Việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) có hàng chục tàu hộ tống, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 753 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Điều này là không thể chối cãi. Cả nước đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn với môt quyết tâm cao độ phải giữ độc lập chủ quyền dân tộc bằng mọi giá.
Người người tuần hành phản đối. Đây đó có các cửa hàng cửa hiệu, khách sạn, thậm chí là ngân hàng không tiếp khách Trung Quốc cho đến khi dàn khoan trái phép của Trung Quốc rút đi. Rồi làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng có lẽ có hai hình ảnh đáng lưu tâm hơn cả như một sự biểu hiện trái ngược của lòng yêu nước. Một tòa nhà 8 tầng ở số 100 phố Trần Duy Hưng Hà Nội các khung cửa sổ phủ kín những lá cờ Việt Nam. Chủ tòa nhà cho hay đó là một cách thể hiện lòng yêu nước, là một cách phản đối Trung Quốc có các hành vi gây hấn. Màu cờ khiến ai đi qua cũng ngước nhìn để rồi trong tâm khảm dậy lên một tình cảm thiêng liêng dành cho đất nước. Đó cũng như một thông điệp người dân Việt sẵn sàng hóa thân thành màu cờ mỗi khi tổ quốc cần.
|
Bạn trẻ với tấm pano kêu gọi yêu nước một cách có văn hóa |
Trái ngược với hình ảnh này là những tan hoang ở Bình Dương. Những công nhân quá khích, có cả những phần tử đội lốt công nhân kích động, xúi giục để nhằm làm cho tình hình càng trở nên căng thẳng, khó kiểm soát dẫn đến những hành động như kịch bản mong đợi của kẻ thù. Hàng loạt nhà máy, công xưởng bị phá hủy, hễ thấy chữ Tàu là phá, trong lúc cả các công ty Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản cũng bị vạ lây…
Con số lên đến gần 20.000 công nhân tham gia vào các vụ việc này. Hậu quả đã có gần 400 người quá khích bị công an bắt giữ. Và không chỉ Bình Dương, làn sóng bất thường này đang có chiều hướng lan ra ở nhiều tỉnh thành khác có người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Hành vi này vô hình trung tạo ra một sự bất ổn chính trị làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên “đáng sợ” trong mắt các nhà đầu tư. Đó là chưa nói đến hậu quả hàng ngàn công nhân Việt Nam cũng sẽ bị mất việc làm khi công ty đóng cửa. Tệ hại nhất là rơi vào bẫy chính trị của Trung Quốc. Biết đâu sau đó là cả một sự toan tính, biết đâu những kẻ gây hấn sẽ lợi dụng việc này với cái cớ “bảo vệ người dân Trung Quốc tại Việt Nam” để tiến hành các hành vi can thiệp vũ lực và chính trị.
Vậy yêu nước kiểu quá khích như vậy có làm lợi cho tổ quốc, cho dân tộc hay không? Hẳn câu trả lời đã quá rõ ràng. Mặt khác khi chúng ta đang tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận quốc tế thì hành vi đập phá trên rõ ràng là những hành động sai lầm.
Sự quá khích còn thể hiện ở một bộ phận cộng đồng mạng chỉ trích quân đội, chính phủ ta đớn hèn. Sao không dùng vũ lực để đáp trả với các hành vi gây hấn. Xin thưa rằng máu của một người dân, một chiến sĩ đổ ra phải có ích. Không thể đem xương máu nhân dân ra làm trò đùa khi mà vẫn còn có cửa tranh đấu trên mặt trận ngoại giao. Và ai ai cũng hiểu nỗi đau, sự mất mát và tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Bao hình ảnh đau thương của dân tộc vẫn còn in hằn rõ nét và hiện hữu khắp nơi, nên chiến tranh luôn là điều không ai mong đợi. Chiến tranh chỉ có chết chóc, đau đớn, tụt hậu và đói nghèo và chỉ là một giải pháp bất khả kháng cuối cùng.
Hiện tại lòng yêu nước chính là sự đoàn kết dân tộc, là sợi dây kết nối để đấu tranh một cách đúng pháp luật, có văn hóa trong sự sẻ chia, đồng tình của cộng đồng quốc tế. Mọi sự quá khích sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên xấu đi mà thôi!