Làm đường ngay trên sông
Theo Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, tại khu vực sông Ba thuộc địa bàn xã Bình Ngọc (TP.Tuy Hòa) và vùng giáp ranh với xã Hòa An (huyện Phú Hòa) có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, Cty CP Hồng Phúc, Cty TNHH Bình An Phú Yên, DNTN Xí nghiệp xây dựng Hưng Thịnh và HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An; với tổng diện tích cấp phép cho 5 đơn vị này khoảng 48,7ha.
Tuy nhiên, để dễ dàng vận chuyển cát đi tiêu thụ, các đơn vị khai thác đã tự ý mở đường ngay trên sông. Lòng sông Ba bị chặn lại bởi những con đường lớn nhỏ. Vật liệu làm đường là các loại đá thải loại, gạch, bê tông từ các công trình xây dựng. Thậm chí cả rác thải sinh hoạt, gỗ vụn… cũng được đổ dọc các con đường.
Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông Ba. Người dân càng lo lắng hơn khi việc khai thác ồ ạt này có nguy cơ dẫn đến sạt lở bờ sông, làm mất đất canh tác.
Ông Lê Văn Trinh (56 tuổi, ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) bức xúc nói: “Từ ngày các công ty khai thác cát làm đường để vận chuyển, dòng chảy bị tắc, nước sông dâng cao, rác thải, xác súc vật chết từ thượng nguồn trôi nổi lềnh bềnh, tấp vào khu dân cư. Nhiều giếng đào, giếng khoan dọc bờ sông bị ngập, ghe thuyền không qua lại được, hoa màu thì có nguy cơ ngập lúc nào không biết”.
“Nếu không xóa những con đường trên sông chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, gây mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân”, ông Trinh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Nam (53 tuổi, ngụ thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa) bức xúc nói: “Lúc nào, chúng tôi cũng thấy tài xế chở đổ xà bần lấn lòng sông bất kể đêm ngày. Xe tải chở cát thì bụi bặm vào ruộng rau sạch, nhà dân, chúng tôi nhiều lần báo cáo với chính quyền địa phương rồi nhưng không thấy ai giải quyết”.
Trong khi đó theo Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc xác nhận, hàng ngày, một số lượng lớn xe tải chở cát quá tải chạy qua địa bàn xã gây bụi bặm, hư hỏng đường sá, mất an toàn giao thông… ảnh hưởng đến đời sống người dân. Một số đơn vị khai thác cát trên địa bàn xã Hòa An cũng tham gia vận chuyển cát qua địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
“Từ khi có hoạt động khai thác cát, sông Ba đoạn chảy qua địa bàn trở thành một bãi chứa rác thải vật liệu xây dựng. Nhiều đơn vị khai thác đã dùng đất, đá lấp sông để làm đường vận chuyển cát. Việc lấp sông này đã gây biến đổi dòng chảy, ở xã Bình Ngọc đã có khoảng 2 sào đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, cuốn trôi xuống sông”, ông Thái cho biết.
Còn theo ông Phạm Khi - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, đa số các đơn vị khai thác cát ở đây dùng máy để hút là không đúng. Trong hầu hết các giấy phép đều nói rõ độ sâu khai thác từ bề mặt địa hình đến cao trình âm 1m, nhưng họ lại dùng máy bơm hút cát từ lòng sông là không đúng.
“Việc bơm hút cát như thế này không chỉ sai so với giấy phép được cấp mà còn gây rất nhất khó khăn trong công tác quản lý của địa phương. Người dân sinh sống, sản xuất gần khu vực khai thác cát rất lo lắng khi có doanh nghiệp dùng máy bơm hút nhưng khoảng cách gần bờ, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ sông”, phó chủ tịch huyện thông tin.
