Đây là động thái để thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, mà trực tiếp là các doanh nghiệp vận tải, giảm bức xúc, khó khăn cho người dân, cũng như đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn quản lý hạ tầng giao thông đối với những tuyến được xây dựng theo hình thức BOT.
Doanh nghiệp và dân than khổ vì… phí đường
Qua khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hà Nội dọc tuyến Hà Nội-Ninh Bình, chi phí cầu đường qua các trạm BOT cao hơn chi phí xăng dầu của phương tiện cá nhân vào khoảng 300 đồng/km/xe. Đặc biệt, việc 23 trạm thu phí BOT đồng loạt tăng phí đường bộ từ tháng 1/2016 đã gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải đến mức nhiều doanh nghiệp vận tải đã xếp hàng phản đối trạm thu phí Quán Hàu (quốc lộ 1A, Quảng Bình) tăng phí. Mức phí đường bộ tăng quá cao, đặc biệt trên quốc lộ 5 khiến Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng phải làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng cho lùi thời gian thu phí.
Quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 sẽ là 121 trạm thu phí BOT.
Đặc biệt, phần lớn các dự án BOT được thực hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nguồn vốn vay từ ngân hàng, một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh. Mà bản chất việc bảo lãnh này tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về Nhà nước, không đúng với mục đích ban đầu là chuyển dịch trách nhiệm từ Nhà nước sang khu vực tư nhân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã đánh giá, thời gian qua, việc đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình BOT đã gây ra nhiều bất cập, gây bức xức trong nhân dân.
Tập trung vào một số vấn đề như thu phí cao làm tăng giá cước vận tải; thu phí không đúng dự án đầu tư, thu bù cho các dự án khác; người dân bị ép buộc, thiếu sự lựa chọn cho người dân và doanh nghiệp khi không có nhu cầu sử dụng dự án BOT; việc bố trí quá nhiều trạm thu phí không đúng khoảng cách theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, dự án chưa đảm bảo tiêu chuẩn thu phí BOT…
Chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng khẳng định “còn nhiều cơ hội giảm phí đường bộ” vì dựa trên cơ sở cắt giảm chi phí các khoản dự phòng khối lượng, lãi vay không sử dụng hết do tiết kiệm và rút ngắn được thời gian thi công tại các dự án BOT. Hiện tại nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.
Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường, lộ trình tăng phí trạm BOT đã được thống nhất với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án. Nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ GTVT đề xuất tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước thống nhất một mức giá để có sự cân bằng giữa các doanh nghiệp vận tải khi lưu thông trên các tuyến đường.
Giảm phí cho dân nhưng không quên lợi ích nhà đầu tư
Dựa trên nguyên tắc điều chỉnh mức phí phải bảo đảm hạn chế ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án và phải được sự đồng thuận của nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án, vì đây là quan hệ hợp đồng giữa nhà đầu tư, ngân hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã đề nghị có thể xem xét điều chỉnh mức phí đối với các dự án: Có tổng mức đầu tư giảm so với phương án duyệt do một số dự án rút ngắn tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng không hết chi phí dự phòng, lãi vay trong thời gian xây dựng giảm so với phương án phê duyệt… dẫn đến tổng mức đầu tư thực tế giảm so với ban đầu được phê duyệt.
Dự án có doanh thu thực tế cao hơn dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT; giảm chi phí đầu tư dự án do được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi tổng mức đầu tư của dự án đã bao gồm thuế GTGT đầu vào, trong khi đó thuế GTGT đầu ra được tách riêng khi doanh thu tính thu phí hoàn vốn tổng mức đầu tư.
Cụ thể, xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet, cơ quan chức năng đưa ra mức thu phí mới với vé lượt là 120.000 đồng/vé thay vì 140.000 đồng/vé như hiện tại. Vé tháng và vé quý cũng còn 3,6 triệu đồng/vé và 9,72 triệu đồng/vé trong khi mức trước đó là 4,2 triệu đồng/vé tháng và 11,34 triệu đồng/vé quý. Với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit, vé lượt sẽ ở mức 180.000 đồng/vé thay vì 200.000 đồng/vé. Vé tháng và vé quý theo dự thảo vừa đưa ra cũng ở mức 5,4 triệu đồng/vé và 14,58 triệu đồng/vé.
Đồng thời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ GTVT rà soát các dự án BOT đã ký kết để đàm phán, thống nhất với các nhà đầu tư về việc điều chỉnh mức phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT; trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp.
