ, ngành nghề, độ tuổi, giới tính, để đảm bảo cơ cấu hợp lý. Thực hiện cơ chế liên thông trong đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng. 

Ba là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đạt về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng kiến thức mới phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Cụ thể là 100% đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bố trí theo đúng vị trí việc làm, năng lực, sở trường của công chức, viên chức; 50% cán bộ sở, ngành và tương đương, cán bộ chủ chốt cấp huyện giao tiếp thông thạo một trong những ngoại ngữ thông dụng (tiếng Anh, Nhật, Trung Quốc...). 

Bốn là, đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương (Khóa XI), Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Tỉnh ủy (Khóa IX) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Năm là, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển, thu hút nguồn nhân lực phù hợp. Hợp tác, liên kết với các trường đại học, cao đẳng chất lượng trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...; Triển khai thực hiện chính sách nhân tài, thu hút các nhà khoa học trình độ cao làm việc, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh.

Sáu là, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, chú trọng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành, nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động.

Xác định phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, vậy làm thế nào để Bến Tre là một điểm du lịch nổi bật và khác biệt của vùng ĐBSCL, thưa ông?

- Trong thời gian tới để du lịch Bến Tre phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng phát triển văn hóa con người Bến Tre cần tập trung các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc. Du lịch có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh. 

Hai là, triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, huy động mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, nguồn vốn từ các ngành, lĩnh vực khác có liên quan để đầu tư phát triển du lịch. Rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng nông thôn.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ và thủy. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực du lịch cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Bổ sung nguồn nhân lực trong cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng nhu cầu công việc.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của tỉnh, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bến Tre.

Tiến tới việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.

Kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa con người Bến Tre, tỉnh đã và đang tập trung bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa phi vật thể trong tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Đa dạng các sản phẩm văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch, dịch vụ, tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, hoàn thiện, củng cố và nâng chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở để khai thác phục vụ và dịch vụ, kết hợp giữa văn hóa và du lịch.

Cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Đọc thêm