Cụ thể, hiện nay, dân cư khu vực thôn Đông Phước (xã Hòa An) rất lo lắng bởi đơn vị khai thác dùng máy hút cát có thể gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất. UBND huyện kiến nghị tỉnh nên thu hồi một phần diện tích khai thác gần bờ của doanh nghiệp này, đồng thời đưa vị trí khai thác ra xa bờ sông khoảng 300m thì mới đảm bảo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trúc - Phó giám đốc Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên phân trần: “Do cấp phép khai thác mỏ cát nằm giữa sông mà lại không quy hoạch đường dẫn vào nên chúng tôi tự nghiên cứu đường vào khai thác, chứ không phải tự ý làm đường. Các cơ quan chức năng quy hoạch đường dẫn và bằng vật liệu gì để chúng tôi biết mà làm”.
Nhiều chất thải vật liệu xây dựng đổ dọc sông Ba làm đường vận chuyển cát |
“Nhiều đoạn sông biến thành dòng chảy chết”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Mai Kim Lộc - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cho biết, tháng 6/2017, Sở TN&MT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Phú Yên) kiểm tra hoạt động khai thác cát của Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên phát hiện doanh nghiệp này tự ý mở đường riêng vào mỏ cát với chiều dài khoảng 560m, một số đoạn sử dụng chất thải xây dựng để làm đường.
Ngoài ra, Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên còn khai thác vượt công suất cho phép với khối lượng hơn 94.293m3. Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt 100 triệu đồng đối với Cty này.
Đối với 4 đơn vị khai thác cát còn lại, Sở TN-MT cũng phát hiện tất cả các đơn vị này tự ý sử dụng chất phế thải vật liệu xây dựng để mở đường riêng vào khu vực khai thác là chưa đúng với phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt. Chẳng hạn, Cty CP Hồng Phúc mở 400m đường, Cty TNHH Bình An Phú Yên mở 500m, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An mở 400m…
Ngoài ra, tất cả các đơn vị khai thác cát nói trên chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường, cắm mốc ranh giới mỏ chưa đúng quy định, chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định. Đồng thời, thời gian qua có hiện tượng một số đơn vị khai thác cát bán cho các đơn vị trong tỉnh Phú Yên để vận chuyển bán ra ngoài tỉnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên được cấp phép lần đầu từ tháng 7/2007, nhưng không hiểu lý do được gia hạn đến 2 lần và thời gian gia hạn lần thứ 2 được phép khai thác đến tháng 7/2018.
Trong khi đó, Cty này khai thác vượt khối lượng cho phép hơn 94.293m3 (vượt khoảng 174,6% so với công suất khai thác trong 1 năm) và có tham gia bán cát cho các đơn vị để vận chuyển bán ra ngoài tỉnh nhưng cơ quan tham mưu là Sở TN&MT không tham mưu cho UBND tỉnh rút giấy phép?
Thiết nghĩ, việc các doanh nghiệp ngang nhiên ngăn sông làm đường vận chuyển cát đã vô hình dung biến những con đường này thành đê ngăn lũ. Nếu những con đường dưới sông này không được giải quyết triệt để, thì khi mùa lũ đến người dân hai bên dòng sông Ba sẽ gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, ngành chức năng tỉnh Phú Yên cần vào cuộc xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
Ông Nguyễn Tấn Chân - Phó giám đốc Sở Giao thông - Vân tải tỉnh Phú Yên, cho biết: “Các đơn vị khai thác cát tự ý làm đường không theo một quy hoạch nào, mạnh ai nấy làm. Một số đơn vị sử dụng chất thải xây dựng để làm đường đến mỏ cát là sai quy định, cần phải xử lý nghiêm”.
Ông Lương Mộng Sanh - Bí thư Thành ủy Tuy Hòa, cho biết: “Làm đường để vận chuyển cát ngay dưới lòng sông không chỉ gây nên việc biến đổi dòng chảy của sông Ba mà nhiều đoạn sông biến thành dòng chảy chết. Vấn đề gia hạn giấy phép khai thác nhưng địa phương chưa được tham gia, hoặc có những ý kiến không đồng ý nhưng vẫn được cho phép gia hạn”.