Phó Chủ tịch quận Long Biên tự giải quyết đơn tố cáo... chính mình

(PLO) - Phó Chủ tịch quận Long Biên (Hà Nội) bị dân tố cáo “bắt tay” với doanh nghiệp, thu hồi và cưỡng chế đất của dân không đúng pháp luật. Đơn tố cáo này lại được chính ông “thụ lý và giải quyết” và cũng chính ông ký Quyết định trả lời tố cáo. 
Ảnh minh họa từ internet.

Sự vi phạm pháp luật đó không thể tin được lại xảy ra ở Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước.

Một doanh nghiệp được TP Hà Nội phê chuẩn dự án xây dựng trên đất 10.000m2, trong đó có trên 5000m2 của dân đã được cấp sổ đỏ. Cách thức thu hồi đất mà thành phố cho phép là doanh nghiệp thỏa thuận đền bù với dân.

Nhưng không, ông Phó Chủ tịch quận đã lấy danh nghĩa chính quyền để đứng ra thu hồi đất, tiến hành cưỡng chế để giao cho doanh nghiệp và trên mảnh đất đã thu hồi đó từ năm 2013 đến nay vẫn bỏ hoang.

Điều đáng nói là khi dân tố cáo ông Phó Chủ tịch quận thì cấp giải quyết việc này thuộc thẩm quyền thành phố nhưng quận Long Biên đã phớt lờ quy định này của pháp luật, “giữ lại” đơn tố cáo để mình tự giải quyết.

Kết cục thì ai cũng rõ, mình tự giải quyết cho mình thì tất yếu những chuyện dân tố cáo là sai bét. Thủ đoạn lách luật trong việc này ở chỗ, dân tố cáo cá nhân ông Phó, ông làm thủ thuật “đánh bùn sang ao” là tố cáo UBND huyện (chính quyền chứ không phải cá nhân) và đàng hoàng ký Quyết định giải quyết việc tố cáo này với tư cách KT/Chủ tịch quận. Nhưng dù tư cách gì đi chăng nữa thì cách hành xử này vẫn là trái luật.

Hà Nội đang chủ trương siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường sức mạnh thực lực cho bộ máy quản lý, giảm phiền hà cho dân,... thế mà cán bộ lãnh đạo chính quyền sở tại cứ ngang nhiên cho mình cái quyền cho mình là đúng đã thực hiện chủ trương sai, áp dụng pháp luật sai, giải quyết hậu quả cũng sai nốt. Vậy, siết chặt kỷ cương phép nước chỉ là chuyện nói cho ra vẻ tôn trọng pháp luật suông thôi sao?!

Cách hành xử như trên bộc lộ hết tính chất “cửa quyền” mà dư luận xã hội phê phán và không thể chấp nhận, nó không những là biểu hiện coi thường dân mà còn cả sự coi thường pháp luật nữa.

Nếu không xử lý nghiêm túc, đến nơi đến chốn trường hợp cụ thể này để nó thành “biện pháp quản lý” cho các cán bộ chính quyền địa phương khác học tập và noi theo thì trở thành mối nguy cho cả xã hội và một Nhà nước định hướng pháp quyền.

Đọc thêm