Phổ biến, giáo dục pháp luật: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, hướng mạnh về cơ sở

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng  (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 - 2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng  (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 - 2016.

Nhà nước là nòng cốt, tăng cường xã hội hóa

Theo Chương trình hành động vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quan điểm chỉ đạo đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là “Đảm bảo thực hiện sự lãnh đạo của Đảng  trong công tác PBGDPL và nội dung được nêu tại Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư; tập trung đẩy mạnh và hướng công tác PBGDPL về cơ sở”.

Nhà nước phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PBDGPL; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc khuyến khích, tạo điều kiện, huy động sự tham gia, đóng góp của các thành phần kinh tế, nguồn lực xã hội vào công tác này. Bên cạnh đó, kết hợp PBGDPL với giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức pháp luật, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân; thông qua hoạt động thực thi công vụ kết hợp PBGDPL cho nhân dân; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương trình hành động cũng yêu cầu kế thừa và tiếp tục phát huy các kết quả công tác PBGDPL trong những năm qua; tổng kết thực tiễn để chọn lọc, nhân rộng những mô hình, cách thức có hiệu quả trong công tác này.

Lựa chọn biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng

Một trong những mục tiêu quan trọng được Chương trình hành động đề ra là tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân. Bên cạnh đó, triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức PBGDPL, trong đó chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp PBGDPL hiệu quả, phù hợp đối tượng, địa bàn và nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhân dân trong từng giai đoạn.

Trên cơ sở những mục tiêu quan trọng này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư; gắn việc triển khai thực hiện Kết luận với việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; kết hợp việc triển khai toàn diện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các Bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên nghiệp, có chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị - tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tốt. Đồng thời, củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực cho các tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tham mưu giúp lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật....

Bên cạnh đó, huy động các luật sư, luật gia và những người làm công tác pháp luật khác tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu xây dựng chế độ ưu đãi nhằm động viên đội ngũ này tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cũng theo Chương trình hành động này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng như an toàn giao thông, đất đai, khiếu nại, tố cáo, tài nguyên và môi trường, bình đẳng giới, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, xây dựng và thí điểm triển khai nội dung chương trình, môn học sư phạm pháp luật tại các cơ sở đào tạo bậc đại học chuyên ngành luật để đào tạo nguồn giáo viên dạy môn giáo dục công dân và giảng viên dạy pháp luật trong nhà trường theo hướng chuẩn hóa, có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học pháp luật.

VH

Đọc thêm