Quản lý khai thác vàng tuỳ tiện, trái pháp luật ở Hoà Bình: Thấy gì từ một công văn bao biện, né tránh sai phạm?

(PLO) - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN đã có văn bản chỉ ra hàng loạt sai phạm. Thay vì nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh, Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình lại tiếp tục có văn bản gửi Báo Công lý với nội dung loanh quanh, bao biện, né tránh hàng loạt vấn đề cần làm rõ.

Hàng loạt cơ quan báo chí lên tiếng, Hoà Bình vẫn thờ ơ

Sự việc khai thác vàng trái pháp luật ở Hoà Bình, ngoài Báo Công lý có hàng loạt các cơ quan báo chí lên tiếng như: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận, Báo Xây dựng, Tạp chí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đã có công văn gửi Báo Công lý chỉ ra hàng loạt sai phạm của địa phương trong sự việc.

Để tiếp tục làm sáng tỏ sự việc, đầu tháng 10/2017, Báo Công lý đã nhiều lần cử các nhóm phóng viên tới UBND tỉnh Hoà Bình và Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hoà Bình đề nghị làm việc, giúp đỡ cung cấp thông tin. Thế nhưng vẫn với cung cách làm việc “đánh võng”, né tránh báo chí và không tôn trọng công luận, địa phương này rất hạn chế tiếp xúc với phóng viên và chỉ trả lời thông tin thông qua... văn bản. Trước đó, Báo Công lý đã nhiều lần gửi công văn nêu nội dung câu hỏi và các đề nghị gửi UBND tỉnh Hoà Bình và các cơ quan liên quan.

Công văn của Sở TNMT thiếu trung thực?

Ngày 18/10/2017, Tòa soạn Báo Công lý nhận được Công văn số 1723/STNMT-KS của Sở TNMT tỉnh Hoà Bình gửi Báo Công lý phúc đáp về nội dung hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hoà Bình do ông Bùi Quang Điệp, Phó Giám đốc Sở ký.

Quản lý khai thác vàng tuỳ tiện, trái pháp luật ở Hoà Bình: Thấy gì từ một công văn bao biện, né tránh sai phạm?
Quản lý khai thác vàng tuỳ tiện, trái pháp luật ở Hoà Bình: Thấy gì từ một công văn bao biện, né tránh sai phạm?

Công văn của Sở TNMT tỉnh Hoà Bình trả lời Báo Công lý

Tại văn bản này, ngay ở mục đầu tiên, Sở TNMT tỉnh Hoà Bình đã thừa nhận: “Quy hoạch đầu tư thăm dò quặng vàng thuộc thẩm quyền của Bộ chuyên ngành. Việc cấp phép không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có đề nghị hoạt động khoáng sản và xem xét đề nghị không nằm trong khu vực cấm thì UBND tỉnh căn cứ thực tế địa phương sẽ báo cáo Bộ TNMT xem xét, hướng dẫn để quyết định cấp phép".

Tại mục 2 của văn bản, Sở TNMT tỉnh Hoà Bình cũng chỉ rõ: “UBND tỉnh Hoà Bình, Sở TNMT tỉnh Hoà Bình xác định rõ thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền Bộ TNMT theo Điều 82 Luật Khoáng sản. Về xem xét điều kiện của doanh nghiệp để cấp phép thăm dò cũng thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT”.

Tại mục 3 của công văn trả lời Báo Công lý, Sở TNMT tỉnh Hoà Bình nêu: Việc hướng dẫn công ty khảo sát lựa chọn diện tích (tại Văn bản số 1973/STNMT-KS là các công việc cần thực hiện để xác định vị trí toạ độ cụ thể khu vực đề nghị hoạt động khoáng sản, đảm bảo không nằm trong khu vực cấm, không trùng lấn các dự án khác làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh Hoà Bình có Văn bản số 333/UBND-NNTN ngày 28/3/2017 báo cáo Bộ TNMT xem xét, hướng dẫn Công ty Khoáng sản Hoà Bình lập thủ tục để cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quặng vàng theo quy định.

