Ký 1 đằng, nhận 1 nẻo
Sau bão số 12, thôn Phú Khê 2 có 44 hộ dân/121 nhân khẩu được mời lên UBND xã Hòa Xuân Đông để ký nhận gạo cứu đói theo Nghị định 136 của Chính phủ. Tổng số gạo cấp về cho nhân dân hơn 1,8 tấn.
Tuy nhiên, sau khi nhận gạo về, cán bộ thôn Phú Khê 2 đã đề nghị các hộ này chia đều cho hộ xung quanh mà không tính theo nhân khẩu.
Thay vì con số 44 hộ được nhận gạo như ban đầu, nay có đến 181 hộ được nhận. Bình quân mỗi hộ nhận 10kg, có 1 hộ được nhận 15kg. Mới đây, một số hộ dân thấy không thỏa đáng khi nhận ít hơn so với việc ký nhận nên đã đem gạo trả lại.
Ông Đ.V.B. (ngụ thôn Phú Khê 2) cho biết: “Bản thân tôi là một trong những hộ nghèo tại địa phương và bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 12 vừa qua. Gia đình tôi hiện có 4 khẩu, riêng tôi mắc bệnh hiểm nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Thế nhưng, cả gia đình chỉ nhận được 10kg gạo, thiếu 50kg so với danh sách niêm yết tại xã trong đợt này. Chẳng biết nguyên nhân gì mà cán bộ thôn lại làm như vậy”.
Trần tình về việc này, ông Trần Phương Nam - Trưởng thôn Phú Khê 2, cho biết: “Mục đích cao nhất khi chia số gạo cứu đói cho tất cả các hộ trong thôn là muốn được công bằng với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn. Hơn nữa, việc chia bình quân số gạo cứu đói cho tất cả các hộ dân trong thôn là để sau này chính quyền thôn vận động người dân trong việc đóng quỹ cũng như mọi việc được thuận tiện hơn”.
Theo ông Nam, việc cán bộ thôn chủ động phân chia công bằng số gạo cứu đói cho người dân là nghĩ cho dân, để người dân nơi đây đoàn kết xóm làng, chứ không phải tư lợi riêng.
“Tuy nhiên, nếu có lần sau, cán bộ thôn chúng tôi sẽ không tự ý phân chia như vậy nữa. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm và lần sau sẽ làm đúng theo sự chỉ đạo của chính quyền xã”, ông Nam nói.
Nhiều người dân bất bình vì cán bộ lấy gạo cứu đói chia cho nhiều người |
Xuất ngân sách bù gạo, ai chịu trách nhiệm?
Về việc này, ông Huỳnh Minh Thường - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông cho rằng, xã đã làm đúng theo quy trình của Chính phủ và của tỉnh Phú Yên về việc phát đủ 15kg gạo/khẩu cho 44 hộ dân trong thôn Phú Khê 2. Chính quyền xã đã gửi giấy mời cho những hộ dân được nhận gạo cứu đói lên trực tiếp UBND xã nhận, không phải giao cho thôn phát.
“Tuy nhiên, sau khi nghe người dân phản ánh về chuyện cán bộ thôn Phú Khê 2 lấy lại số gạo của 44 hộ dân đã được phát trước đó chia đều cho những hộ dân khác, chúng tôi đã kiểm tra lại. Trước mắt, xã đã trích tiền ngân sách để mua hơn 1,4 tấn gạo phát trả lại cho 44 hộ dân bị thiếu. Việc này là xã tạm ứng để khắc phục cái sai trước, sau đó sẽ có hướng xử lý cán bộ thôn sau”, ông Thường cho biết.
Theo ông Thường, cán bộ thôn Phú Khê 2 đã lấy số gạo của 44 hộ dân cấp cho những hộ dân khác trong thôn bình quân 10kg/hộ. “Cán bộ thôn cũng tâm sự với chúng tôi rằng, trong bão lũ thì ai cũng có thiệt hại, chỉ có điều thiệt hại ít hay nhiều nên họ mới chia lại gạo như vậy”, ông Thường chia sẻ.
Về hướng giải quyết, ông Thường cho biết, hiện tại UBND xã đã yêu cầu cán bộ thôn làm tường trình kiểm điểm. Trên cơ sở đó, tùy mức độ sai phạm, xã sẽ tham mưu Đảng ủy, báo cáo cấp trên tiếp tục xử lý theo quy định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 21/12 vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên đã chủ trì làm việc cùng với UBND huyện Đông Hòa, lãnh đạo xã Hòa Xuân Đông và cán bộ thôn Phú Khê 2 để đưa ra các giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Phất - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết: “Sở đã yêu cầu xã Hòa Xuân Đông phải họp 44 hộ dân này và tổ chức xin lỗi nghiêm túc. Đồng thời, xã phải ứng ngân sách địa phương mua số gạo hơn 1,4 tấn gạo để cấp đủ số lượng cho các hộ dân theo nhân khẩu đã được phê duyệt. Sắp tới, Sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo chấn chỉnh cán bộ cơ sở thực hiện các chính sách cứu trợ cho dân theo quy định của Chính phủ, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên”.
Trả lời câu hỏi, nếu xã lấy ngân sách ra mua gạo hỗ trợ lại cho dân thì phần thâm hụt ngân sách này ai chịu trách nhiệm bù vào? Ông Phất cho rằng, vấn đề này xã tự tính toán, cân đối nguồn quỹ gì đó chứ không thể lấy ngân sách.
“Bây giờ chuyện cũng đã rồi. Mình cũng không thể yêu cầu dân nộp lại gạo được. Có thể sau này truy cứu trách nhiệm, chính quyền sẽ yêu cầu các cán bộ sai phạm nộp lại tiền để khắc phục sai phạm”, ông Phất nói.
Theo quyết định phân bổ, tỉnh Phú Yên được Chính phủ hỗ trợ lần đầu 500 tấn gạo cứu đói cho dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12. Tính đến ngày 15/12/2017, toàn bộ số gạo này đã được cấp phát cho các hộ dân thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.