Nhiều ngày qua, người dân tập trung dựng rạp, bao vây và ngăn chặn xe chở nguyên liệu vào nhà máy. Gần 10 năm chịu đựng ô nhiễm, bà con mong muốn đóng cửa nhà máy hoặc bố trí tái định cư nơi khác cho dân.
Trước tình hình trên, mới đây huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tổ chức đối thoại với người dân. Tuy nhiên, do người dân quá bức xúc nên cuộc họp kéo dài đến cuối ngày vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Khốn khổ vì ô nhiễm
Nhiều ngày qua, hàng chục người dân ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân tập trung trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân yêu cầu gặp lãnh đạo công ty vì không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối phát ra từ các cống xả thải. Người dân còn tập trung dựng rạp ở lại để bao vây và ngăn chặn xe chở nguyên liệu vào nhà máy.
Bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, ngụ thôn Nam Phước) bức xúc phản ánh nhà máy thường xuyên xả thải gây ô nhiễm, cá chết khắp khu vực. Đặc biệt, từ khoảng ngày 21/9, mùi hôi hám bốc lên nồng nặc.
Nhiều gia đình có con nhỏ phải chở đi chỗ khác ngủ nhờ vì lo sợ ngửi mùi hôi gây nhức đầu, ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu nhỏ. Người dân nghi ngờ nhà máy lợi dụng trời mưa để xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.
“Chúng tôi không chịu đựng nổi nữa, cùng cực lắm mới phải bỏ công ăn việc làm, kéo lên tụ tập trước cổng nhà máy, phản đối không cho xe tải chở các nguyên vật liệu, để yêu cầu nhà máy trả lời nguyên nhân gây ô nhiễm”, bà Xuân nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Nam Phước, xã Đại Tân) cho biết thêm, Nhà máy Ethanol Đại Tân từng thuộc Công ty cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Sau khoảng hai năm đi vào hoạt động, tháng 11/2012, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.
|
Người dân kéo đến phản đối trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân |
Đến tháng 3/2015, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã mua lại toàn bộ Nhà máy này. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nhiều lần để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 7/2016, nhiều người dân đồng loạt ký tên vào đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu xử lý dứt điểm sai phạm khi trên địa bàn xảy ra nhiều vụ cá chết hàng loạt tại các hồ, đập lớn, kể cả những khe suối, khu vực xung quanh nguồn xả thải; nghi do nhà máy trên gây ra.
Thế nhưng theo ông Sơn và nhiều người, mọi việc vẫn đâu vào đấy và dân tiếp tục phải chịu đựng. Không chỉ không khí, đất đai bị ô nhiễm khiến heo gà, cây trồng đều không phát triển, các giếng nước sinh hoạt cũng đen ngòm.
Ảnh hưởng nhất là người già và trẻ nhỏ. “Đề nghị công ty phải xử lý gấp tình trạng hôi thối. Về lâu về dài, yêu cầu phía tỉnh di dời dân đi chỗ khác, còn không di dời nhà máy đi chỗ khác. Ô nhiễm kéo dài mười mấy năm rồi. Cứ mỗi lần xảy ra sự cố, công ty cam kết, chính quyền ra văn bản nhưng hứa mãi mà không xử lý dứt điểm được”, ông Sơn đề nghị.
Do sự cố trong vận hành?
Ông Phạm Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Nhà máy Cồn Đại Tân cho rằng, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố do trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel, một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol ra vật đựng, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng.
“Ngay sau khi phát hiện sự cố, nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài. Đồng thời tiến hành ngay các biện pháp để thu hồi toàn bộ dầu tràn tại khu vực kho cồn và theo nước mưa xuống hồ sinh thái”, ông Tĩnh nói.
Theo ghi nhận của PV trong ngày 24/9, khi lại gần khu vực nhà máy, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhiều người có mặt phải nôn khan. Không chỉ vậy, ngoài mùi hôi thối, trong không gian cũng đậm đặc một thứ vị cay cay khiến mọi người khó thở, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Ai đi qua khu vực nhà máy cũng đều phải đeo khẩu trang, bịt mũi.
|
Mỗi khi đi qua khu vực, ai nấy đều phải bịt mũi vì bị mùi hôi hám tấn công |
Để chứng minh nhà máy xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, người dân đã múc mẫu nước xả ra kênh cho vào chai nhựa đưa cho các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Các mẫu nước này có màu trắng đục và cũng hôi nồng nặc.
Tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Đại Lộc cũng đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra. Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, với trách nhiệm của công an đã yêu cầu nhà máy phải khẩn trương khắc phục sớm sự cố này để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân sinh sống xung quanh.
Hiện công nhân môi trường vẫn đang tiếp tục thu gom lượng cá chết trong hồ sinh thái tránh gây ô nhiễm môi trường. Đến nay cũng vẫn chưa đánh giá được tác hại của việc ô nhiễm không khí từ sự cố tràn dầu fusel vì đang đợi kết quả xét nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam.
|
Mẫu nước nghi dính dầu Fusel mà người dân cung cấp |
Về phía chính quyền địa phương, ông Đoàn Kim Bình, Chủ tịch UBND xã Đại Tân kêu gọi người dân cần bình tĩnh trong việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh sau sự cố môi trường để không làm mất an ninh trật tự tại địa phương.
Chiều ngày 24/9, chính quyền huyện Đại Lộc tổ chức buổi đối thoại, ghi nhận ý kiến của người dân. Sau rất nhiều bức xúc bày tỏ như đã nêu trên, đến 18h cùng ngày, cuộc họp vẫn chưa dừng lại. Để kết thúc, đại diện lãnh đạo huyện thông tin, sẽ có báo cáo để tỉnh đưa phương hướng giải quyết trong thời gian tới.
Liên quan lĩnh vực môi trường tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan tìm vị trí mới cho dự án lò đốt rác Đại Nghĩa và báo cáo tỉnh trước ngày 15/10. Công văn cho biết, dự án này phải chuyển địa điểm do nằm trong khu vực quy hoạch đất quốc phòng.
Như PLVN đã phản ánh, dự án lò đốt rác tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) dự kiến xây dựng trên diện tích 7 ha, quy mô đốt 240 tấn rác mỗi ngày, vốn đầu tư 100 tỷ. Hồi tháng 5, khi biết Quảng Nam có kế hoạch xây dựng lò đốt rác ở xã Đại Nghĩa, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã bày tỏ lo ngại vì dự án nằm trên lưu vực sông Yên - nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng nên đã gửi văn bản đề nghị xem lại việc này.
Đầu tháng 8, khi đơn vị thi công tiến hành xây dựng thì người dân xã Đại Nghĩa tập trung phản đối vì lo ngại công trình sẽ gây ô nhiễm không khí khu vực, ảnh hưởng sức khỏe cư dân.