Cá sặc hàng ký do nông dân nuôi bị ô nhiễm nguồn nước chết nổi trắng |
Người dân thôn Đại Phú (xã Tam Hiệp) sinh sống gần khu vực “cửa” xả thải của Cty cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai) tố cáo doanh nghiệp này vừa gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân.
Ông Nguyễn Đại Tâm (thôn Đại Phú) cho biết: “Nhà máy Sô đa hoạt động khoảng 6 tháng mà dân làng chịu hết nổi mùi khét lẹt thải ra hàng ngày. Thậm chí, lợi dụng trời mưa to ban đêm, nhà máy xả nước thải đen ngòm ra sông ngay khu vực nuôi tôm, cá của dân. Nước thải có bột đen nhỏ li ti như bụi cao su nổi lềnh bềnh trên mặt nước”.
Vì thế, nhiều tấn cá dìa của gia đình này nuôi được hơn 1 năm đã bị nguồn nước ô nhiễm làm chết nổi trắng mặt ao, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Không những thế, xỉ than từ ống khói bay ra bám đầy tường nhà dân.
Bức xúc trước thực tế trên, người dân kéo đến nhà máy để phản đối, yêu cầu gặp lãnh đạo Cty này nhưng nhiều lần họ đã tránh mặt. Mới đây, ông Nguyễn Thái Dũng – Tổng Giám đốc Cty này đã thông qua Ban Dân chính thôn hẹn gặp và lắng nghe nguyện vọng của những hộ bị ảnh hưởng. Đúng hẹn, hơn 300 hộ dân của xã Tam Hiệp đến Nhà văn hóa thôn Đại Phú để gặp thì bất ngờ ông Dũng đổi ý từ chối đối thoại trực tiếp, chỉ cử nhân viên đến làm việc với dân.
Ồn như tiếng máy bay phản lực
Đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại kinh tế cho người dân sống gần Công ty CP sản xuất sô đa Chu Lai, bà Ngô Thị Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp cho biết: “Cứ khoảng 1 - 2 giờ sáng là Nhà máy Sô đa hoạt động, gây tiếng ồn chịu không nổi, âm thanh phát ra như tiếng máy bay khiến người dân không ngủ được”.
Theo bà Tiến, người dân bức xúc không chỉ vì ô nhiễm tiếng ồn mà nhà máy này còn lợi dụng trời mưa to vào ban đêm để xả nước thải ra sông làm cá, tôm của người dân nuôi chết hàng loạt. Bà Bí thư Đảng ủy cũng xác nhận việc nhiều hộ đã yêu cầu gặp trực tiếp Tổng Giám đốc Dũng để trao đổi giải quyết dứt điểm nhưng ông này lấy lý do bận công tác để tránh gặp khiến dân càng thêm bức xúc.
“Ruộng lúa bị giải tỏa làm khu công nghiệp hết rồi, nông dân trông chờ vào việc nuôi cá, tôm cũng bị nhà máy gây ô nhiễm làm cho trắng tay. Lo sợ trẻ em hít bụi xỉ than bay khắp nơi bám đầy nhà rất nguy hiểm”, bà Tiến lo lắng.
Được biết, toàn bộ thôn Đại Phú đã được quy hoạch, giải tỏa cho Khu kinh tế mở Chu Lai từ năm 2003. Đến năm 2006, đất ruộng, hoa màu, mồ mả của người dân đã được kiểm kê đền bù xong. Còn đất ở và nhà ở chưa được đền bù, giải tỏa và bị “treo” từ đó đến nay.
Qua sự việc này, bà Tiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết dứt điểm vấn đề này bởi thực tế tình trạng quy hoạch “treo” tồn tại quá lâu (13 năm nay), nay người dân hàng ngày tiếp tục bị “tra tấn” bởi khí thải, nước thải độc hại.