Thông tư này được ban hành và có hiệu lực ngay, thực hiện vào ngày đầu tháng, đầu quý, bảo đảm thuận tiện cho việc sử dụng vé tháng, vé quý đã mua. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tạm dừng không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu phí hoạt động trước năm 2014, không bổ sung dự án mới, nhưng có lộ trình tăng phí trong năm nay.
Với các trạm hoạt động trước năm 2014, nhà đầu tư thực hiện đầu tư thêm dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, kéo dài phạm vi dự án tại hợp đồng BOT đã cam kết mức thu phí cao hơn mức đang thu thì cho phép điều chỉnh mức thu, vì bản chất là các dự án mới vẫn sử dụng và kết hợp trạm thu phí cũ. Nếu mức thu phí cao hơn mức thu dự kiến điều chỉnh giảm thì Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí theo nguyên tắc trên.
Đối với trạm thu phí thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh ban hành mức thu phí, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh rà soát không tăng phí trong năm 2016, đồng thời thực hiện giảm phí theo những nguyên tắc trên, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh mức phí theo thẩm quyền.
Đối với dự án sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí thì tiếp tục ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn dự án. Nếu mức thu phí theo hợp đồng BOT cao hơn mức thu được điều chỉnh thì Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ về nguyên tắc, việc đầu tư, mức phí, thời gian thu phí của các dự án BOT phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các quy định pháp luật về giá, phí; bảo đảm công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Thu phí tự động để công khai, minh bạch
Trước đó, tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ GTVT quản lý tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng bằng hình thức BOT.
Các chuyên gia đều đánh giá, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chủ yếu là theo hình thức BOT, BT đã góp phần tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ các hình thức đầu tư, cải thiện nhanh chóng chất lượng hạ tầng giao thông, góp phần tích cực tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, nhưng “có những công trình khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, gây bức xúc trong xã hội, cần phải được chấn chỉnh” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ.
Thêm vào đó, mức phí của các tuyến quốc lộ, cao tốc được đầu tư bằng hình thức BOT đang gây ra những bức xúc xã hội là hậu quả của việc chưa cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân khi DN muốn thu hồi vốn nhanh nên áp mức phí cao. Mặc dù hình thức đầu tư BOT, BT là một dạng của hợp tác công-tư (PPP), tuy nhiên vai trò của Nhà nước còn hạn chế. Do vậy, Nhà nước phải bù tiền cho DN để kéo dài thời gian thu phí, giảm mức phí nhằm giảm áp lực cho người dân, bảo toàn vốn cho DN. Đặc biệt, cần đẩy nhanh chuyện thu phí tự động để đảm bảo tính minh bạch, lợi ích của các bên tham gia và thụ hưởng từ các dự án BOT.
Trước những bức xúc trong dư luận về thu phí đường bộ qua các trạm BOT hiện nay, bên hành lang Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Văn Xuyền nhận định, việc thu phí tại các trạm BOT hiện nay, trong đó gồm cả trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đang gây bức xúc. Thậm chí, dư luận đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong việc đầu tư, thu phí BOT. Chính vì vậy, đầu tư và thu phí BOT đã được đưa vào dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.
Trước hết phải có quy hoạch đầy đủ tầm quốc gia đối với các dự án đầu tư BOT, nhất là các dự án đầu tư đường bộ. Nếu không có quy hoạch cụ thể, rõ ràng và minh bạch thì vẫn sẽ còn tình trạng người dân bức xúc không có đường để đi. Ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân đầu tư vào đâu, làm gì? Thuế bảo trì đường bộthu rồi làm gì? Minh bạch, hiện chưa làm được. Cho nên phải minh bạch từ đấu thầu BOT. Một suất đầu tư trên 1km đường là bao nhiêu? Nếu công khai sẽ tính toán và so sánh được giữa các vùng miền, khu vực, thế giới, từ đó người dân cũng có thể giám sát. Rồi thu phí hàng ngày, hàng năm, thu trong bao lâu thì hoàn vốn? Hoạt động sản xuất kinh doanh không minh bạch dẫn tới tham ô, tiêu cực thì phải chấn chỉnh lại quản lý và công khai…
Doanh nghiệp huy động được vốn là tốt nhưng vốn ấy có đúng bản chất không? Là vốn vay ngân hàng hay vốn bảo lãnh Chính phủ, thu công khai minh bạch như thế nào? Hoàn vốn ra sao? Phải có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước về mức thu phí, không thể để tình trạng doanh nghiệp kêu lỗ, khó khăn là lại đề xuất tăng thu hoặc tự ý tăng thu như trường hợp vừa qua báo chí phản ánh.