Phú Thọ: Bến bãi không phép, hệ lụy khôn lường mùa mưa bão

(PLO) - Việc quản lý bến, bãi ở tỉnh Phú Thọ không chỉ  còn lỏng lẻo dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước mà còn triển khai rất chậm, thậm chí còn "vấp" phải nhiều khó khăn trong việc cấp lại giấy phép hoạt động.
Bến không phép ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Xuân Hồng.
Bến không phép ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Xuân Hồng.

Hoạt động bến bãi không phép này đã và đang diễn ra một cách nhộn nhịp công khai tại nhiều con sông ở tỉnh Phú Thọ.

Thực địa nhiều nơi người dân bức xúc phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam mới thấy được tình trạng hút cát, vận chuyển, bến bãi tập kết ngay trên hành lang đê diễn ra suốt ngày đêm, vì lợi nhuận mà cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đã bất chấp, không quan tâm vấn đề an toàn đê điều.

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát tặc trên sông ở Phú Thọ diễn ra phức tạp, gây sạt lở bờ sông. Hoạt động của các bến thủy nội địa không phép, trái phép cũng chính là nơi tiếp tay tiêu thụ sản phẩm cát, sỏi.

Thông tư số 50 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã phân cấp cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương cấp mới và cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên cả tuyến đường thủy quốc gia, thay vì do cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa cấp như trước.

Việc phân cấp này được xem là bước cải cách, tăng cường vai trò quản lý của ngành chức năng địa phương đối với giao thông đường thủy nội địa; tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Phú Thọ tiến độ việc cấp phép, nhất là cấp lại giấy phép cho các bến, bãi đã hết hạn hoạt động triển khai rất chậm, thậm chí còn "vấp" phải nhiều khó khăn do phải phụ thuộc vào các ngành liên quan đối với những chủ bến bãi khi đi xin cấp phép bến bãi để hoạt động kinh doanh, chủ yếu là vật liệu xây dựng như cát, sỏi.


Các bến không phép đang hoạt động ở Phú Thọ. Ảnh: Xuân Hồng.
Các bến không phép đang hoạt động ở Phú Thọ. Ảnh: Xuân Hồng.

Ông N.T chia sẻ, ở Phú Thọ đa phần các bến bãi đã và đang hoạt động về cơ bản là đã có quỹ đất để xin cấp phép. Tuy nhiên, để được cấp phép còn cần rất nhiều nội dung khác để hoàn thiện hồ sơ như: đánh giá tác động môi trường; đảm bảo hành lang đê điều; quy trình nộp thuế ngân sách. Vì thế, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang loay hoay tìm cách hoàn thiện hồ sơ cho đủ, khiến việc cấp phép trở nên khó khăn và cần phải có thời gian. Nguyên nhân bến chưa được cấp phép là do nhiều bến, bãi có từ những năm 2000 được cấp phép hoạt động từ trước khi có Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đất đai 2013.

“Việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đang gặp nhiều khó khăn do quy định về quy hoạch chi tiết về đất, môi trường, đê điều cũng như liên quan đến thuế và kế hoạch đầu tư xây dựng bến bãi bởi có quá nhiều ngành tham gia xây dựng hồ sơ cấp phép, dẫn đến có thể bị chậm, thấm chí không được cấp phép”, một hộ kinh doanh (xin dấu tên) cho biết thêm.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh vấn đề bến bãi được mở tràn lan dọc những con sông ở Phú Thọ, ông Trần Long, Giám đốc Cảng Việt Trì cho biết, việc mở bến bãi càng nhỏ lẻ, không được cấp phép thì xảy ra tình trạng trốn thuế, phí, làm thất thu ngân sách. Các bến bãi này, cơ sở hạ tầng không được ổn định, chất lượng không tốt vì không được đầu tư bài bản, tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn xây dựng bến thủy nội địa; công tác về môi trường không được đảm bảo, nhất là trong quá trình vận chuyển, việc chấp hành về trọng tải, biện pháp bảo vệ môi trường. Việc này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất kinh doanh của các bến chính quy. Ngoài ra, bến bãi không phép sẽ làm phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh

Ngang nhiên hút cát dưới sông lên bến không phép. Ảnh: Xuân Hồng.
Ngang nhiên hút cát dưới sông lên bến không phép. Ảnh: Xuân Hồng.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Thực tế tại nhiều địa phương, tình trạng hút cát, vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng ngay trên hành lang đê diễn ra suốt ngày đêm. Vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp đã bất chấp, không quan tâm đến an toàn đê điều như sạt thân đê, sụt lún nứt thân đê".

“Vướng mắc nhất trong cấp phép bến thủy hiện nay là vấn đề đất đai. Trước kia, chủ bến chỉ cần có hợp đồng thuê đất của xã, phường là tự mở bến, bãi kinh doanh", ông Sơn cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hùng Sơn cũng cho rằng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ là đơn vị cấp mới và cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Vì vậy, đơn vị này cũng muốn cấp phép nhanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, tránh thất thu thuế, phí và các loại phí, đồng thời cũng kiểm soát được môi trường, cũng như đảm bảo an toàn đê điều. Thế nhưng đơn vị lại phải chờ lấy ý kiến của các các sở, ngành liên quan như: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư”.

Người dân cần cơ quan quản lý tỉnh Phú Thọ khẩn trương rà soát, quy hoạch lại việc cấp phép cho các bến bãi đủ điều kiện được hoạt động, tránh để lại hệ lụy khôn lường, thất thu thuế cho nhà nước.

Báo PLVN tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm