Phúc thẩm vụ án BS Lê Thanh Liêm: Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định buộc phải triệu tập giám định viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, trong phiên phúc thẩm BS Lê Thanh Liêm (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An) bị truy tố vì “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, mới đây TAND Cấp cao tại TP HCM đã hoãn phiên tòa để triệu tập giám định viên, người làm chứng, những người liên quan. Dự kiến phiên xử sẽ mở lại vào 11/1/2022.
Tại các phiên sơ và phúc thẩm, BS Liêm đều yêu cầu triệu tập giám định viên để đối chất, làm rõ những vấn đề.
Tại các phiên sơ và phúc thẩm, BS Liêm đều yêu cầu triệu tập giám định viên để đối chất, làm rõ những vấn đề.

Theo hồ sơ, đầu 2014, Sở Y tế Long An thực hiện gói thầu lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tòa nhà 4 cơ quan; giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói; có 15 camera, 2 đầu ghi kỹ thuật số nhãn hiệu Sony, hợp đồng ghi “xuất xứ Nhật Bản”…

Khi nhà thầu mang thiết bị đến thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị là Malaysia... BS Liêm cho dừng thi công. Sau khi kiểm tra lại thông tin từ Sony, yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ chứng minh, BS Liêm ký phụ lục cho nhà thầu tiếp tục thực hiện.

Cho rằng việc thay đổi xuất xứ và trả tiền cho nhà thầu (chưa quyết toán) là làm thất thoát tài sản nhà nước, năm 2017 CA Long An khởi tố vụ án, khởi tố bị can với BS Liêm. Cấp sơ thẩm tuyên BS Liêm có tội. BS Liêm kêu oan từ khi bị điều tra tới nay, kháng cáo bản án.

Theo Quyết định của tòa phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử 648/QĐXXPT-HS ngày 11/11/2021, thì thành phần tham gia phiên tòa chỉ có BS Liêm, các LS, nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh Long An và người liên quan ông Trần Nguyên Vũ (nhà thầu). Quyết định không có người làm chứng, đơn vị liên quan như Sở Tài chính, đại diện Sony tại Việt Nam, kho bạc, Cty thẩm định giá… và đặc biệt là thiếu giám định viên của Sở Tài chính đã thực hiện các kết luận giám định dùng để buộc tội BS Liêm.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử không có tên giám định viên, người làm chứng, người liên quan.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử không có tên giám định viên, người làm chứng, người liên quan.

Nhận được quyết định, LS Nguyễn Minh Long (bào chữa cho bị cáo) có văn bản đề nghị triệu tập thêm người làm chứng, giám định viên, người liên quan. Tuy nhiên, thẩm phán vẫn không chấp nhận. Ngày 14/12, khi mở phiên phúc thẩm, chỉ có BS Liêm, các LS.

Bị cáo, đại diện VKSND Cấp cao, các LS đều yêu cầu tòa hoãn để triệu tập những người nêu trên vì “bị cáo kêu oan, cần đối chất, tranh luận công khai các vấn đề tại tòa”. Tuy nhiên, ban đầu HĐXX không đồng ý; cho rằng “những người không triệu tập, vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ; việc đánh giá chứng cứ, kết luận giám định sẽ được HĐXX xem xét”. Phải qua tranh luận nhiều lần, HĐXX mới chấp nhận hoãn để triệu tập thêm.

Qua trao đổi, LS Nguyễn Trung Tiệp, nói: “Theo Điều 61 BLTTHS 2015, BS Liêm có quyền yêu cầu tòa triệu tập tất cả người liên quan vụ án như giám định viên, định giá, người giám định, điều tra viên, thậm chí cả kiểm sát viên và HĐXX sơ thẩm tham gia phiên phúc thẩm”.

“Trong vụ án này, BS Liêm đang kêu oan. Điều 26 BLTTHS 2015 nêu rõ: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.

“Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do VKS chuyển đến Tòa để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên xử hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của BLTTHS, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do luật này quy định”.

“BLTTHS đã nêu rõ, việc đánh giá chứng cứ, tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ để ra bản án chứ không phải chỉ dựa vào hồ sơ vụ án. Thế nên việc triệu tập giám định viên, người làm chứng, người liên quan mà chúng tôi đã kiến nghị là cần thiết cho quá trình xét xử, xem xét chứng cứ tại tòa một cách khách quan, chính xác”.

Vẫn lời LS Tiệp: “Quá trình từ lúc thanh tra dự án, đến xác minh tin báo tội phạm, truy tố, trả hồ sơ điều tra lại, duy nhất chỉ có 1 cơ quan tiến hành giám định là Sở Tài chính Long An. Các kết luận của cơ quan này đưa ra có nhiều mâu thuẫn, không đúng quy định pháp luật, các con số thất thoát không thống nhất. Những kết luận giám định này còn trái thẩm quyền vì đây là gói thầu lĩnh vực xây dựng cơ bản nên không thuộc thẩm quyền Sở Tài chính. Cần có mặt giám định viên, người ký kết luận giám định để đối chất và tranh luận tại phiên tòa”.

Đọc thêm