Quá khứ, hãy viết ra đi!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi con người đều là nhân vật chính trong cuộc đời của họ và là nhân vật phụ trong cuộc đời người khác. Câu chuyện của bất kỳ sinh vật nào trên thế gian này đều có giá trị và bài học bổ ích như nhau. Vì vậy, khi lạc lối, mất phương hướng hoặc cảm thấy bi quan vào cuộc đời, hãy viết lại chân thực một ký ức trong quá khứ, biết đâu đó lại là một lối thoát.
Quá khứ gợi ra những câu chuyện có giá trị cho mỗi người. (Nguồn: Pngtree)
Quá khứ gợi ra những câu chuyện có giá trị cho mỗi người. (Nguồn: Pngtree)

Quá khứ cho ta nhiều bài học hơn thế

Một tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng mang tên “Nỗi buồn chiến tranh” đã dựa trên hồi ức của tác giả Bảo Ninh để kể về tâm lý con người hậu chiến chịu những đau thương, mất mát. Ông từng chia sẻ: “Tôi viết về chiến tranh để chống lại chiến tranh, viết về chiến tranh là viết về hòa bình - về tình yêu, niềm vui, sự tha thứ, hòa giải và những ý tưởng nhân văn khác”. Từ trải nghiệm, suy tư của mình, Bảo Ninh không chỉ mang đến một tác phẩm có chiều sâu văn học mà còn có cả giá trị nhân đạo cho toàn bộ bạn đọc trên toàn thế giới.

Khi dòng thời gian hiện tại đang chảy, thật khó để con người có được cái nhìn bao quát, đánh giá về sự vật, hiện tượng trước mắt. Khi quá khứ qua đi rồi, mỗi người tự nhanh chóng lãng quên và chỉ chú tâm đến việc soi xét những chuyện xấu, điều vụn vặt từ quá khứ của người khác. Ví dụ như việc một cô Hoa Hậu gây xôn xao khi đi du học, cộng đồng lập tức đổ xô vào tra thông tin về lịch sử học vấn, trình độ tiếng Anh,… thậm chí cả lịch sử ngôi trường, số tiền học bổng mà cô nhận được. Nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến mặt tốt đẹp về quá khứ của người khác. Và tuyệt vời hơn cả là nhớ về quá khứ của chính mình - một “kho báu” chứa đựng những câu chuyện giá trị hơn rất nhiều. Trong câu chuyện đó có nhân vật, có không gian, thời gian, diễn biến tâm lý, những bài học mà mỗi cá nhân nắm chắc trong lòng bàn tay.

Quá khứ thực ra dạy con người yêu thương nhiều hơn, trân trọng cái đẹp đang “sống” ở hiện tại, giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người luôn viết câu chuyện về tuổi thơ từng chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất”, Nguyễn Nhật Ánh nói, và thêm rằng, ông viết sách từ sự ám ảnh tuổi thơ, bạn đọc tìm thấy hình ảnh của chính mình, của thầy cô bố mẹ ông bà mình trong đó, nên các em thích. Còn người đã qua rồi tuổi thơ có đọc thì bắt gặp lại những ký ức của mình, coi như được quay về tắm lại trong dòng sông tuổi thơ, nói một cách văn hóa là như vậy.

Còn như tác giả nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry chủ nhân tác phẩm “Hoàng tử bé” đã quyết định viết cuốn sách sau một lần máy bay của ông bị rơi ở sa mạc, trong những ngày cạn kiệt lương thực, chịu thời tiết khắc nghiệt của

Sahara, ông và đồng đội rơi vào ảo giác. Sau biến cố đó, Saint-Exupéry viết “Hoàng tử bé”, ông cho biết có rất nhiều vấn đề cuộc sống đơn giản hơn, dễ giải quyết hơn khi mọi người nhìn từ con mắt trẻ thơ trong sáng, không phán xét, đầy tình yêu thương. Hoàng tử bé, chú cáo nhỏ và bông hồng xinh đã dạy cho hàng triệu người trên thế giới biết việc kết bạn dễ hơn bao giờ hết, khi ta có trái tim đủ rộng mở, lòng kiên nhẫn bao dung và sự đồng cảm đối với người xa lạ, như câu “Tình yêu đích thực bắt đầu khi không có gì được mong đợi để đổi lại.”

