“Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện lưu giữ hàng nghìn lá thư thời chiến của những người phụ nữ, thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư.
Ra mắt sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”. (Ảnh: BTPNVN)
Ra mắt sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”. (Ảnh: BTPNVN)

Nhân kỷ niệm 1884 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, hướng tới chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”. Cuốn sách tập hợp, giới thiệu những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư hiện lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần tôn vinh phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời chiến

Trong “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” có lá thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi cho con trai; những lá thư của bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, gửi cháu; lá thư của chị Võ Thị Thắng - người con gái có “Nụ cười chiến thắng”, gửi cho gia đình từ Côn Đảo…

Có thể kể đến những bức thư của Nguyễn Thị Ngọc Toản - y sĩ cứu thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ dành cho người yêu là anh Khánh (sau này là Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được viết trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1973. Những lá thư phản ánh câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống của hai người chiến sĩ trong giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng tình yêu giữa họ chưa một lần tách biệt với tình yêu và trách nhiệm với công việc, với Đảng.

Còn có những bức thư giữa nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ. Mặc dù cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình vợ chồng Trần Hoàn - Thanh Hồng mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy, những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời. Dù không trau chuốt về từ ngữ, không sử dụng những câu từ hoa mỹ, nhưng tràn ngập mỗi trang thư là nỗi nhớ gia đình, những lời động viên, an ủi và mong gia đình sẽ được sum họp.

Bức thư gửi mẹ được chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh viết ngày 19/7/1968 là một bức thư đặc biệt, vì chỉ 5 ngày sau, chị và 9 đồng đội đã anh dũng hy sinh. Tháng 7/1968 là thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất tại Ngã ba Đồng Lộc, có ngày chúng trút xuống đây gần 1.000 quả bom các loại và lá thư được viết vội ngay tại chiến trường, trong điều kiện thiếu thốn, không có thời gian và giấy viết để viết nháp, trau chuốt từng câu chữ. Đã gần nửa thế kỷ từ ngày Bắc - Nam sum họp một nhà nhưng bất kỳ ai khi đọc được bức thư này cũng rưng rưng xúc động và tự hào về những cô gái “mãi mãi tuổi 20”. Dù trong đau thương, mất mát, cận kề giữa sự sống và cái chết, nhưng tinh thần lạc quan, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ vẫn còn sống mãi...

Với dung lượng gần 400 trang, cả trăm bức thư khắc họa hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến, cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc và hiểu đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người đi qua cuộc chiến. Từng câu chữ trong những bức thư đã tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Bao trùm khó khăn, gian khổ, nỗi buồn mà những người bà, người chị, người vợ, người mẹ ấy phải chịu đựng là một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của cả dân tộc. Đây chính là minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại

Là đơn vị sưu tầm những bức thư để đưa vào xuất bản cuốn sách, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, ý tưởng và công việc sưu tầm, tập hợp, thực hiện cuốn sách đã có từ vài năm trước. Nhưng đây đều là những lá thư tay được viết từ thời kháng chiến, qua thời gian giấy đã ố vàng, chữ phai mờ nên những người biên soạn sách đã kiên trì, tỉ mỉ, cẩn trọng để thực hiện.

Theo nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng, thời kháng chiến, tất cả những thông tin cá nhân muốn chuyển cho nhau, những niềm thương, nỗi nhớ, những điều cần dặn dò, tâm sự… đều được gửi qua lá thư. Phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, lá thư mới đến được tay người nhận. Giờ đây, những lá thư ấy không chỉ trở thành di sản mà còn là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ phụ nữ ưu tú và tiêu biểu nhất của dân tộc ta dành cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong lời tựa cho cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam viết: “Cả trăm bức thư thời chiến mà cuốn sách tuyển chọn và tập hợp được đã góp phần tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, yêu chồng, thương con, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì Tổ quốc. Những dòng thư tay viết vội ấy đã trở thành những dòng hồi ức tồn tại mãi mãi với thời gian, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người đi qua cuộc chiến, góp phần giáo dục họ tiếp bước con đường đầy gian nan, thử thách nhưng vô cùng vinh quang của dân tộc”.

Phát biểu tại buổi giới thiệu ra mắt sách, ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ, thời gian càng lùi xa, những vật chứng ấy lại càng trở nên có giá trị, đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc. “Cuốn sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” ra mắt hôm nay sẽ là tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng đất nước và để mỗi chúng ta hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà lịch sử mang lại cho hòa bình hôm nay; sẽ trở thành động lực để chúng ta tiếp tục có những hoạt động hiệu quả, khơi dậy ý chí, lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo của mỗi người để trở thành một thế hệ công dân hữu ích, mạnh mẽ, năng động, xây dựng đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, theo ông Nguyễn Thái Bình.