Quảng Bình: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ chính sách người có công

(PLO) - Mới đây, Báo PLVN đã nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc về nghi vấn man khai tuổi đời và thời gian công tác để hưởng chế độ chính sách cho người có công của bà Cao Thị Cầm, trú tại tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đồng Lê (Quảng Trạch – Quảng Bình). Đáng nói, quanh vấn đề này, dư luận thị trấn Đồng Lê đều bức xúc về cách làm việc khó hiểu theo kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi” của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Bình.

Bà Cao Thị Vinh - người phanh phui hành vi khai man hồ sơ để trục lợi tiền chính sách tỏ ra hết sức bức xúc trước những quyết định “tiền hậu bất nhất” của Sở LĐTB&XH Quảng Bình.
Bà Cao Thị Vinh - người phanh phui hành vi khai man hồ sơ để trục lợi tiền chính sách tỏ ra hết sức bức xúc trước những quyết định “tiền hậu bất nhất” của Sở LĐTB&XH Quảng Bình.
Bị phát hiện khai man hồ sơ nhưng vẫn được nhận trợ cấp 
Trả lời hồi âm đơn thư bạn đọc, ngày 11/7/2015, Báo PLVN yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Bình (LĐTB&XH) sớm xác minh, làm rõ đơn thư tố cáo của bà Cao Thị Vinh, sinh năm 1956, trú tại tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa – Quảng Bình). Theo bà Vinh, đối tượng khai man hồ sơ để hưởng các chế độ như: Mất sức lao động, nhiễm chất độc hóa học và Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì… tên đầy đủ là Cao Thị Cầm cùng trú tại địa chỉ trên.
Điều khiến dư luận thị trấn Đồng Lê, cùng tiểu khu Tân Lập hết sức khó hiểu, đó là sau khi có Văn bản số 739/KLĐTBXH vào ngày 16/7/2015 của Sở LĐTB&XH, kết luận nội dung tố cáo đối với bà Cao Thị Cầm là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, hiện tại bà Cao Thị Cầm vẫn tiếp tục được hưởng các chế độ. Vậy phải chăng Sở LĐTB&XH đã “giơ cao đánh khẽ” hoặc “bỏ quên” trường hợp khai man hồ sơ này? 
Cụ thể, tại Quyết định số 02/QĐ ngày 20/1/1988 của UBND huyện Tuyên Hóa: Bà Cao Thị Cầm, sinh ngày 02/5/1949 – nguyên quán xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Bình Trị Thiên. Qua kết quả xác minh đơn tố cáo của Đoàn, cũng như căn cứ vào những hồ sơ của đơn vị Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình, theo số thứ tự đăng ký nhân khẩu tại thôn 2, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, lập năm 2008: Số 688, bà Cao Thị Sâm (chị ruột bà Cao Thị Cầm), sinh ngày 10/5/1950.
Căn cứ vào Công văn số 562/BHXH-KT ngày 21/3/2014 của Bảo hiểm xã hội Quảng Bình, qua nghiên cứu tàng thư căn cước công dân của Phòng PC 64 Công an tỉnh Quảng Bình trả lời như sau: Bà Cao Thị Cầm – sinh ngày 02/5/1955, quê quán Minh Hóa – Quảng Bình – giấy CMND số: 190902004 cấp ngày 6/11/1981, Công an tỉnh Bình Trị Thiên. Như vậy, căn cứ vào kết quả xác minh thì bà Cao Thị Cầm rõ ràng đã man khai tuổi đời thêm 6 năm để hưởng chế độ.

Còn nữa, trong kết luận nội dung tố cáo, bà Cao Thị Cầm cũng đã thừa nhận thời gian và đơn vị công tác của bà được ghi trong Quyết định 02/QĐ ngày 20/1/1988 của UBND huyện Tuyên Hóa về vấn đề hưởng chế độ mất sức lao động của bà là không đúng thực tế. Theo hồ sơ trước đây, bà Cầm khai đi thanh niên xung phong thuộc đơn vị C1 Cục Hậu cần B5 đường 9 Nam Lào, thời gian từ tháng 1/1971 - 10/1975 để hưởng chế độ người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học. 

Hay nói cách khác, qua xác minh của đoàn thanh tra, bà Cao Thị Cầm không hề đi thanh niên xung phong. Qua đó cũng khẳng định bà Cao Thị Cầm tiếp tục khai có đi dân công hỏa tuyến 1 năm, từ tháng 2/1972 đến tháng 2/1973, nhưng không rõ địa bàn và qua điều tra bà Cầm không có giấy tờ gốc để chứng minh điều đó. Hồ sơ một lần nữa kết luận bà Cao Thị Cầm không đủ điều kiện hưởng chế độ hóa học. 

Tiếp đó, tại Văn bản số 1332/SLĐTBXH-TT, Sở LĐTB&XH gửi bà Cao Thị Vinh (người có đơn tố cáo), lại ghi từ tháng 2/1972 đến tháng 2/1973 bà Cao Thị Cầm đi dân công hỏa tuyến tại Đường 9 Quảng Trị. Nhưng ở đây, bà Cầm đã ghi rõ địa bàn nhưng lại chưa có hồ sơ gốc chứng minh. Dù khá mơ hồ vì thiếu giấy tờ chứng minh nhưng Sở LĐTB&XH vẫn “châm trước” cho đối tượng này tiếp tục được hưởng lại chế độ hóa học nhờ vào cơ sở chung chung là “bà Cầm đã bổ sung giấy tờ thể hiện bà tham gia 1 năm dân công hỏa tuyến” (ghi trong văn bản trả lời bà Cao Thị Vinh).