Viết giúp mỗi người đi vào sâu bên trong nội tâm. (Nguồn: Inc)

Viết giúp mỗi người đi vào sâu bên trong nội tâm. (Nguồn: Inc)

Viết về quá khứ ở đây, không có nghĩa là “ăn mày quá khứ”, nhớ về một dĩ vãng tươi đẹp đã qua. Mà giống như việc viết lại tự đánh giá lại bản thân. Hoặc sâu xa hơn việc viết lại các “ẩn ức”, “tảng băng chìm”, những điều mà bình thường mỗi người khó nói thành lời. Đó có thể là cảm xúc yếu đuối, mong manh, là phút giây hạnh phúc tươi đẹp, là ước mơ, hy vọng thuở bé thơ. Thậm chí những nỗi sợ hãi, đau đớn đã rất lâu không dám đối mặt hay điều kỳ quặc không giống ai của mỗi người. Giống như nhà văn người Pháp - Marc Levy từng chia sẻ, mỗi tác phẩm của ông ảnh hưởng từ lời dạy của người bà về tình yêu và hình thành quan niệm của chính ông về chữ “yêu”. Đó là một cảm xúc thơ mộng, thần tiên, kỳ diệu khó diễn tả thành lời, vì vậy, mỗi tiểu thuyết của ông đều đưa người đọc vào không gian, thời gian kỳ ảo của hồn ma, siêu nhiên, thiên thần, ác quỷ.

Những lợi ích bất ngờ

Nghiên cứu về việc viết lách đã được công bố trên chuyên san y khoa quốc tế Complementary Therapies in Clinical Practice năm 2018. Nghiên cứu chứng minh rằng viết biểu cảm có thể nâng cao nhận thức về bản thân, làm giảm các triệu chứng trầm cảm, suy nghĩ lo lắng và rối loạn căng thẳng. Ngày nay, viết lách đang trở thành một liệu pháp để chữa trị cho những người bị sang chấn tâm lý. Những người vừa trải qua biến cố lớn mất người thân, gặp hỏa hoạn hoặc bị cưỡng hiếp, bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể. Hoặc viết lách chỉ đơn giản như một cái “ôm” giữa người với người cùng nhau sưởi ấm trái tim trong thế giới lạnh lẽo này.

Như James Pennebaker, tác giả của cuốn “Writing to Heal” (Viết để chữa lành), từng chia sẻ, cá nhân anh cho rằng viết lách góp phần xóa tan rào cản giữa cá nhân và người khác. Nếu thường xuyên viết, việc giao tiếp giữa người với người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ai ai cũng trải qua những lần mất mát, đau đớn hay bước ngoặt cuộc đời, và lựa chọn viết lách để bầu bạn khiến hành trình của họ bớt phần nào gánh nặng, cô đơn và khó khăn.

Ở Việt Nam, cô gái trẻ tên Trần Huyền Trang (sinh năm 1992), có hơn 10 năm kinh nghiệm viết lách, đã từng thực hiện dự án mang tên “Viết chữa lành” vào năm 2019. Thời điểm dự án ra đời thu hút rất nhiều người trẻ tham gia, chỉ riêng fanpage của Trang đã có 15.000 người theo dõi, cô mở liên tục 30 lớp học với nhiều chủ đề khác nhau. Điều đó cho thấy, không chỉ người bị sang chấn tâm lý, mà ngay cả người bình thường mang trong mình những bất an và khao khát được “giải phóng”.

Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều người đang thực hành khóa học viết “tỉnh thức”, bày tỏ lòng biết ơn mỗi ngày. Như Ruby Nguyễn – một Youtuber người Việt, có hơn 80 nghìn lượt theo dõi trên mạng, từng ra video dạy viết “tỉnh thức”. Chỉ một cuốn sổ, một cái bút, mỗi người ghi những điều tuyệt vời xảy ra trong một ngày, cảm ơn bạn bè, cha mẹ, thiên nhiên, cây cỏ,… đã hỗ trợ mình làm việc đó. Điều này, được cô đánh giá giúp bản thân cảm thấy tích cực, yêu thương, không còn tâm lý “nạn nhân”, đổ lỗi, trách móc người khác. Đặc biệt, viết “tỉnh thức” giúp mỗi người trân trọng từng giờ phút trong hiện tại.

