Cá chết nổi trắng sông
Chiều ngày 29/4, người dân thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện cá trên sông Bàu Giang bắt đầu chết, phần lớn đang hoa mắt, ngoi lên mặt nước lượn ngáp.
Đến khoảng 17h cùng ngày, cá chết nổi trắng dòng sông, trong đó có nhiều loại cá to từ 1 - 5kg. Đến ngày 30/4, lượng cá chết nhiều vô kể, đặc cả sông, bốc mùi hôi thối.
Người dân địa phương cho biết, vào mùa nắng thì tình trạng cá chết rải rác vẫn thường xuất hiện nhưng số lượng rất ít, chưa bao giờ nhiều như lần này. Vào thời điểm cá chết, màu nước sông đen hơn so với bình thường.
Anh Phạm Tấn Hùng (ngụ thị trấn La Hà) cho biết: “Chiều ngày 29/4, tôi và một số người ra khu vực sông Bàu Giang để câu cá thì thấy cá chết nổi lên mặt nước, một số chưa chết thì ngoi lên mặt nước. Lúc đầu, cứ tưởng nước nắng nóng quá làm cá chết, nên chúng tôi và nhiều hộ dân ở khu vực này đã mang rổ, vợt lội xuống sông vớt cá.
Các loại cá bị chết chủ yếu là cá diếc, cá rô, một số người còn bắt được cả cá trắm cỏ nặng hơn 5kg. Nhưng đến gần tối, thấy cá chết nhiều quá nên chúng tôi sợ có độc, không dám vớt nữa. Số cá vớt trước đó cũng đem bỏ chứ không dám ăn, cũng không cho gia súc, gia cầm ăn”.
“Những ngày qua, tình trạng cá chết trên sông Bàu Giang quá nhiều. Người dân chúng tôi đang rất lo lắng vì sợ nguồn nước ngầm bị ô nhiễm vào giếng nước sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng nhanh chóng làm xét nghiệm nguồn nước để xác định có bị ô nhiễm hay không. Nếu bị ô nhiễm thì cần khẩn trương khắc phục cho người dân”, bà Nguyễn Thị Mai (ngụ thị trấn La Hà) cho biết.
Nguyên nhân do nước thải từ cơ sở chế biến sắn
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh tình trạng cá chết trắng trên sông Bàu Giang, sáng ngày 30/4, chính quyền huyện Tư Nghĩa đã lập đoàn kiểm tra do ông Huỳnh Ngọc Quận - Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra hiện trường, tìm nguyên nhân. Tham gia đoàn kiểm tra còn có Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Quảng Ngãi.
|
Hố nước thải của cơ sở sản xuất sắn không được che chắn, để lộ thiên, nước đen đặc |
Sau nửa ngày đi dọc sông Bàu Giang, đoàn kiểm tra nhận thấy tình trạng cá chết còn xảy ra ở nhiều địa điểm khác, kéo dài đến xã Nghĩa Thuận (huyện Tư Nghĩa, cách thị trấn La Hà khoảng 10 km).
Ngoài việc khoanh vùng các khu vực cá chết, đoàn kiểm tra lấy mẫu vật phẩm, mẫu nước để gửi cơ quan chức năng xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong khoảng 1 tuần.
“Cần phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu vật phẩm (cá chết), nước và xem xét một số yếu tố khác mới kết luận chính xác nguyên nhân và thủ phạm làm cá tự nhiên chết tấp, nổi đầy khu vực đoạn sông Bàu Giang trong mấy ngày liền”, ông Quận cho biết.
Dù phải chờ kết quả xét nghiệm mới có kết luận cuối cùng, nhưng qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra nhận định nhiều khả năng cá chết là do nước thải từ các cơ sở chế biến nông sản nằm dọc theo sông Bàu Giang xả ra môi trường gây ô nhiễm trên sông.
Đặc biệt, khi đến kênh Chính Nam (đoạn qua thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận), đoàn đã phát hiện một cơ sở sản xuất, chế biến sắn của hộ kinh doanh Bạch Ngọc Trà có hiện tượng xả thải chưa qua xử lý ra kênh Chính Nam. Đây là dòng kênh chuyên cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi qua cống xả số 2 dẫn vào sông Bàu Giang.
Ông Tôn Long Nghênh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đang trong ngày lễ, cơ sở này ngừng sản xuất nhưng nguồn nước thải đen ngòm, chưa qua xử lý vẫn chảy ra kênh và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Các hố nước thải của cơ sở này không được che chắn, để lộ thiên, nước đen đặc và có mùi thối đặc trưng của cơ sở chế biến sắn. Chúng tôi đã đình chỉ hoạt động cơ sở này, không cho xả thải ra môi trường, để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng”.
Đại diện chính quyền xã Nghĩa Thuận cho biết, trong quá trình hoạt động trước đó, cơ sở chế biến sắn của ông Bạch Ngọc Trà gây ra mùi hôi thối gây nhiều bức xúc trong dư luận địa phương. Vì vậy các cơ quan chuyên môn của huyện Tư Nghĩa và địa phương đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở. Tuy vẫn là người đứng tên trực tiếp kinh doanh, thế nhưng hiện ông Trà đã cho một cá nhân khác thuê lại cơ sở này.
Được biết, UBND huyện Tư Nghĩa cũng đã phân công nhiệm vụ cho phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng với UBND xã Nghĩa Thuận, ngay sau khi nghỉ lễ sẽ có buổi làm việc trực tiếp với chủ cơ sở này để kiểm tra các giấy tờ thủ tục đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các xã kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, chế biến khác xả thải ra kênh mương dẫn nước có đấu nối vào sông Bàu Giang.