Thu ngân sách vượt kế hoạch
Với quyết tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Thái Nguyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, TP. Thái Nguyên đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đề ra từ đầu năm.
Theo đó, năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn của một số ngành chủ yếu ước đạt 50.603 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực Dịch vụ - Thương mại bằng 100% so với cùng kỳ, khu vực Công nghiệp – xây dựng tăng 4,9% so với cùng kỳ, khu vực Nông lâm nghiệp thủy sản, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu ngân sách vẫn ước đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch. Trong đó thu thuế, phí ước đạt 976,2 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.461,5 tỷ đồng, tăng 25,8% kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 41.878 tấn, tăng 10,8% so với kế hoạch tỉnh, thành phố.
Theo UBND TP. Thái Nguyên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động thương mại, dịch vụ những tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề, liên tục giảm sâu so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và áp dụng nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nên nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng dần trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn năm 2020 ước đạt 26.281 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực Doanh nghiệp 14.383 tỷ đồng (chiếm 54,7% tổng mức), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; khu vực cá thể 11.898 tỷ đồng (chiếm 45,3%), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng do tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm, tuy nhiên sang quý III, dịch bệnh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp tích cực khắc phục khó khăn, duy trì các hoạt động sản xuất xuất nên tình hình sản xuất công nghiệp được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trên địa bàn đạt 31.759 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá trị sản phẩm/1ha ngày càng tăng cao
Theo UBND TP. Thái Nguyên, trong năm 2020, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm khuyến khích người dân đầu tư tập trung sản xuất, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất hàng hoá cả về năng suất và chất lượng. Giá trị sản phẩm/1ha đất nông nghiệp trồng trọt ước đạt 140 triệu đồng, bằng 106,1% kế hoạch tỉnh, 103,7% kế hoạch thành phố, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đồng thời thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, hướng dẫn các hộ nông dân phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật và kịp thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 41.878 tấn, tăng 10,8% so với kế hoạch. Triển khai, thực hiện các mô hình sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tại các xã, phường trên địa bàn để tăng năng suất cây trồng.
Năm qua, thành phố cũng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ khâu lưu thông, chế biến, kinh doanh lâm sản; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất gieo ươm giống cây lâm nghiệp đảm bảo cây được đưa vào trồng rừng có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng tốt; công tác phát triển, quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên luôn được đảm bảo ổn định không để xẩy ra tình trạng khai thác, phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, đặc biệt không để xẩy ra vi phạm về cháy rừng.
Chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản thực hiện và chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh chế biến lâm sản. Khối lượng khai thác lâm sản năm 2020 đạt: 2.596,7m3 (tăng 60,54% so với cùng kỳ), củi 430,7 ste (tăng 37,4% so với cùng kỳ). Diện tích khai thác là: 51,93 ha.
Về chăn nuôi, năm 2020, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố phát triển ổn định. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của thành phố, UBND các phường, xã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, chủ động trong công tác giám sát, theo dõi tình hình, phòng chống dịch bệnh đặc biệt dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và dịch lở mồm long móng gia súc, hướng dẫn vệ sinh cho đàn gia súc gia cầm. Duy trì tốt công tác vệ sinh thú y tại các chợ và các địa điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm đặc biệt là các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.