Nghiên cứu các văn bản liên quan, đặc biệt là công văn trả lời ngày 12/11/2016 của Bộ Quốc phòng, Báo Công lý nhận thấy, Sở TNMT tỉnh Hoà Bình đã thiếu trung thực khi trả lời Báo Công lý. Bởi lẽ, các chỉ đạo, hướng dẫn của Sở này do ông Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở ký tại Văn bản số 1973/STNMT-KS ngày 29/11/2016 hoàn toàn không phải nhằm mục đích xác định toạ độ, bảo đảm không trùng lấn, không nằm trong vùng cấm... Ngay tại Công văn số 924/UBND-NNTN ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh Hoà Bình gửi Bộ Quốc phòng để xin ý kiến về địa điểm thực hiện dự án điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu đã có sơ đồ vị trí, diện tích, ranh giới, toạ độ khu vực dự án kèm theo và nêu rõ 3 khu đất  tại đồi Băng, xóm Rế, xóm Trong, diện tích 13ha.

Cho phép lấy mẫu, khảo sát là trái pháp luật

Trở lại với Văn bản số 333/UBND-NNTN ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh Hoà Bình báo cáo Bộ TNMT, Báo Công lý khẳng định: Đây là công văn đề nghị xem xét, hướng dẫn Công ty Khoáng sản Hoà Bình lập thủ tục để cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quặng vàng. Mà thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản (ở đây là hoạt động thăm dò) chỉ áp dụng với tổ chức, cá nhân đó có đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản, đã lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản, trong đó Đề án thăm dò phải có trong quy hoạch loại khoáng sản có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản (quyền được lập hồ sơ đề nghị thăm dò) trong trường hợp khu vực đó không được phê duyệt là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% vốn thực hiện Đề án thăm dò tại khu vực đề nghị cấp phép.

Như vậy ở đây Văn bản số 333/UBND-NNTN ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh Hoà Bình báo cáo Bộ TNMT được hiểu là chỉ gửi đi khi Công ty Khoáng sản Hoà Bình đã có đầy đủ hồ sơ cấp phép, có đề án thăm dò vàng nằm trong quy hoạch, đã tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản...

Cứ cho là khu vực xã Hợp Châu là khu vực nằm trong quy hoạch được hoạt động khoáng sản thì thẩm quyền cho phép hoạt động khoáng sản là Bộ TNMT, kể cả việc thăm dò khoáng sản cũng thuộc Bộ TNMT. UBND tỉnh Hoà Bình hoàn toàn không có quyền cho phép Công ty Khoáng sản Hoà Bình tiến hành hoạt động thăm dò khi chưa được cấp phép hoạt động khoáng sản.

Trong công văn trả lời Báo Công lý, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nêu rõ: “Theo quy định tại Điều 37 Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hoạt động thăm dò khoáng sản, có nhu cầu lập đề án thăm dò khoáng sản được tiến hành khảo sát tại thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập Đề án thăm dò khoáng sản sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản phải có văn bản kèm theo chương trình, kế hoạch khảo sát, lấy mẫu gửi UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ”.

Theo đó, hoạt động khảo sát thực địa, lấy mẫu chỉ được tiến hành đối với doanh nghiệp “có đủ điều kiện hoạt động thăm dò khoáng sản”, tức là phải được Bộ TNMT cấp phép hoạt động khoáng sản. Với Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Hòa Bình (sau đây gọi tắt là Công ty Khoáng sản Hòa Bình), ngày 28/3/2017, UBND tỉnh Hoà Bình mới gửi công văn xin ý kiến của Bộ TNMT về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại xã Hợp Châu, nhưng từ ngày 29/11/2016, ông Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở TNMT đã ký Văn bản số 1973/STNMT-KS hướng dẫn Công ty được đầu tư bằng nguồn vốn tự có để tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò quặng vàng tại xã Hợp Châu là trái pháp luật.

Sở tham mưu sai, UBND tỉnh “cầm đèn chạy trước... Bộ TNMT”

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trả lời Báo Công lý: “Một khu vực chưa có kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thì chưa đủ điều kiện để khoanh định là khu vực hoạt động khoáng sản để đưa vào quy hoạch khoáng sản, do đó chưa đủ điều kiện để lập đề án thăm dò khoáng sản”. Ở đây, khu vực xã Hợp Châu chưa đủ điều kiện lập đề án thăm dò khoáng sản nhưng UBND tỉnh Hoà Bình và Sở TNMT tỉnh vẫn cho lập đề án thăm dò và cho phép làm các thủ tục lấy mẫu, thăm dò là trái quy định của pháp luật. UBND tỉnh Hoà Bình ngay từ đầu khi gửi các công văn xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ TNTM đã không nắm vững các quy định của pháp luật, trực tiếp là Luật Khoáng sản và các văn bản nghị định hướng dẫn, bị doanh nghiệp “đạo diễn” nên ra văn bản đề nghị lập dự án thăm dò ở một khu vực chưa được phép thăm dò.