Viết nhật ký mỗi ngày có tác dụng rất tốt cho cả tinh thần và thể chất. (Nguồn: Pexels)

Viết nhật ký mỗi ngày có tác dụng rất tốt cho cả tinh thần và thể chất. (Nguồn: Pexels)

Thực tế, viết lách không phải việc dễ dàng với tất cả mọi người. Có những người mất cả ngày, thậm chí vài tuần không thể viết nổi một đoạn văn ngắn. Để bắt đầu viết lách, việc dễ nhất là viết nhật ký mỗi ngày, ghi lại sự kiện xảy ra trong ngày của mình. Chỉ cần viết một chút nhật ký thôi, đã đem lợi ích to lớn cho mỗi người.

Nhà tâm lý học và nghiên cứu James Pennebaker thuộc Đại học Texas, Mỹ, khẳng định rằng viết nhật ký thường xuyên sẽ giúp tăng cường các tế bào miễn dịch, được gọi là T-lymphocyte. Theo một số nghiên cứu khác thì viết nhật ký còn làm giảm những triệu chứng của bệnh hen suyễn và chứng viêm thấp khớp. Nhà nghiên cứu Pennebaker tin rằng việc viết ra giấy những sự kiện căng thẳng vừa nếm trải sẽ giúp con người dễ dàng chấp nhận chúng, từ đó giảm tác động của các nhân tố gây căng thẳng lên sức khỏe thể chất.

Nghiên cứu sau đây lấy từ bài viết “Writing can help us heal from trauma” (tạm dịch: Viết có thể giúp mọi người chữa lành vết thương) của trang Havard Business Review là một nghiên cứu bổ ích và có một kết luận về vấn đề viết lách đang được nhắc tới ở trên. Những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, khoảng thời gian từ 15-20 phút dành cho từ 3-5 lần viết thì đủ để giúp ích cho những tình nguyện viên đối mặt tốt hơn với tổn thương tâm lý, căng thẳng hoặc những sự kiện cảm xúc. Nó đặc biệt có ích với những người mắc phải những bệnh nặng, ví dụ như ung thư.

Viết nhật ký không phải chỉ đơn thuần là những gì mọi người viết, cách viết cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nghiên cứu của Tiến sĩ Susan Lutgendort ở trường Đại học Iowa chỉ ra rằng, việc viết về những sự kiện gây căng thẳng giúp cho những tình nguyện viên đối mặt tốt hơn với những sự kiện họ đã trải qua. Chìa khóa là tập trung vào những gì mà bản thân họ đang nghĩ và cảm thấy ngay lúc đó. Tiến sĩ

Lutgendorf nói: “Bạn cần tập trung suy nghĩ cũng như cảm xúc. Một cá nhân cần tìm ra ý nghĩa trong ký ức đau thương cũng như cảm nhận được những cảm xúc liên quan để thu được những lợi ích tích cực từ việc tập viết.”

Khi nhận thấy lợi ích từ việc viết lách về quá khứ, còn ngần ngại gì nữa, mà mỗi người không tự chuẩn bị một tờ giấy, cây bút nhỏ và viết ra một đoạn nhật ký trong ngày, một câu chuyện của chính bản thân mình.

Trong lễ tốt nghiệp năm 2014 tại trường Đại học Yale, hiệu trưởng Peter Shalovy đã chia sẻ: “Những người luôn giữ lòng biết ơn trong tâm trí thường rất ít đố kỵ với người khác. Họ có năng lực thích ứng tốt hơn rất nhiều và có sức đề kháng mạnh mẽ với những điều tiêu cực trong cuộc sống. Dẫu ở trong hoàn cảnh khó khăn nhường nào, họ cũng có thể tự phát hiện ra những khía cạnh tốt đẹp. Mọi người lại càng yêu mến họ hơn. Điều quan trọng là tất cả mọi người đều muốn giúp đỡ những người trước kia luôn cảm ơn họ”.