Quản lý an toàn thực phẩm: Việt Nam sẽ có mô hình phù hợp

(PLO) - Trong khuôn khổ ngày công bố Sách Trắng 2017, EuroCham đã tổ chức 4 hội thảo chuyên đề được lựa chọn từ các vấn đề kiến nghị trong ấn bản phát hành lần thứ 9 này. Trong số đó, vấn đề được đề cập chi tiết, kỹ càng nhất là thực phẩm và sức khỏe. Đây cũng là vấn đề đang được Chính phủ quan tâm và đã có nhiều chỉ đạo kịp thời đến các cơ quan chuyên môn. 
Các đại biểu tham gia hội thảo thực phẩm và nông nghiệp.

Việt Nam nên công nhận các chứng nhận kiểm dịch của EU

Rất nhiều vấn đề cụ thể được đề cập trong hội thảo như an toàn thực phẩm (ATTP), mức độ tương đương về ATTP, các vấn đề về kiểm nghiệm thực phẩm xuất khẩu… Ông Alexander Kliegl, Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đề cập đến vấn đề phương pháp tiếp cận ATTP và cho rằng, Việt Nam (VN) cần phải quản lý ATTP bằng cách tiên lượng được những rủi ro và có biện pháp phù hợp để phòng tránh.

Ông Alexander cũng cho rằng, trong nhiều lĩnh vực VN chưa tuân thủ hoàn toàn với Hiệp định SPS (Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật) nên các DN không thể tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do và tiêu dùng trong nước chưa được xem là an toàn. “Căn cứ vào Hiệp định SPS chúng tôi cho rằng VN nên công nhận chứng nhận kiểm dịch của các quốc gia thành viên EU xuất khẩu sang VN nếu có mức độ bảo vệ sức khỏe tương đương (hoặc cao hơn) của VN và không cần phải xét nghiệm lại” - ông đề nghị. 

Làm sao để có mức độ tương đương về ATTP, cần phải nâng cao các nhận thức như sản phẩm nông nghiệp sử dụng phân bón như thế nào, mức độ ra sao cho hợp lý. “Phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm, yêu cầu chứng nhận bổ sung” là điều mà các DN đến từ châu Âu đặc biệt lưu tâm đến.

Sách Trắng cho rằng, VN là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tuy nhiên trong thời gian qua nhiều lô hàng gạo xuất khẩu đã bị các nước từ chối nhập khẩu do dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Nông sản VN thường bị trả về do dư lượng các chất kim loại nặng, kháng sinh, sản phẩm BVTV, vi khuẩn hoặc nấm thường vượt ngưỡng cho phép. 

Từ đó kết luận, phương pháp xét nghiệm hiện nay của VN không phù hợp hoặc không chính xác để có thể phát hiện nếu hàm lượng các chất này vượt ngưỡng và vấn đề này chỉ có thể phát hiện qua kiểm tra tại quốc gia nhập khẩu. Hoặc nhiều khi tổng nồng độ các kim loại nặng ở ngưỡng được chấp nhận, nhưng tỷ trọng của một số loại kim loại nặng hiện diện lại ở ngưỡng có hại. 

Và đưa ra các kiến nghị, VN cần phải có hệ thống phòng thí nghiệm đáng tin cậy để tạo lòng tin cho khách hàng cũng như những DN có nhu cầu nhập khẩu thành phẩm hoặc nguyên liệu thô. Nếu lĩnh vực này không được cải thiện, VN sẽ mất đi vị thế là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu.  

Một vấn đề khác cũng được các DN để ý đến, cũng gây tranh cãi ở cộng đồng DN trong nước chính là công tác giám sát của cơ quan quản lý. Ông Alexander nói “có nhiều phản ánh về việc 3 bộ cùng quản lý một sản phẩm nên kiến nghị cần phải phân công 1 bộ để có thể đơn giản hóa các bước quản lý và giám sát”.

Quốc hội đang rà soát và sẽ  quyết định mô hình quản lý ATTP hợp lý

Trước những vấn đề mà cộng đồng EuroCham đưa ra, các cơ quan quản lý nhà nước của VN tham gia thảo luận cũng đã có những câu trả lời xác đáng, đưa tiến trình EVFTA đến gần hơn giữa 2 bên. Ông Trần Việt Cường, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, trưởng nhóm đàm phán Hiệp định SPS với EU cho biết, VN đã cam kết công nghệ tương đương với WTO, cam kết này là một yếu tố thúc đẩy thương mại để tránh việc 2 bên tốn kém nguồn lực 2 lần để kiểm tra.

Ông Cường cũng cho biết, sau này VN và EU sẽ đàm phán về mức độ tương đương bằng cách xác định 2 bên sẽ tương đương trong những lĩnh vực nào để tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, có 1 cam kết với EU còn cao hơn WTO. Đó là việc khi một bên đề nghị xem xét công nghệ tương đương thì 2 bên sẽ chỉ mất 3 tháng để xem xét, trong khi đó, với WTO, phải mất 6 tháng mới hoàn thành. 

