Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang hướng dẫn các đơn vị thực hiện Đề án thí điểm GrabCar tại 5 tỉnh, thành phố lớn Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Tuy nhiên, trong lúc người tiêu dùng hào hứng đón nhận mô hình kinh doanh mới nhiều tiện ích này thì các hiệp hội taxi lại đề nghị hạn chế, thậm chí cấm “các công ty Uber, GrabTaxi kinh doanh vận tải "taxi trá hình (kiến nghị của Hiệp hội taxi TP HCM ngày 5/11/2015 gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng).
Lập luận của các hiệp hội này chủ yếu vẫn xoay quanh vấn đề Uber thì không được cấp phép kinh doanh vận tải nói chung và vận tải hành khách bằng taxi nói riêng tại Việt Nam.
GrabTaxi có đăng ký kinh doanh vận tải hành khách tại TP.HCM vào tháng 2.2014 song vẫn bị “cáo buộc” không lắp đặt bảng hiệu taxi, không có phù hiệu xe, không lắp đồng hồ tính cước, không kê khai giá cước...
Chia sẻ với báo giới xung quanh câu chuyện Chính phủ đồng ý phát triển (thí điểm) mà Hiệp hội vận tải hai miền lại đề xuất “cấm đoán”, đại diện Bộ GTVT chia sẻ “ rất hiểu phản ứng của các Hiệp hội Vận tải”.
Thực chất, không phải Bộ GTVT không “tính đến” những lo ngại khi triển khai một mô hình kinh doanh chưa từng có tiền lệ này song quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân là quyền tối thượng và chính sách của nhà nước không thể vì “lợi ích nhóm” mà quay lưng với nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.
Khi thuyết trình Đề án GrabCar với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã làm rõ một vấn đề rất cốt lõi, đó là GrabCar thực chất không tạo ra một hình thức kinh doanh vận tải mới mà thuần túy chỉ là giải pháp khai thác ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, vận hành xe hợp đồng điện tử.
Giá cước vận tải của xe hợp đồng điện tử giảm hơn so với taxi truyền thống là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, giảm được chi phí quản lý truyền thống. Do vậy, đây hoàn toàn không phải hành vi “giảm giá” để cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống.
|
Grabtaxi đang trở thành phương thức phổ biến, được khách hàng tin dùng |
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thí điểm đề án GrabCar trên cơ sở thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách ở Việt Nam để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
“Chính phủ cho phép thí điểm Đề án GrabCar tại các thành phố là rất cần thiết bởi vì việc điều hành chính sách của Nhà nước luôn phải hướng tới phục vụ số đông, phục vụ người tiêu dùng chứ không phải vì lợi ích của doanh nghiệp nào cả”, ông Nguyễn Đức Kiên- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận xét khi báo giới hỏi quan điểm của ông về GrabCar.
Ông Kiên cho rằng những đề xuất cấm đoán GrabCar là không nên, vì không thể nhân danh hay lấy lý do này, lý do kia để hạn chế quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân được”. Việc cho phép thí điểm và sau này cho phép sử dụng công nghệ, kết nối khách hàng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ tạo ra thị trường vận tải công cộng, đặc biệt là taxi sẽ linh hoạt hơn. “Khách hàng là thượng đế, họ có quyền chọn những hình thức nào phù hợp", ông Kiên nói.
Đồng quan điểm với ông Kiên, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu quốc hội (TP.HCM) cũng cho rằng ứng dụng CNTT trong vận tải là không thể đảo ngược dù thực tế mô hình này đang gây sức ép cạnh tranh lớn đối với các hãng taxi truyền thống. “Các doanh nghiệp không nên né tránh cơ quan quản lý nhà nước cũng phải sửa đổi chính sách để đảm bảo sân chơi, cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp", ông Trần Hoàng Ngân nhận định .
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cũng đồng tình vì “doanh nghiệp nào ứng dụng làm lợi cho dân thì các cơ quan nhà nước phải ủng hộ”.
Vị Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết việc thực hiện đề án GrabCar bên cạnh quyền lợi cho người tiêu dùng còn được kỳ vọng góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc nhờ việc kiềm chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe.
GrabCar rõ ràng sẽ là xu thế tất yếu và sự phát triển GrabCar là cần thiết, không thể “cấm” hay “hạn chế” vì ý chí chủ quan hay mong muốn của bất cứ đơn vị hay hiệp hội nào. GrabCar sẽ phát triển ngày càng tốt trong hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện, tạo cơ chế bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng GĐ Công ty CP Netnam
“Việc thí điểm GrabCar sẽ thúc đẩy công tác quản lý theo kịp sự phát triển của xã hội. Sắp tới, sẽ có nhiều mô hình ứng dụng CNTT như thế và việc của các cơ quan quản lý nhà nước là thúc đẩy sự phát triển này để thuận lợi quản lý và tiện lợi cho người dân”.
Luật sư Võ Trí Hảo, Khoa Luật, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh
“Lợi ích của người tiêu dùng và quyền tự do hợp đồng của họ phải được đặt làm trung tâm, bên cạnh lợi nhuận của hãng taxi truyền thống, lợi ích người lái xe taxi chuyên nghiệp, lợi ích người có xe nhàn rỗi, của người cung cấp dịch vụ kết nối và bao trùm hơn cả phải là lợi ích từ làn sóng công nghệ mới”.