Phiên tòa xử vụ kỳ án ở Quận 7: “Kết luận thanh tra đã nói rõ về vụ việc”

(PLVN) - Sáng 10/3, TAND quận 7 tiếp tục mở lại phiên sơ thẩm vụ bị kiện đòi hủy kết quả đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân, tỉnh Bình Dương. Tại phiên tòa, HĐXX đánh giá “vụ việc đã được Kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp kết luận về nội dung và yêu cầu Agribank là đơn vị có tài sản phát mãi cung cấp báo cáo của Agribank về vụ này với Chính phủ.

Doanh nghiệp trúng đấu giá ngay tình, đúng pháp luật

Nhiều năm trước, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú nợ Ngân hàng Agribank, Chi nhánh Chợ Lớn hơn 1.000 tỷ đồng nên đã đồng ý bàn giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank bán đấu giá trả nợ.

Năm 2017, việc bán đấu giá đã diễn ra và dự án khu dân cư Hòa Lân được bán đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng. Bên trúng đấu giá là Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM. Công ty Thiên Phú đồng ý với kết quả bán đấu giá, ký vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; bàn giao đất cho bên mua đấu giá 

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh đã đầu tư vào dự án này hơn 1.500 tỷ, bao gồm tiền mua đấu giá, tiền giải phóng mặt bằng và tiền trả lãi cho Ngân hàng Agribank. Tháng 2/2019, Công ty Thiên Phú bất ngờ “trở cờ”, khởi kiện ra tận TAND Quận 7, TP HCM đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại Dự án Hòa Lân. Ngay sau khi thụ lý vụ án, thẩm phán sau đó đã ra lệnh “phong tỏa” dự án Hòa Lân, khiến Công ty Kim Oanh TP HCM điêu đứng, “chôn vốn” hàng ngàn tỷ.

Tại phiên tòa ngày 10/3, đại diện Công ty Kim Oanh khẳng định dự án đã hàng chục lần được mời đấu giá mà không ai tham dự; nên không thể xảy ra chuyện hợp tác, móc nối với đơn vị đấu giá. Kim Oanh chỉ tham gia duy nhất một lần đấu giá thứ 12 và trúng đấu giá sau khi trả giá cao hơn gần 400 tỷ so với giá khởi điểm.  

Công ty Kim Oanh cho biết mua đấu giá tài sản từ công ty đấu giá, không mua của Công ty Thiên Phú. Tất cả quá trình mua bán đấu giá đều có đại diện của Công ty Thiên Phú tham gia vì các bên muốn cuộc đấu giá thêm phần minh bạch, khách quan.

“Việc bị TAND quận 7 “phong tỏa” dự án, đã gây ra thiệt hại là lãi suất ngân hàng trong thời gian qua gần 200 tỷ. Đó là chưa tính lương nhân viên, lợi ích thương mại phát sinh từ dự án. Kim Oanh mua trúng đấu giá nên có quyền đầu tư, quyền sở hữu tài sản. Công ty Kim Oanh là người thứ ba ngay tình, được pháp luật bảo vệ”, đại diện Công ty Kim Oanh khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc có xin chuyển đổi chủ đầu tư dự án, chuyển tên với quyền sử dụng đất (QSDĐ) hay không, Công ty Kim Oanh khẳng định: “Chúng tôi mua trúng đấu giá, đã trả đủ tiền, đã nộp hồ sơ xin chuyển tên QSDĐ nhưng chưa được chấp nhận chính vì Thiên Phú vô cớ đưa sự việc ra tòa”.

Kết luận thanh tra đã sáng tỏ, nguyên đơn đuối lý

Phiên xử bắt đầu “nóng” lên khi đại diện Thiên Phú, nguyên đơn trong vụ án tham gia phần hỏi đáp. Công ty Thiên Phú cho rằng việc Công ty Kim Oanh từng chậm trả tiền mua đấu giá trúng đã gây thiệt hại cho mình.

Tuy nhiên, ngay lập tức ý kiến này của nguyên đơn đã bị Ngân hàng Agribank phản bác. Thực tế, việc tính lãi suất với khoản vay của Thiên Phú đã chấp dứt sau 45 ngày kể từ ngày bán đấu giá thành. Thậm chí Kim Oanh còn “gánh” cho Thiên Phú 97 tỷ tiền lãi. 

 Số tiền lãi hơn 97 tỷ đồng mà Công ty Kim Oanh đã trả Ngân hàng

Công ty Thiên Phú cho rằng công ty đấu giá “hoạt động không đúng và không được thực hiện bán đấu giá dự án Hòa Lân vì có người trong ngân hàng là cổ đông chính tại công ty đấu giá”. Tuy nhiên, Ngân hàng Agribank khẳng định thời điểm bán đấu giá, người đại diện theo pháp luật của công ty đấu giá không phải là cán bộ ngân hàng. Công ty đấu giá được cấp phép hoạt động, thành lập đúng luật nên Agribank lựa chọn.

