Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định thời hiệu THA là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THA trừ trường hợp bất khả kháng, có trở ngại khách quan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết đến quy định này dẫn đến việc quá thời hiệu, một số khác lại không thể chứng minh “có trở ngại khách quan”.
Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định thời hiệu THA là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THA trừ trường hợp bất khả kháng, có trở ngại khách quan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết đến quy định này dẫn đến việc quá thời hiệu, một số khác lại không thể chứng minh “có trở ngại khách quan”.
|
Ảnh minh họa |
Nguy cơ mất quyền lợi
Ông V.H có đơn gửi đến các cơ quan báo chí phản ánh một bản án dân sự phúc thẩm của TANDTC mà ông là người được THA đã có hiệu lực pháp luật 9 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xem xét toàn bộ sổ thụ lý và các tài liệu liên quan trong thời hạn luật định, Cục THADS thành phố Hà Nội cho biết đã không nhận được đơn yêu cầu THA của ông V.H.
Theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh THADS năm 1993 về thời hiệu yêu cầu THA (thời điểm bản án của ông V.H có hiệu lực áp dụng quy định của Pháp lệnh THADS- PV): "Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan THA để yêu cầu THA. Hết thời hạn đó, nếu người được THA không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành". Như vậy, đơn yêu cầu THA của ông V.H đã quá thời hiệu yêu cầu THA nên Cục THA dân sự TP Hà Nội không thụ lý đơn yêu cầu THA của ông V.H.
Cục THADS Hà Nội cũng “mở đường” cho ông H: nếu ông cung cấp các tài liệu chứng minh lý do không yêu cầu THA đúng thời hạn thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự có thể xem xét khôi phục thời hiệu yêu cầu THA cho ông. Đơn đề nghị khôi phục thời hiệu phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi ông H. cư trú hoặc xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên đối với trường hợp ốm đau hoặc cơ quan có thẩm quyền khác về lý do ông vắng mặt không yêu cầu THA đúng thời hạn. Nhận được trả lời này, nhưng ông V.H vô cùng lúng túng, đúng là một phần vì sao nhãng, phần khác do công việc ông phải đi công tác xa, ông không biết lý do này có được chấp nhận hay không ..
Tương tự là trường hợp của chị T.T.H (ở Ba Đình, Hà Nội), chị H là người được THA với số tiền hơn 60 triệu đồng. Bản án có hiệu lực từ năm 2006. Tuy nhiên, vì nghĩ đơn giản số tiền không nhiều, người phải THA lại là cô em họ nên chị H. không để ý. Sau thời gian chị bị bệnh phải điều trị ở nước ngoài, về nước do kinh tế gia đình khó khăn, chồng làm ăn thua lỗ nên năm 2012 chị mới đến cơ quan THA đề nghị được thi hành số tiền nói trên.
Tuy nhiên, chị được cơ quan THA trả lời đã hết thời hiệu THA. Cơ quan THA cũng cho biết nếu chị chứng minh có trở ngại khách quan thì chị sẽ được khôi phục thời hiệu... Nhưng chị H vẫn phân vân những chứng từ khi chị đi chữa bệnh ở nước ngoài giờ cái còn cái mất, mà bệnh của chị cũng không đến mức trầm trọng…
Tăng cường công tác tuyên truyền luật
Khoản 3 Điều 30 Luật THADS quy định: Trường hợp người yêu cầu THA chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu THA đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu THA. Về điều này, Nghị định 58/CP/2009 đã hướng dẫn rất rõ.
Tuy nhiên, để chứng minh trở ngại khách quan nói trên đối với nhiều trường hợp rất khó thực hiện, nhiều người vì không biết đến quy định này, một số khác lại không lưu giữ chứng cứ. Bên cạnh đó nhiều trường hợp nếu không phải là lý do chủ quan, mà do khách quan cũng khó được chấp nhận. Ví dụ, trường hợp trở ngại do “không nhận được bản án, quyết định mà không do lỗi của họ, bởi lẽ hầu hết đương sự chỉ xuất trình được bản sao bản án có xác nhận của Tòa án là “cấp lần đầu”, nên Viện kiểm sát không chấp nhận.
Giải pháp tốt nhất theo khuyến cáo của các cơ quan THADS là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về THA, trong đó, ngay sau khi các bản án, quyết định được tuyên, Tòa án nên giải thích cho các bên đương sự biết về thời hiệu THA để họ có đơn yêu cầu đúng hạn. Ngoài ra, trong trường hợp thực sự có trở ngại khách quan, các đương sự cũng cần lưu giữ chứng cứ để được xem xét. Đối với các cơ quan THA cũng không nên quá dễ dãi trong việc chấp nhận trở ngại khách quan vì như vậy sẽ đồng nghĩa với tiêu cực.
- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; - Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật. (Trích Nghị định 58/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS) |
Nam Hòa