Phòng thủ trước thiên tai

(PLVN) - Hôm qua (10/5), tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2024, đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, trong thời gian tới thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan.
Ảnh minh họa.

Cơ quan khí tượng dự báo việc chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như: Mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn.

Dự báo có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay. Lượng mưa 6 tháng cuối năm được dự báo xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, có khả năng mưa lớn tập trung nhiều trong các tháng cuối năm.

Đó là những đánh giá đáng lo ngại. Theo thống kê, thiên tai năm 2020 đã làm 291 người chết, 64 người mất tích, trong đó số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Hơn 336 ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 198 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 4 triệu con gia súc, gia cầm chết, cuốn trôi. Thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2020 là hơn 35,1 ngàn tỷ đồng.

Trong năm 2023, thiên tai cũng xảy ra cực đoan trên các vùng miền Việt Nam với 1.964 trận thiên tai thuộc 21/22 loại hình, làm 1.129 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9.324 tỷ đồng.

Dự báo đã có và khả năng dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn đã ngày càng tốt hơn; nên quan trọng là chúng ta phải làm gì để ứng phó, phòng, chống những nguy cơ nếu thiên tai, bão lũ xảy ra. Một điểm mới, rất quan trọng, trong PCTT&TKCN ở nước ta hiện nay, là mới đây Quốc hội đã ban hành Luật Phòng thủ dân sự (PTDS).

Luật quy định rõ trong PTDS có nội dung các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức, nền kinh tế quốc dân. Ban Chỉ huy PTDS địa phương được thành lập từ cấp xã, huyện đến tỉnh, với nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng, nhằm huy động sức mạnh toàn dân. Đạo luật này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024 tới đây.

Đó cũng là nội dung mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý trong Hội nghị, yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương tập trung chuẩn bị kiện toàn bộ máy PCTT&TKCN theo Luật PTDS, bảo đảm bộ máy mới hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn; sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PTDS; tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; mạnh dạn đề xuất các quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác PCTT&TKCN.

Một điều quan trọng khác, là cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả mọi người; đa dạng phương thức thông tin như thông báo qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại.

Đúng như nguyên tắc Luật PTDS đã nêu rõ: “PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ - NV) kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế”; nếu tất cả mọi người cùng biết, cùng chung tay thì chắc chắn công tác ứng phó phòng, chống thiên tai sẽ bảo đảm hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và của, nếu có sự cố, thiên tai xảy ra.