'Quá tải' chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, chữa lành không những chỉ dùng để hỗ trợ, giúp đỡ tinh thần con người, mà dần trở thành trend (xu hướng). Không khó để thấy hai chữ “chữa lành” hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ những chương trình, hoạt động đến sách vở, món ăn,... Một xu thế tưởng chừng rất lành mạnh, nhưng dần trở nên mất giá trị vì những hoạt động “tràng giang, đại hải”.
Hiện nay có nhiều tổ chức, nhóm lợi dụng nhu cầu chữa lành của mọi người để trục lợi, kiếm tiền. (Ảnh minh họa, nguồn: An Space)
Hiện nay có nhiều tổ chức, nhóm lợi dụng nhu cầu chữa lành của mọi người để trục lợi, kiếm tiền. (Ảnh minh họa, nguồn: An Space)

Chữa mãi mà... chưa lành

Nguyễn Bích Thủy (28 tuổi, Hà Nội) cho biết, tủ sách của cô phần lớn là những quyển sách tâm lý, sách chữa lành, sách kỹ năng với cái tên nghe rất kêu như “Sống hạnh phúc, cân bằng cảm xúc”, “Phép thuật của cuộc sống”, “Cách để manifesh” (thu hút điều mình mong muốn trong vũ trụ),...

Thủy tâm sự, cô thường xuyên cảm thấy áp lực vì công việc, bạn bè, tiền bạc: “Nhìn thấy mọi người đăng những tấm ảnh vui vẻ, hạnh phúc ở trên mạng xã hội, tôi luôn mơ ước mình sẽ sống lạc quan như vậy”. Để thực hiện hóa “giấc mơ” của mình, Thủy thường xuyên mua những cuốn sách tâm lý, sách Self - Help, tản mạn của các thiền sư về đọc. Khi được hỏi về đời sống tinh thần hiện tại, Thủy tâm sự: “Thường tôi đọc được 2-3 trang rồi cất trong tủ. Sách hướng dẫn rất hay, nhưng khó để thực hiện theo”.

Giống với Thủy, chị Đinh Thị Hằng (56 tuổi, Hà Nội) cho biết, sau khi về hưu, chị thường rơi vào trạng thái buồn chán, cơ thể chậm chạm do không phải hoạt động, làm việc nhiều như trước. Nhận thấy tinh thần đi xuống, chị liên tục đăng ký những lớp học chữa lành. Từ lớp thiền chữa lành, tập yoga chữa lành, đến vẽ, chữa lành trái tim, kết nối với đứa trẻ bên trong:“Nói chung, cứ nghe thấy từ chữa lành là tôi đăng ký”, chị Hằng nói.

Chia sẻ về lý do, chị Hằng cho biết nhìn thấy những bức ảnh đẹp, thư thái được quảng cáo ở trên mạng khiến cho chị rất thích thú. Đặc biệt, cụm từ “chữa lành” luôn khiến chị cảm thấy mình đặc biệt: “Mỗi khi tôi nói với bạn bè, hàng xóm tôi đến các khóa học chữa lành, mọi người đều khen tôi là người có lối sống lành mạnh, biết chăm sóc cả tinh thần và thể chất”. Tính đến nay, chị đã chi gần cả trăm triệu đồng trong suốt một năm qua để “đu” theo những khóa học chữa lành.

Trường hợp của Bích Thủy và chị Đinh Thị Hằng là một trong rất nhiều người đã và đang chạy theo những hoạt động chữa lành. Thực tế, vài năm trở lại đây, người dân Việt Nam có xu hướng quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn. Đặc biệt, khi tỷ lệ người mắc các bệnh về trầm cảm ở nước ta có dấu hiệu tăng cao. Vì vậy, nhiều người vừa có những triệu chứng căng thẳng, mệt mỏi đã hoảng sợ tìm đến bác sĩ tâm lý, hoạt động chữa lành, giải phóng những lo âu, sợ hãi bên trong. Tuy nhiên, không ít người Việt Nam có suy nghĩ dựa dẫm, ỷ lại vào các lớp học. Họ cho rằng tham gia càng nhiều các khóa học, hoạt động chữa lành, sẽ càng giúp cho tinh thần của mình tốt hơn.

