Phối hợp giữa hai Bộ Tư pháp - Giáo dục và Đào tạo ngày càng chặt chẽ, hiệu quả

(PLVN) - Chiều 20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp đồng tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Theo báo cáo tại Hội thảo, năm 2022, công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Tư pháp triển khai thực hiện một cách toàn diện trên các mặt công tác pháp chế như công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; hợp nhất văn bản và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật… Các đơn vị chức năng của hai Bộ đã có sự phối hợp, gắn kết và có hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế của ngành Giáo dục.

Kết quả cho thấy, trong năm 2022, đội ngũ những người làm công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT ngày càng trưởng thành, được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các bộ, ngành; chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động có hiệu quả. Các văn bản nợ đọng của Bộ GD&ĐT đã được ban hành, Bộ GD&ĐT không còn trong danh sách các đơn vị nợ đọng văn bản nhiều, đồng thời cũng đã ban hành một số văn bản quan trọng.

Bước sang năm 2023, hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp trong các công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luât; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp nhất văn bản và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; bồi thường nhà nước, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng như trong công tác pháp chế ngành Giáo dục. Hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Đoàn kiểm tra công tác pháp chế tại một số địa phương và cơ sở giáo dục đại học, đề xuất sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP phù hợp với thực tiễn của ngành.

Các ý kiến tại Hội thảo đều nhất trí đánh giá cao hoạt động phối hợp trong năm 2022 giữa hai Bộ. Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, hoạt động phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả nhưng cũng có những việc chưa thật kịp thời. Vì vậy, ông Tuyến khẳng định, các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp sẽ thực hiện tốt hơn, sát sao hơn trong công tác phối hợp giữa hai Bộ về công tác pháp chế năm 2023.

Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp để triển khai hiệu quả các mặt công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT; phối hợp, cử đại diện làm báo cáo viên tham gia giảng dạy các chuyên đề về bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ thuật soạn thảo, ban hành văn bản…

Đọc thêm