Phim Việt phát hành online - cơ hội cho người trẻ yêu điện ảnh

(PLO) - Tại Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường phim phát hành trực tuyến không thể nói là quá sôi động, song cũng vẫn có những bước phát triển nhất định. Thị trường trực tuyến đã trở thành “bệ đỡ” cho sự thành công, tạo dựng tên tuổi của nhiều nhóm hài, nhóm làm phim, diễn viên không chuyên và những người yêu điện ảnh.
”Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể” với đầu tư chỉn chu là phim phát hành trực tuyến thành công nhất cho đến nay.

Kỉ lục cho phim trực tuyến

Mới đây, người mẫu nội y Ngọc Trinh đã công bố một dự án làm nhiều người ngạc nhiên, đó là dự án “ăn theo” Vòng eo 56, mang tên NT56, không phát hành trong các hệ thống rạp mà chỉ phát hành trực tuyến. Nhiều người ngạc nhiên, bởi bước đi này chứng tỏ Ngọc Trinh khá “thời thượng” khi mới chạm ngõ điện ảnh. Với 3 tỉ đồng tiền đầu tư, theo Ngọc Trinh chia sẻ, việc chỉ phát hành online, hoàn toàn miễn phí nhằm mục đích mở rộng đối tượng xem phim, có thể khiến người dân khắp cả nước xem không mất phí. Đây có vẻ là một dự án điện ảnh phi lợi nhuận của Ngọc Trinh, trên thực tế, câu chuyện phim phát hành trực tuyến không chỉ ở việc có thu lợi từ bán vé hay không, mọi chuyện không đơn giản như thế.

Cách đây 3 tháng, sau khi bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” ra rạp và đạt doanh thu mong ước, Huỳnh Lập cũng tung ra dự án điện ảnh phát hành trực tuyến mang tên “Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể”. Dù chỉ là một “bản sao” của bộ phim chiếu rạp, nhưng thậm chí, sức nóng bộ phim của Huỳnh Lập có phần “ăn đứt” cả bản gốc. Bộ phim có kinh phí trên 2 tỉ đồng, với sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc cả về mặt tạo hình, nội dung, diễn xuất cảnh quay hay âm nhạc… đã thực sự tạo ra một cơn sốt, được nhiều người ví là “siêu phẩm trực tuyến”. Chỉ trong vòng 4  ngày, phim cán mốc 10 triệu lượt người xem, một kỉ lục chưa từng có của sản phẩm phim phát hành online. 

Tại các nền điện ảnh phát triển lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, công nghệ phim phát hành trực tuyến đã phát triển mạnh trong nhiều năm nay. Con đường đi của phim trực tuyến khá dễ thấy, đó là các nhà sản xuất rất chuộng dòng phim “ăn theo”, nghĩa là đã nổi tiếng ở phiên bản truyền hình, phiên bản điện ảnh chiếu rạp, thì thế nào cũng sẽ có sản phẩm phát hành trực tuyến. Tại Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường phim phát hành trực tuyến không thể nói là quá sôi động, song cũng vẫn có những bước phát triển nhất định. Nếu nói đến sản phẩm nổi bật, có đầu tư cao và nghiêm túc, gần với phim điện ảnh phát hành rạp nhất cho đến nay có lẽ chỉ có “Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể”. Ngoài ra, cũng có nhiều sản phẩm khá ăn khách, như các phim ngắn “Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò”, “Biên tập ký ức”, “Hạnh phúc của hai người đàn ông”… Phim phát hành trực tuyến còn có các serie phim sitcom được ưa chuộng: “Mùa hoa oải hương năm ấy”, “5S online”, “Kim chi cà pháo”, “Tiệm bánh Hoàng Tử Bé”... 

Mảnh đất cần khai phá

Trong khi phim phát hành trên sóng truyền hình hay ngoài rạp đòi hỏi sự đầu tư mạnh về mọi mặt, trong đó tốn kém không ít cho khâu quảng cáo, thì phim phát hành trực tuyến có lợi thế sẵn có là mạng internet đã là một công cụ sẵn có và hiệu quả cao để quảng bá, lan truyền. Kinh phí cho một bộ phim ra rạp, thấp nhất không dưới 4 tỉ đồng, cao có khi đến vài chục tỉ, nhưng cho một bộ phim phát hành online, đến giờ kỉ lục là hơn 2 tỉ cho phim của Huỳnh Lập, thấp thì chỉ vài 

chục triệu, thậm chí vài triệu cũng có. Tương tự, phim sitcom bản truyền hình, kinh phí quay cho mỗi tập không dưới 150 triệu đồng, nhưng với bản online chỉ vài chục triệu. Đó là còn chưa kể đến lợi thế về mặt kiểm duyệt. Phim ra rạp, phim lên truyền hình bị kiểm duyệt rất chặt chẽ, có khi chính sự chặt chẽ này làm bộ phim bị “giảm giá”, bị đứt mạch, mất hay, thậm chí có phim bị nhiều cảnh vi phạm quy định phải đổi tên, cấm chiếu (như phim “Bụi đời chợ Lớn”). Trong khi đó, phim chiếu online hầu như chưa “lọt mắt xanh” các nhà quản lý điện ảnh, nên hầu hết chỉ phải tuân thủ các quy định ít ỏi của các kênh mà nó phát hành như youtube hay các kênh drama trực tuyến: vấn đề bản quyền, vấn đề cảnh khiêu dâm, cảnh bạo lực máu me quá mức… Vì thế, không ít những bộ phim khá “nhạy cảm” về tên gọi hoặc cách thể hiện, vẫn được phát hành ầm ầm, như “Một con điếm tội nghiệp”, “Căn hộ 69”…

Tất nhiên, phát hành trực tuyến không phải là cuộc chơi phi lợi nhuận. Nếu như phim ra rạp, doanh thu trông chờ vào việc bán vé, phim chiếu truyền hình ăn thua ở tỉ suất xem đài, thì tương tự, phim online “thắng” hay không nằm ở lượt xem. Lượt xem cao, đồng nghĩa với tỉ lệ quảng cáo nhiều, doanh thu cao. 

Làm phim online cũng là một cách mà các nhà sản xuất chưa có tên tuổi nhiều tạo dựng danh tiếng. Với một bộ phim ra rạp, sự đòi hỏi là rất cao, cạnh tranh cũng rất khốc liệt, nếu làm không tốt, không may mắn, nhà làm phim điêu đứng như chơi. Nhưng phim trực tuyến thì khác, đầu tư ít, rủi ro không nhiều, đây chính là nơi hợp lý để những người yêu điện ảnh “tập sự” và thể nghiệm sức áng tạo của mình. Một ví dụ, nếu ra rạp, “Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể” rất có thể không tạo được tiếng vang, thậm chí sẽ bị nhặt “sạn”. Nhưng phát hành online lại là câu chuyện khác. Thị trường trực tuyến đã trở “bệ đỡ” cho sự thành công, tạo dưng tên tuổi của nhiều nhóm hài, nhóm làm phim, diễn viên không chuyên… BB & BG, Thích Ăn Phở, Trắng TV cũng là những nhóm làm phim từ không chuyên lên thành chuyên nghiệp, với số lượng phim phát hành trực tuyến nhiều, lượt xem cao và đi kèm với nó là doanh thu ổn định.

Phim trực tuyến là một xu thế, một cơ hội. Nó chờ đợi những người trẻ dám làm, dám thể nghiệm và bứt phá để thành công.

Đọc thêm