Vũ Minh Đức (24 tuổi, Bắc Ninh) cho biết: “Trước đây, tôi có suy nghĩ thà thừa còn hơn thiếu. Để tránh bị các bệnh liên quan đến tâm lý, tôi thường xuyên đăng ký các khóa thiền định trên rừng núi, trà đạo, thư pháp, thôi miên quy hồi. Nhưng càng tham gia, càng phản tác dụng, vì trăm người, trăm ý kiến khác nhau. Mỗi khóa học đều khẳng định cách “trị liệu” của họ đúng đắn. Cuối cùng, càng học tôi càng hoang mang”.

Sau khoảng sáu, bảy lớp học chữa lành, với chi phí mỗi khóa từ 5-10 triệu đồng, Minh Đức cảm thấy áp lực chồng chất áp lực. Anh thường xuyên bị các thầy cô trong những khóa chữa lành mời tham gia. Đến cuối tuần, sau khi tham dự các lớp chữa lành, lại tiếp tục được tư vấn thêm những khóa tiếp theo: “Một lộ trình chữa lành của các thầy cô cảm giác như kéo dài vô tận”.

Trường hợp của Trần Tuấn Anh (32 tuổi, Hà Nội) cũng không khác Minh Đức là bao. Sau một lần điều trị chứng mất ngủ do căng thẳng, Tuấn Anh quyết định đăng ký khóa học chữa lành theo gợi ý của bạn bè: “Nghe ý nghĩa của việc chữa lành giúp mọi người thức tỉnh, sống hạnh phúc, nhân văn hơn, tôi thích lắm, nên liên tục đăng ký tham gia trong 3-4 năm”.

Thời gian đầu, tinh thần của Tuấn Anh tốt lên rất nhiều, anh có thêm mối quan hệ, được mọi người lắng nghe, chia sẻ. Tuấn Anh đăng ký liền thêm hai, ba khóa nữa. Nhưng đổi lại là những thất vọng cho anh: “Ngày càng nhiều khóa học chữa lành như kết nối trái tim, chữa lành tổn thương từ bên trong, tâm lý trị liệu, trồng cây chữa lành, hát chữa lành,... Chương trình nào nghe tên cũng hay, nhân viên sale giới thiệu, tư vấn rất nhiệt tình. Nhưng chất lượng ngược lại”.

Không ít thầy cô hướng dẫn chữa lành mang “vỏ bọc trá hình”. Thay vì được chia sẻ, kết nối, anh thường nhận về những lời “dọa ngầm” như “Theo người khác chỉ có nặng nề về tâm lý hơn” hay “Anh đang có những triệu chứng trầm cảm đấy, theo tôi hết khóa, anh sẽ tìm ra cách để sống lạc quan suốt đời. Khóa học “bảo hành” cả đời, anh yên tâm...”. Cuối cùng, càng theo, Tuấn Anh càng cảm thấy căng thẳng, chán nản.

Tự tìm lại sự cân bằng ở bên trong

Về bản chất, tên gọi chữa lành là việc tự tìm lại cân bằng tinh thần, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, tổn thương để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, từ đó giúp mỗi người tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa, sống lạc quan hơn. Trong xã hội hiện nay, người ta tìm đến chữa lành thông qua nhiều hình thức như thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, workshop, thể thao…

Tuy nhiên, không ít các khóa học, hoạt động “chữa lành” tại Việt Nam đang gây ra tranh cãi, khi nó trở cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Không ít cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi hoang mang, lo sợ của người khác, để mời chào những dịch vụ chữa lành “giả”, với chi phí cắt cổ, thiếu khoa học, không đem lại kết quả tốt cho khách hàng.

Như tại TP HCM, vào năm 2023, đã có một “bác sĩ” tự phong mang tên T với cách chữa lành “độc lạ”. Cụ thể, ông T rất nổi tiếng ở trên mạng xã hội vì có tài hùng biện, thuyết phục. Mỗi người đến chỗ ông chữa bệnh về tinh thần và thể chất đều được bốc thuốc, cho kèm một “tờ giấy khấn nguyện” để thành tâm đặt niềm tin tuyệt đối vào việc khỏi bệnh.