Ông Nguyễn Hùng Long, Cục ATTP, Bộ Y tế khẳng định, Luật ATTP của VN cũng đã nêu nguyên tắc tiếp cận dựa trên những nguy cơ. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cũng dần triển khai dựa trên những đánh giá nguy cơ để quản lý, giám sát hàng năm như giám sát vùng sản phẩm, nhóm sản phẩm để đưa ra các giải pháp ATTP. “Còn việc vấn đề 3 bộ đang quản lý ATTP, EU có kiến nghị 1 cơ quan độc lập nhưng tại VN, Quốc hội đang thực hiện giám sát tối cao về ATTP. Hiện chúng tôi đã có một hội thảo ở Quảng Ninh và Quốc hội cũng có những phiên họp đánh giá về ATTP. Dựa trên đó Quốc hội sẽ đánh giá như thế nào cho phù hợp, sau đó mới quyết định quản lý ATTP theo mô hình nào” - ông Long cho biết.  

Nói về vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm xuất khẩu, ông Long khẳng định, hiện nay VN có nhiều đơn vị kiểm nghiệm đạt yêu cầu, kể cả đó là đơn vị của Nhà nước hay tư nhân. Chính phủ chủ trương, khi các đơn vị kiểm nghiệm tư nhân đạt yêu cầu kiểm nghiệm thì các kết quả kiểm nghiệm từ các đơn vị này cũng sẽ được các cơ quan quản lý thừa nhận. Ông khẳng định: “Tất cả các đơn vị kiểm nghiệm hiện nay đều không bị phân biệt đối xử, xem xét đến việc là đơn vị của Nhà nước hay tư nhân”. 

Về việc đề nghị VN phải công nhận những kết quả kiểm dịch của các nước châu Âu, ông Long dẫn Thông tư 19 về công bố sản phẩm cho biết: “Dù 2 nước chưa có thỏa thuận nhưng nếu có cơ quan của nhà nước xuất khẩu công nhận thì chúng tôi cũng chấp nhận kết quả kiểm nghiệm, DN không phải làm xét nghiệm lại và công bố sản phẩm tại VN”. 

Chính sách trần giá sữa của Việt Nam không vi phạm cam kết WTO

Arnaud Renara, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng cho rằng, chính sách giá trần áp dụng từ đầu năm 2014 gây ra rất nhiều thiệt hại và tác động không nhỏ đến lợi ích của cả DN và người tiêu dùng, cũng gây cho các DN nước ngoài những khó khăn khi định đầu tư vào thị trường VN. Đã có một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường VN rời khỏi VN sau 12 năm có mặt. Do đó, Chính phủ VN cần phải xem xét lại biện pháp hành chính này, cần phải có những tác động để VN có một nền kinh tế thị trường đầy đủ, cần phải thay đổi các biện pháp và cơ chế quản lý chứ không phải chính sách áp giá trần. 

“Còn khoảng 1 tháng nữa chính sách trần giá sữa sẽ hết hiệu lực, chúng tôi hy vọng VN sẽ có cách quản lý khác, xem xét các cơ chế chính sách khác từ phía Nhà nước, thay vì chỉ tập trung vào biện pháp can thiệp thị trường. Bởi biện pháp hành chính này đi ngược với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ” - ông Arnaud Renara chia sẻ. 

Theo số liệu của Cty nghiên cứu thị trường AC Nielsen công bố vào tháng 7/2015, thị trường sữa công thức cho trẻ em dưới 6 tuổi đã sụt giảm 11% về số lượng trong vòng 12 tháng. Và cộng đồng EuroCham cho rằng, kết quả sụt giảm này chính là hệ lụy từ khi ban hành chính sách giá trần. 

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương tại hội thảo khẳng định: “Chính sách giá của VN vẫn sẽ áp dụng phù hợp với những quy định của WTO. Chúng tôi  không phân biệt đối xử giữa DN Việt và các DN nước ngoài, mục đích chính vẫn là bảo vệ người tiêu dùng và tăng khả năng tiếp cận sữa cho trẻ em. Còn đối với các sản phẩm không thể sản xuất được với mức giá trong nước thì VN có thể miễn trừ, áp dụng theo Điều 3 của Hiệp định GATT”. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, quy định của WTO về quản lý giá sữa thể hiện qua điều số 3, không cấm các nước quản lý giá áp dụng các biện pháp quản lý giá đối với hàng hóa lưu thông trong tại lãnh thổ do mình quản lý nhưng phải cân nhắc đến 3 yếu tố: lợi ích của đất nước xuất khẩu hàng hóa; không phân biệt đối xử giữa sản phẩm trong nước và quốc tế; không hạn chế số lượng nhập khẩu của sản phẩm tương đương.

Phải làm rõ thực trạng an toàn thực phẩm đang ở mức độ nào?

Sáng 3/3, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển- Trưởng đoàn giám sát chủ trì phiên họp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ngành liên quan.

Trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta luôn ở mức cao, nhưng tại nhiều địa phương, việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực này còn hình thức, nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ cần làm rõ thực trạng ATTP ở nước ta đang ở mức độ nào; nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đó là gì, trách nhiệm chính thuộc về ai và giải pháp cụ thể như thế nào?

V. A

Đọc thêm