“Biết tuốt về triết” của Yves Michaud

(PLVN) - Nhằm giúp công chúng tiếp cận với những vấn đề triết học căn bản, triết gia Yves Michaud đã có những buổi thảo luận triết học với một nhóm thanh, thiếu niên và ghi chép, tổng hợp lại trong cuốn sách “Biết tuốt về triết”.
“Biết tuốt về triết” của Yves Michaud

Với ba mươi hai câu hỏi tương ứng với ba mươi hai cuộc đối thoại cùng những minh họa dễ hiểu, hài hước, cuốn sách của Yves Michaud dẫn dắt bạn đọc làm quen với những chủ đề triết học một cách nhẹ nhàng dễ hiểu để nhận ra rằng triết học không hề khô khan mà thực chất đầu hấp dẫn và lý thú.

Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có những ý kiến phản bác cho rằng liệu triết học có giúp ích được gì hay không. Người ta thường đưa ra luận điểm phản bác triết học rằng nó chẳng đi đến đâu, chẳng có ích gì lại còn mất thời gian. Thà làm người thực tế và hành động hiệu quả còn hơn làm triết gia. Thậm chí còn có quan điểm cho rằng triết học là thứ vô dụng trong xã hội.

Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy mỗi khi thời đại có biến chuyển lớn, thì triết học cũng có những phát triển mạnh mẽ tương ứng. Khi xem xét sự vật, triết học luôn tiếp cận chúng bằng cái nhìn tổng quan, trên một phạm vi rộng. Với mỗi biến chuyển đang xảy ra, triết học lặp lại những câu hỏi như “Điều này có ý nghĩa ra sao?”, “Rốt cuộc điều đó sẽ mang lại gì?”. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, có thể chúng ta sẽ nghĩ những câu hỏi đó là lan man, không cần thiết. Nhưng khi thời đại có những thay đổi thực sự mạnh mẽ, bạn sẽ thấy thái độ cẩn trọng đó của triết học là không thể thiếu.

Kant từng nói: “Ta không học triết học, ta học cách triết lý”. Đó là điều mà tác giả Yves Michaud muốn nói với độc giả qua cuốn sách này. Qua các ví dụ cụ thể cùng những tranh luận đa chiều trước nhiều vấn đề, Biết tuốt về triết giúp bạn đọc mở ra một cách tư duy mới - tư duy triết học - để biết cách xử trí trước những thông tin tràn lan, kích thích trí tưởng tượng và mở ra cánh cửa đến với tri thức về vạn vật. Cuốn sách này giúp giải thích rõ ràng thời đại chúng ta đang sống dưới góc nhìn triết học.

Nhóm đối tượng mà “Biết tuốt về triết” hướng đến là thanh, thiếu niên. Độc giả trẻ có thể sử dụng “Biết tuốt về triết” như cuốn sách nhập môn về triết học. Tuy nhiên, cuốn sách cũng dành cho phụ huynh và người thân của các độc giả trẻ, những người không làm về triết học, hoặc những người chỉ còn nhớ lơ mơ về triết.

Điểm thu hút của cuốn sách “Biết tuốt về triết” nằm hình thức đối thoại gần gũi, ngôn ngữ ngắn gọn, cô đọng cùng những minh họa dễ hiểu, hài hước. Bên cạnh đó, cuốn sách còn cung cấp cho độc giả danh sách các tác phẩm để đọc và suy ngẫm. Với mỗi câu hỏi, Yves Michaud đưa ra một vài tác phẩm khuyên đọc, bao gồm những tác phẩm kinh điển có bàn đến chủ đề đó như “Tổ tiên của chúng ta” (Italo Calvino), “Hóa thân” (Franz Kafka), “Kẻ ngoại cuộc” (Albert Camus), “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” (Mark Twain), “Chúa Ruồi” (William Golding), “Chân dung của Dorian Gray” (Oscar Wilde), “Hoàng tử bé” (Antoine de Saint-Exupéry), “Đại gia Gatsby” (F. Scott Fitzgerald),...

Bên cạnh danh sách các tác phẩm để đọc và suy ngẫm, cuốn sách của Yves Michaud còn có điểm khác biệt so với các cuốn sách cùng chủ đề ở chỗ tác giả đã dày công chuẩn bị Hướng dẫn đọc - nhằm cung cấp và gợi mở cho độc giả cách tiếp cận và sử dụng cuốn sách một cách hiệu quả nhất.

Yves Michaud sinh ngày 11 tháng 7 năm 1944, là triết gia người Pháp. Ông từng làm trợ giảng tại Đại học Montpellier III (1970 - 1981), giáo sư triết học tại Đại học California ở Berkeley, Đại học Edinburgh ở Scotland, Đại học Rouen và Đại học Panthéon-Sorbonne ở Pháp. Là thành viên sáng lập Đại học Tri thức (UTLS), ông chủ yếu đi sâu vào mỹ học, bạo lực và chủ nghĩa duy nghiệm, đặc biệt là qua những nghiên cứu của John Locke và David Hume.

Một số tác phẩm nổi bật của Yves Michaud: “Biết tuốt về triết” (La philo 100% ado), “Chống lại lòng nhân từ” (Contre la bienveillance), “Bạo lực” (La violence), “Cuộc khủng hoảng của nghệ thuật đương đại” (La crise de l'art contemporain), “Quyền công dân và lòng trung thành” (Citoyenneté et loyauté)...