Trước sự nổi tiếng của “bác sĩ T” về các liệu pháp chữa lành, vào tháng 11 năm ngoái, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Y tế Q. Phú Nhuận, UBND Phường 9 và Công an Phường 9 (Q. Phú Nhuận) kiểm tra đột xuất căn nhà của “bác sĩ T”, ông bị yêu cầu dừng ngay hoạt động kinh doanh, khám chữa bệnh trái phép không có chứng chỉ hành nghề.

Cẩn thận với những khóa học, hoạt động chữa lành được quảng cáo rộng rãi ở trên mạng. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Cẩn thận với những khóa học, hoạt động chữa lành được quảng cáo rộng rãi ở trên mạng. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

Thực tế, bây giờ, có rất nhiều “chuyên gia” tâm lý tự phong trên mạng xã hội, dùng khả năng ăn nói của mình nhận được sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Họ mở các khóa học, hội thảo chia sẻ, nghiễm nhiên được mọi người coi là các chuyên gia tâm lý. Nhưng thực tế, đó chỉ là những câu chuyện, kinh nghiệm cá nhân, họ chưa được đào tạo bài bản về cách chữa trị tâm lý cho người khác. Vì vậy, đối với những ai đang có nhu cầu “chữa lành”, nên cẩn thận xem xét, để chọn lựa khóa học, hoạt động phù hợp, đem lại lợi ích cho bản thân, tránh để “tiền mất, tật mang”.

Còn trong cuộc sống đời thường hiện nay, việc chữa lành không phải điều gì quá to tát. Thậm chí, mọi người cũng có thể tự chữa lành cho mình các biện pháp đơn giản. Ví dụ, nếu như không bị mắc bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,... mọi người có khả năng tự hỗ trợ bản thân. Như để hỗ trợ việc cân bằng cảm xúc, giảm bớt lo âu, căng thẳng, nhiều chuyên gia tâm lý đã khuyên mọi người nên giảm bớt khối lượng công việc, ăn uống điều độ, tập thể dục, ngủ đúng giờ cũng là một phương pháp tự chữa lành.

Lê Minh Anh (28 tuổi, TP HCM) cho biết, thay vì tìm đến các khóa học chữa lành trôi nổi trên mạng. Cô thường gọi điện đến các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín, xin thông tin về buổi hội thảo, những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ của các chuyên gia: “Tâm lý của con người cũng giống như thể chất. Tôi đi khám gẫy chân, gẫy tay cần những bác sĩ, y tá đúng chuyên môn, thì vấn đề về tinh thần cũng vậy thôi”. Từng bị trầm cảm nhẹ một thời gian, Minh Anh cho biết, cô vẫn kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng tất cả đều cần có sự tư vấn, hỗ trợ của những người nắm vững chuyên môn, nghề nghiệp: “Ngoài đến gặp các chuyên gia tâm lý, tôi vẫn đi chùa, tham gia các hoạt động trải nghiệm”.

Hiện nay, với xu hướng tràn lan những hoạt động, khóa học chữa lành, nhiều người đã không còn tin vào xu hướng này nữa. Họ chọn cách không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, mà tự mình tìm về trạng thái cân bằng, hạnh phúc. Lê Thu Phương (30 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Chữa lành là phải chữa từ bên trong, tự mình hiểu mình, thì mới có thể thoát khỏi lo âu, buồn bã, đau khổ. Trước đây, tôi cũng thường tìm đến những biện pháp chữa lành từ những người hướng dẫn. Hiện nay, tôi dành ra mười lăm phút mỗi ngày để viết nhật ký, trò chuyện với bản thân mỗi ngày. Điều này giúp tôi tĩnh tâm lại, hiểu mình hơn và hạn chế dần được những luồng suy nghĩ tiêu cực như ganh ghét, đố kị, lo âu, sợ hãi.

Đọc thêm