 

Như vậy, trong toàn bộ hồ sơ của bà Cao Thị Cầm đã phát hiện khá nhiều sai sót. Và cá nhân bà Cầm cũng thừa nhận điều đó. Đáng nói, tuy kết luận đã chỉ ra những sai phạm trong hồ sơ của bà Cao Thị Cầm rất rõ ràng nhưng ngay sau đó Sở LĐTB&XH có hàng loạt văn bản, như kiểu “hàn lại vết nứt”. Để rồi đối tượng man khai vẫn tiếp tục được hưởng lại các chế độ. 

Bà Cao Thị Vinh bức xúc: “Lật lên lật xuống, xem đi xét lại rồi cuối cùng chuyện vẫn đâu vào đó, khác nào Sở LĐTB&XH Quảng Bình đang cố tạo ra “một hiện trường giả” để giảm hết mức thiệt hại cho người đã cố tình khai man hồ sơ. Tôi đã đệ đơn yêu cầu Sở trả lời công khai điều kiện được hưởng lại của bà Cầm. Cái chúng tôi cần là căn cứ nào, hồ sơ nào để bà Cầm được hưởng lại, cần công khai ra để chúng tôi được mãn nguyện, chứ không phải chỉ một câu trả lời đã có đầy đủ hồ sơ mà cho hưởng lại kiểu sơ sài như vậy”.

Phù phép” hoán đổi em thành chị (!?)

Được biết, khi có kết luận của thanh tra Sở LĐTB&XH Quảng Bình về nội dung tố cáo là hoàn toàn đúng sự việc. Bà Cao Thị Cầm sau đó đã bị thu hồi Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, đồng thời giảm trợ cấp mất sức lao động hàng tháng là (6%)  do man khai thêm 6 tuổi đời từ 16 đến 22 năm (tăng 6 năm). Về vấn đề này có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu xét sâu sát thì bà Cầm không đủ thời gian để hưởng mất sức vì chưa đủ năm công tác, theo Nghị định 236-HĐBT ngày 18/9/1985.

 
Đến ngày 6/10/2014, tại Văn bản số 1131/SLĐTBXH-CSNCC gửi Phòng LĐTB&XH huyện Tuyên Hóa, Sở trả lời: hồ sơ của bà Cao Thị Cầm không đủ cơ sở để hưởng lại chế độ người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 05/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chờ quyết định thu hồi chế độ và trợ cấp ưu đãi người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học đối với bà Cao Thị Cầm. Tiếp đó, vào ngày 11/12/2014 Sở LĐTB&XH Quảng Bình lại ra quyết định truy lĩnh trợ cấp chất độc hóa học cũng như việc bà Cao Thị Cầm tiếp tục hưởng lại chế độ người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học.
Bà Cao Thị Vinh tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Cá nhân tôi là một đảng viên, khi phát hiện có sai phạm thì phải có trách nhiệm đứng ra để phát giác nhằm đem lại công bằng cho những người đáng được hưởng vì họ có công. Nhưng tại sao đến bây giờ, sau một loạt điều tra, rà soát hồ sơ của ban thanh tra Sở nhưng việc vẫn đâu vào đấy. Và một điều nữa, trong kết luận đã chứng minh bà Cầm sinh năm 1955 (theo kết quả tra cứu tàng thư căn cước công dân, cấp ngày 06/11/1981-PV), nhưng trong phiếu truy lĩnh ngày 11/12/2014 vẫn tiếp tục ghi bà Cao Thị Cầm, sinh năm 1949. Vậy kết luận của thanh tra Sở là kết luận trên giấy hay sao?”.

Thật vậy, nếu đã có kết luận rõ ràng của thanh tra Sở là bà Cao Thị Cầm sinh ngày 02/5/1955, tại sao ở Văn bản số 47/PTL-CĐHH lại ghi bà Cao Thị Cầm sinh năm 1949, lấy đó làm cơ sở để cho bà Cầm hưởng lại chế độ nhiễm chất độc hóa học, đã có quyết định thu hồi trước đó. Như đã nói bà Cao Thị Sâm (chị ruột bà Cao Thị Cầm - PV), sinh ngày 10/5/1950. Nếu bà Cầm sinh năm 1948, vậy khác nào bà Cầm “bỗng nhiên” được “phù phép” lên làm chị, còn bà Cao Thị Sâm thì lại xuống làm “em gái”. 

Về vấn đề này ông Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Bình cho biết: “Hưởng lại hay không hưởng lại, bây giờ án tại hồ sơ, bà Cầm đã trình ra được hồ sơ rồi thì phải chấp nhận thôi, làm sao được. Bây giờ ví dụ như, anh sinh năm 1980 mà trong giấy tờ anh sinh năm 1981 thì đương nhiên chúng tôi phải nói anh sinh năm 1981, chứ không thể nói 1980 được...”.

Nói vậy khác nào ông Giám đốc Sở thừa nhận rằng bà Cao Thị Cầm sinh năm 1949, hơn chị ruột mình? Và kết luận xác minh, rà soát lại hồ sơ của Ban Thanh tra Sở LĐTB&XH Quảng Bình chỉ là “ném đá ao bèo”?/.

Đọc thêm