Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015

 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015
 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các thành phố lớn, các tỉnh giáp biên giới.

5 Đề án của Chương trình

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án "Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội". Mục tiêu của Đề án này là đến năm 2015, 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người được chuyển thành tài liệu tuyên truyền tới xã, phường, thị trấn; hàng năm, tỷ lệ số vụ người dân trình báo về các trường hợp có dấu hiệu tội phạm mua bán người tăng ít nhất 10% so với năm trước...

Đề án "Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người" sẽ do Bộ Công an chủ trì với các chỉ tiêu đặt ra như: 100% các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; hàng năm, tỷ lệ phát hiện, điều tra, truy tố các vụ án mua bán người tăng ít nhất 2%... Đặc biệt, sẽ mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, trọng tâm trên các tuyến biên giới.

"Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" là Đề án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì với chỉ tiêu 100% các trường hợp sau khi xác định là nạn nhân được hỗ trợ chế độ theo quy định; 100% nạn nhân có nhu cầu được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước; đến năm 2015, các tỉnh, thành phố trọng điểm đảm bảo cơ sở vật chất cho việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Đề án "Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người". Theo đó, đến năm 2012 phải hoàn thành hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; rà soát, kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người"; trong đó, sẽ xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp trong phòng, chống mua bán người với các nước, các tổ chức quốc tế; trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người.

Tổng kinh phí chi có mục tiêu thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách trung ương là 270 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và được huy động từ nguồn ngân sách địa phương, viện trợ quốc tế và huy động nguồn hợp pháp khác.

Theo Chinhphu.vn