Bất cập trong khai thác
Những năm qua, trong quá trình khai thác khoáng sản, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Huyện miền núi Thanh Sơn hiện có hàng chục đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Tại một số mỏ khai thác khoáng sản ở các xã Khả Cửu, Thượng Cửu, Thục Luyện, Cự Thắng... tình trạng khai thác khoáng sản đã và đang gây ảnh hưởng tới diện tích đất sản xuất của người dân.
Nhiều người dân bức xúc cho biết, việc một số doanh nghiệp khai thác không đúng quy định khiến chất thải rắn tràn ra đồng ruộng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Mặt khác, đường vận chuyển khoáng sản qua khu dân cư không được thường xuyên sửa chữa, phun nước chống bụi và các phương tiện vận tải không được che chắn, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tại mỏ sắt Chòi Hãn, xã Cự Thắng (Thanh Sơn) do Công ty CP Gang thép công nghiệp Việt Nam khai thác, trong quá trình hoạt động, chất thải rắn gồm đất, đá thải bóc ra từ quá trình tuyển quặng sắt không được xử lý và tập kết theo đúng quy định, mà lại tập kết ngay sát thượng nguồn suối Chòi (con suối cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân). Vì vậy, vào mùa mưa lũ, đất đá vùi lấp dòng chảy, bùn thải tràn xuống ruộng canh tác của người dân, ảnh hưởng đến lúa và hoa màu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Cự Thắng cho biết, năm nào xã cũng nhận được đơn kiến nghị của người dân khu 13 về diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng bởi bùn thải của Công ty CP Gang thép công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, công ty đang tạm dừng hoạt động, nhưng chất thải trong quá trình tuyển quặng vẫn chưa được xử lý, chỉ cần một trận mưa to, thì nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo phản ánh của người dân địa phương, mỗi ngày hàng chục lượt xe tải chở đá quá khổ rơi vãi dọc đường, bụi bay mù mịt. Máy nghiền đá hoạt động gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống chung quanh, đó là chưa kể có thời gian cao điểm những máy móc này còn hoạt động liên tục, suốt cả buổi trưa và buổi tối.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Trường cho biết, đường 229 nối Phúc Khánh đi Thượng Long, thị trấn Yên Lập, qua địa bàn xã Phúc Khánh được đầu tư hàng chục tỷ đồng, hiện có sáu km bị xuống cấp; trong đó, có một km đường hư hỏng nặng, chưa kể các xe tải trong quá trình chuyên chở để đá rơi vãi trên đường, xô xuống rãnh gây tắc dòng chảy. Thực trạng này diễn ra mười năm nay, nhưng các doanh nghiệp chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm, khiến nhân dân rất bức xúc.
Tại xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, hiện nay có ba mỏ đá của ba công ty là: Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty TNHH Yên Long, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trung Anh đang khai thác đá. Cả ba mỏ đá này đều nằm trên địa bàn khu Minh Tân và khu Đình với gần 350 hộ dân; trong đó, có khoảng 30 hộ nằm gần các mỏ đá trên chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hoạt động khai thác đá.
|
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên là do chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định; công tác quản lý quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc cấp phép thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản vượt quá quy hoạch. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các cấp trong quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, đồng bộ, công tác thanh tra, kiểm tra còn mang nặng tính hình thức, chưa quyết liệt.
Ngoài ra, một số đơn vị, doanh nghiệp, do năng lực, kỹ thuật, tài chính còn yếu dẫn đến không đủ năng lực đầu tư đồng bộ công nghệ hiện đại, mang tính chiến lược, chủ yếu là thủ công bán cơ giới làm thất thoát tài nguyên và gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 100 giấy phép khai thác khoáng sản; trong đó, có 97 mỏ đang hoạt động, 11 mỏ chưa hoạt động và 22 mỏ tạm dừng hoạt động. Tổng mức đầu tư cho các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đạt gần hai nghìn tỷ đồng. Năm 2015, tổng doanh thu từ khai thác khoáng sản đạt khoảng 700 tỷ đồng, nộp ngân sách 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây ra nhiều hậu quả và hệ lụy phức tạp, như: Khó quản lý khối lượng khai thác, dẫn đến thất thu ngân sách; hạ tầng giao thông hư hỏng, ô nhiễm môi trường, mất đất sản xuất của người dân.
Ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: “Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã công bố việc quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh tổ chức lại hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản chặt chẽ, phù hợp”.
Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời giúp người dân sinh sống tại những nơi có khai thác khoáng sản yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế gia đình. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ và các sở, ban, ngành của tỉnh cần sớm có biện pháp để khắc phục tình trạng nêu trên.