Vì vậy, toàn bộ các văn bản của UBND tỉnh Hoà Bình và Văn bản số 1973/STNMT-KS ngày 29/11/2016 của Sở TNMT tỉnh Hoà Bình do ông Giám đốc Sở Đinh Văn Hoà ký đều là trái pháp luật. Lẽ ra, nếu nắm vững pháp luật, Sở TNMT phải tham mưu cho tỉnh chưa cho phép Công ty lập dự án thăm dò, chưa gửi bất kỳ một công văn nào xin ý kiến cơ quan chức năng.

Quản lý khai thác vàng tuỳ tiện, trái pháp luật ở Hoà Bình: Thấy gì từ một công văn bao biện, né tránh sai phạm?

Lều lán tại khai trường

Sai phạm trên có lỗi rất lớn của Sở TNMT là cơ quan tham mưu chuyên ngành về lĩnh vực quản lý khoáng sản nhưng lại không nắm vững đâu là khu vực được phép thăm dò khoáng sản nên đã đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp, vội vàng tham mưu cho UBND tỉnh làm các công văn gửi nhiều Bộ, ngành liên quan và triển khai một loạt công việc khác.

Công văn số 3672/BTNMT-ĐCKS ngày 21/7/2017 do Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc ký gửi UBND tỉnh Hoà Bình đã thể hiện rất rõ sai lầm của UBND tỉnh Hoà Bình khi “cầm đèn chạy trước ô tô” cho phép Công ty Khoáng sản Hoà Bình lấy mẫu, thăm dò và sau đó đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản cho công ty này.

Công văn nêu rõ: “Bộ TNMT nhận được Công văn số 333/UBND-NNTN ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu. Các khu vực quặng vàng 1,2,3 nêu tại Công văn số 333 không thuộc danh mục các dự án đầu tư, thăm dò quặng vàng mà Bộ Công Thương phê duyệt nên không có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản. Các số liệu thăm dò trước đây cũng chưa được điều tra, đánh giá nên chưa xác định được quy mô, triển vọng khoáng sản. Trường hợp có nhu cầu hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Hòa Bình hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đối với khu vực 1 và khu vực 2 theo Thông tư liên tịch số 61/2014/TTLT-BTNMT-BKHĐT-BTC. Sau khi có kết quả điều tra, đánh giá, xác định chất lượng, quy mô khoáng sản, Bộ TNMT sẽ hướng dẫn thủ tục theo quy định".

Quản lý khai thác vàng tuỳ tiện, trái pháp luật ở Hoà Bình: Thấy gì từ một công văn bao biện, né tránh sai phạm?

Máy móc phục vụ quá trình "thăm dò, lấy mẫu" của Công ty Khoáng sản Hòa Bình

Có thể nói sai phạm trên là nghiêm trọng, không thể chấp nhận đối với một địa phương là nơi có nhiều mỏ khoáng sản vàng từng xảy ra nạn khai thác trái phép dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ. Lẽ ra, hơn ai hết, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình và Sở TNMT tỉnh Hoà Bình phải là những người am hiểu pháp luật, nắm vững các quy định về thủ tục khai thác khoáng sản, đưa ra các chủ trương, biện pháp đúng để ngăn chặn chảy máu nguồn tài nguyên quốc gia. Thế nhưng thật lạ lùng, chính lãnh đạo tỉnh  và Sở TNMT tỉnh Hoà Bình, trực tiếp là các ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở TNMT lại ký nhiều văn bản trái pháp luật, “cầm đèn chạy trước ô tô”, không phát hiện ra sai phạm cho đến khi Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc có văn bản trả lời.

Qua sự việc này cần đặt câu hỏi vì sao một văn bản UBND tỉnh Hoà Bình gửi từ tháng 3/2017 nhưng phải đến 4 tháng sau (ngày 21/7/2017), Bộ TNMT mới có văn bản trả lời việc xin cấp phép hoạt động khoáng sản là không đủ điều kiện? Có điều gì uẩn khúc ở đây? Bộ TNMT đã làm hết trách nhiệm chưa? Nếu như Bộ này trả lời sớm, có thể địa phương sẽ nhanh chóng khắc phục được sai lầm hơn, không để Công ty Khoáng sản Hoà Bình đưa máy móc, lều lán vào thăm dò, lấy mẫu kéo dài hơn một năm trời, gây ra nhiều hệ luỵ!

Đọc thêm