Xin cưới chỉ cần đôi gà, 4 chai rượu...

(PLO) - Bấy lâu nay, người dân ở thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã quen với việc thực hiện hương ước.

Theo đó, nhà nào có con ăn hỏi chỉ sắm lễ bằng 4 chai rượu, 1 đôi gà, 4 kg gạo nếp. Lễ cưới thì không được quá 10 triệu đồng. Mỗi lễ cưới hay ăn hỏi, bà con đều nhắc nhau đơn giản, gọn nhẹ cho đỡ tốn kém. Nhà nào có điều kiện dành tiền cỗ đó làm của hồi môn cho cô dâu, chú rể có vốn liếng sản xuất. Trẻ em trong thôn bỏ học, quy ước giao trách nhiệm đến từng gia đình phải động viên con em mình đi học để lấy cái chữ. Nếu hộ nào để con em bỏ học hoặc không cho đi học đúng độ tuổi quy định sẽ bị nhắc nhở, phê bình.

Ngoài ra, hương ước, quy ước thôn Tả Lủng B còn quy định rõ về việc chăn thả gia súc, gia cầm nơi đầu nguồn nước, phá hoại hoa màu của làng xóm, tảo hôn, sinh con thứ ba… Ban đầu, thực hiện những quy định này người dân cũng chưa quen, nhưng sau được chính quyền, thôn xóm vận động, họ hiểu ra những quy định này là tốt cho mỗi người, mỗi gia đình nên vui vẻ chấp hành và nhắc nhau cùng thực hiện.

Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện, 100% các thôn trên địa bàn đã ban hành quy ước và được Chủ tịch UBND huyện phê chuẩn. Theo đánh giá của Phòng Tư pháp: “Hương ước, quy ước đã phát huy vai trò trong cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần gìn giữ, phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống dân tộc, góp phần bảo đảm an ninh trật tự”…

Tuy nhiên cũng theo Phòng Tư pháp huyện, vẫn còn tình trạng hương ước quá dài, khó nhớ, nặng về vấn đề xử lý, chưa hướng tới việc giáo dục, sửa chữa lỗi lầm, phòng tránh các hành vi vi phạm. Nhiều hương ước mang tính hình thức, dập khuôn, không thể hiện được đặc thù vùng miền, thôn xóm. Đặc biệt trong thực hiện, một số hộ dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên còn chưa gương mẫu, chưa thường xuyên vận động nhân dân thực hiện hương ước…

Nâng cao vai trò của hương ước, quy ước, Phòng Tư pháp Mèo Vạc đề nghị cần xây dựng và hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với quy định của pháp luật và hoàn cảnh thực tế của từng địa phương. Đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ tư pháp phối hợp với cán bộ văn hóa xã hội chủ động giúp UBND cấp xã trong thực hiện chỉ đạo, hỗ trợ các bản làng trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; bảo đảm nguồn kinh phí cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án cho vùng dân tộc, miền núi như Chương trình 135, Chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ…

Đọc thêm