“Việc xử lý tài sản thế chấp của Thiên Phú (dự án Hòa lân-PV) là đúng trình tự pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng. Từ khi thỏa thuận nhận toàn quyền phát mãi tài sản đến khi Kim Oanh thanh toán đủ tiền mua đấu giá trúng là một quá trình hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực tế”, đại diện Ngân hàng Agribank khẳng định trước tòa án.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Agribank cũng khẳng định đã thực hiện việc bán đấu giá đúng pháp luật. Văn phòng Công chứng cũng khẳng định việc ký kết HĐMBTSĐG đã đúng luật, dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện của các bên. Những vấn đề Thiên Phú thắc mắc, thực tế đã được trả lời rất rõ ràng trong Kết luận thanh tra số 62/KL-TTr ngày 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong vụ bán đấu giá này. 

Khi được chủ tọa hỏi về yêu cầu khởi kiện, Công ty Thiên Phú nói có 5 yêu cầu. Song, HĐXX phân tích trong 5 yêu cầu có yêu cầu chưa được thụ lý, chưa đóng tạm ứng án phí thì Công ty Thiên Phú đã xin rút những yêu cầu này tại tòa.  

Nếu các yêu cầu được chấp nhận nhưng do trong quá trình vay, thế chấp và bán đấu giá, Công ty Thiên Phú đều ký tên thì trách nhiệm của Thiên Phú ra sao? Trước câu hỏi này, đại diện của Thiên Phú nói “sẽ chịu trách nhiệm” nhưng ngay sau đó lại cho rằng Công ty Thiên Phú “không có lỗi”, “không chịu trách nhiệm”. 

Cuối ngày xét xử, một thành viên HĐXX nhận xét: “Vụ việc đã được kết luận thanh tra nêu rõ. Nội dung KLTT của Thanh tra Bộ Tư pháp đã nêu ra quá trình, những vấn đề trong quá trình đấu giá. Giờ ở đây chúng ta xem xét các quy định pháp luật để xem nội dung kiện đúng hay sai”.

Vị này cũng đánh giá kết luận thanh tra rất quan trọng nên hỏi Agribank có báo cáo với Chính phủ hay không và yêu cầu cung cấp hồ sơ báo cáo.

Quan điểm xử vụ án này phải bám sát kết luận thanh tra như HĐXX nêu trên đã được PLVN khẳng định trong các bài báo trước đây. Theo đánh giá của giới chuyên gia pháp lý, kết luận thanh tra về vụ đấu giá này hiện đang có hiệu lực, được cơ quan có thẩm quyền xem xét kết luận dựa trên Luật Đấu giá và các luật liên quan.

Sau khi ra kết luận, ngày 29/3/2019, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 91/BC-BTP gửi Thủ tướng, trong đó nêu rõ đề nghị của Thiên Phú đòi hủy kết quả đấu giá là không có căn cứ vì “việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của công ty đấu giá không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng”; “sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành kết luận thanh tra, không có cá nhân, tổ chức nào khiếu nại kết luận thanh tra này”.

Chính phủ sau đó đã có ý kiến đồng ý với báo cáo của Bộ Tư pháp. Do đó, theo quy định pháp luật, kết luận thanh tra không thể bị phản bác, tòa án không thể tuyên một bản án có nội dung trái ngược.

Trước đó, ngày 28/3/2019, Agribank cũng đã có Báo cáo số 2568/NHNo-PC do TGĐ Tiết Văn Thành ký, gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo việc Thiên Phú đã vay của Agribank gần 1.200 tỷ đồng, dùng dự án Hòa Lân thế chấp tại Agribank.

“Suốt 7 năm (từ 2008-2015), Agribank đã liên tục đôn đốc, tạo điều kiện cho Thiên Phú tìm phương án trả nợ, chuyển nhượng hoặc tìm đối tác thực hiện dự án nhưng Thiên Phú không tìm được, không thể tự bán tài sản”. 

Giữa tháng 4/2015, Thiên Phú bàn giao dự án cho Agribank. Trong biên bản, Thiên Phú nêu rõ “tự nguyện bàn giao, giao toàn bộ tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản, công trình khác gắn liền với đất của dự án” cho Agribank “toàn quyền xử lý, phát mãi tài sản” để thu hồi nợ. 

Báo cáo những khó khăn vướng mắc sau khi xử lý món nợ nấu hơn 1.200 tỷ này với Thủ tướng. Trong đó, Ngân hàng Agribank nêu rõ việc UBND Bình Dương chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư dự án cho Kim Oanh. Mặc dù là bên vi phạm Hợp đồng tín dụng nhưng Thiên Phú lại khởi kiện ra TAND quận 7.

"Việc Thiên Phú khởi kiện và TAND Quận 7 TP HCM ra quyết định “phong tỏa” dự án Hòa Lân là không đúng tinh thần xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Kim Oanh, cũng như quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của Agrinbank”, Ngân hàng nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục vào 13h30 hôm nay (11/3).

Đọc thêm