Philippines thay đổi cuộc chiến chống tội phạm ma túy?

(PLO) -Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa vừa khiển trách việc cấp dưới bày tỏ quan ngại với báo chí về cuộc chiến chống tội phạm ma túy (25/10), nhưng không nói chuyện trực tiếp với ông. “Họ đang phá hoại nỗ lực bài trừ ma túy của Tổng thống”, ông Ronald Dela Rosa nói, và cảnh báo những cảnh sát trả lời phỏng vấn truyền thông bừa bãi có nguy cơ bị xử phạt. 
Cảnh sát Philippines trong một đợt truy quét tội phạm ma túy ở thủ đô Manila hồi đầu tháng 10
Cảnh sát Philippines trong một đợt truy quét tội phạm ma túy ở thủ đô Manila hồi đầu tháng 10

Ông Rosa cũng phản đối giới truyền thông dẫn lời những nguồn tin giấu tên trong các bài viết bởi trước đó, hãng Reuters dẫn lời một số sĩ quan và quan chức cấp cao bày tỏ lo ngại về sự không nhất quán trong số liệu thống kê người thiệt mạng và những khuất tất trong chiến dịch chống tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động.

Cuộc chiến khốc liệt

“Tôi không nghĩ sự sai lệch đó là một vấn đề”, Giám đốc cơ quan chống ma túy Manila (PDEA) Wilkins Villanueva tuyên bố. Ông Wilkins Villanueva đưa ra tuyên bố kể trên sau khi hãng Reuters cho rằng, các số liệu do Tổng thống Rodrigo Duterte công bố về cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở Philippines đã bị phóng đại.

Bởi khi phát biểu tại thủ đô Manila hôm 12/10, ông Rodrigo Duterte cho biết, có ít nhất 2 cảnh sát thiệt mạng mỗi ngày trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Nhưng theo số liệu của cảnh sát, từ ngày 1-7 (thời điểm ông Rodrigo Duterte phát động chiến dịch chống tội phạm ma túy) đến ngày 12-10 mới có 13 cảnh sát thiệt mạng - trung bình 8 ngày mới có 1 cảnh sát chết khi thi hành công vụ.

Về phần mình, Tổng thống Rodrigo Duterte vừa kêu gọi các cơ quan chính phủ và người dân giúp triệt phá 10.000 mạng lưới ma túy bởi ông không thể làm việc này một mình. Ngày 25-10, tờ Phil Star dẫn lời ông Rodrigo Duterte: “Tôi không biết làm thế nào để tìm ra giải pháp đối với bản danh sách có tới hàng nghìn cảnh sát, thị trưởng, quan chức chính phủ… liên quan tới ma túy”.

Ông Rodrigo Duterte còn tuyên bố, sẵn sàng vào tù nếu như bị buộc tội vì cuộc chiến chống tội phạm ma túy hiện nay, nhưng quyết không thay đổi chính sách đang thực hiện. Bởi không cần thông qua xét xử, cảnh sát có thể bắn hạ những ai bị nghi là tội phạm ma túy. 

Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa

Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa

Truy quét cộm cán

Tuy nhiên, hãng Reuters vừa cho biết, kế hoạch “Double Barrel Alpha” của cảnh sát có thay đổi trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Theo đó giảm bớt tình trạng giết nghi phạm ma túy, để tập trung nguồn lực truy quét những nhân vật nổi bật có liên quan tới loại tội phạm này.

Giới truyền thông cho rằng, một phần của “Double Barrel Alpha” là cảnh sát sẽ làm việc với lãnh đạo cộng đồng để xử lý những điểm nóng buôn bán ma túy, đồng thời thiết lập chương trình cai nghiện tại địa phương.

Theo người phát ngôn cảnh sát quốc gia Philippines Dionardo Carlos, “Double Barrel Alpha” sẽ chính thức được thực thi nhưng chi tiết cụ thể không được công bố. Tuy nhiên, theo kế hoạch được công bố hôm 25-10 tại Trại Crame - trụ sở cảnh sát ở phía Bắc thủ đô Manila, các chính trị gia, tướng quân đội, cảnh sát, quan chức chính phủ và những người nổi tiếng bị cáo buộc có liên quan đến ma túy đều bị bắt.

Theo ông Dionardo Carlos, nguyên nhân khiến cuộc chiến chống tội phạm ma túy phải điều chỉnh vì có liên quan tới vấn đề EJK (giết nghi phạm không qua xét xử). Theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây, có tới 94% số người Philippines được hỏi nói rằng, họ muốn cảnh sát bắt sống nghi phạm ma túy...

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Philippines, Thượng nghị sĩ Leila de Lima, người vừa mất ghế Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện hơn 1 tháng trước (19-9) vừa kêu gọi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) mở cuộc điều tra hình sự quốc tế đối với Tổng thống Rodrigo Duterte, nhằm chấm dứt cuộc chiến chống tội phạm ma túy khiến hàng nghìn người chết.

Bà Leila de Lima đưa ra lời kêu gọi kể trên khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian và cho rằng, sự can thiệp của ICC là hy vọng duy nhất để kết thúc việc giết người không qua xét xử, gây sợ hãi trong dân chúng kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền.

Hơn nửa tháng trước (14/10), hãng AFP từng dẫn tuyên bố của Trưởng công tố viên ICC, khi bà Fatou Bensouda bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những vụ giết người chưa qua xét xử ở Philippines.