Quảng cáo sai sự thật, phạt cao nhất 50 triệu đồng?

Đây là mức chế tài được đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và công bố lấy ý kiến nhân dân.

Đây là mức chế tài được đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và công bố lấy ý kiến nhân dân.

Quảng cáo phải phù hợp với thuần phong mỹ tục

Theo đề xuất của Bộ TT&TT, đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, sai chất lượng hàng hóa đã đăng ký; lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự, uy tín hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quảng cáo có nội dung nói xấu, so sánh làm giảm uy tín, chất lượng hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác... sẽ bị phạt với mức từ 30 - 50 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu đối tượng có hành vi quảng cáo mà dùng từ ngữ, hình ảnh, âm thanh không phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam; quảng cáo gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác hoặc dùng danh nghĩa tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được phép của tổ chức, cá nhân đó sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Đối với hoạt động mua, bán hàng qua mạng, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất những quy định, điều kiện siết chặt hơn so với trước kia. Cụ thể, dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi giả mạo thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật để lừa đảo bán hàng, mua hàng qua mạng; hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ, điều kiện giao dịch, thủ tục giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại hoặc phương thức thanh toán an toàn và tiện lợi trên trang thông tin điện tử bán hàng…

Cấm địa điểm game online hoạt động sau 22 giờ

Một thực tế phổ biến hiện nay là các địa điểm kinh doanh game online  hoạt động bất chấp giờ giấc, có những điểm mở cửa tới 2-3 giờ sáng. Đáng chú ý là tại những khu vực gần khuôn viên trường học, các cửa hàng game online mọc lên san sát... Chính những điều này đã nảy sinh không ít hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là nạn học sinh bỏ học, trốn cha mẹ và thầy cô để nướng tiền vào các quán game online.

Những hành vi trên dù đã được điều chỉnh bằng Nghị định số 28/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet...và các văn bản pháp lý liên quan khác. Tuy nhiên, có lẽ khung chế tài chưa cao nên việc xử lý vi phạm cũng chỉ như đá ném ao bèo.

Chấn chỉnh tình trạng trên, dự thảo Nghị định lần này đề xuất mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nằm trong phạm vi bán kính của các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông dưới 200m; hoặc hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 08.00 đến 22.00 giờ hàng ngày. Mức phạt trên cũng áp dụng với hành vi  cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.

Nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet không chấm dứt đường truyền thuê bao Internet hoặc đường truyền của Hợp đồng đại lý Internet đối với điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hoạt động quá giờ quy định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Đặc biệt, dự thảo cũng dành riêng những điều luật quy định các mức phạt khác nhau đối với người chơi. Theo đó, người chơi sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu chơi các trò chơi điện tử chưa được cấp phép hoặc chưa đăng ký theo quy định; không thực hiện đăng ký thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi G1. Nếu người chơi có hành vi lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.        

Đông Quang