Tại phiên sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị cho ông được hưởng án treo vì gia cảnh quá khó khăn, vợ bệnh, 4 con thì 2 đứa bị tâm thần, ông là lao động duy nhất, thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, tích cực khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu,... đặc biệt, dù bị hại không có mặt tại phiên tòa nhưng đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông. Tuy nhiên, Tòa nhận định cần có hình phạt có tác dụng phòng ngừa, răn đe nên tuyên ông 15 tháng tù, không cho hưởng án treo.
Ông kháng cáo, Tòa xử phúc thẩm giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên. Dư luận và báo chí hoàn toàn đứng về phía bị cáo “khốn khổ” này, mong một bản án có lương tâm, tình người mà đừng bắt người ta ở tù rồi vợ con sống ra sao. Tiếng kêu thấu đến tối cao, bản án được kháng nghị và tạm hoãn việc ông phải thi hành án phạt tù chờ phiên giám đốc thẩm.
Rõ ràng, như trường hợp ông này, bỏ tù chẳng phòng ngừa, răn đe được ai, có chăng chỉ còn lại sự bất bình và thương cảm mà thôi. Cùng thời điểm này đang diễn ra phiên tòa xử hai bà già và phụ nữ ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh vì hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Họ đã chặn xe tải chở cát của một doanh nghiệp bởi các xe này đã phá hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường, nhiều lần gây tai nạn cho họ và là mối đe dọa thực sự với cư dân ở đây. Viện kiểm sát đề nghị mức án tù từ 24 đến 30 tháng cho hại bà cụ này. Thực sự, có án tù cho họ thì hẳn cũng chẳng phòng ngừa, răn đe được ai nếu tình trạng xe quá tải, chở cát bụi mù mịt cứ chạy qua khu dân cư như thế. Nếu có “phòng ngừa, răn đe” thì đối tượng nhận các thứ đó phải là doanh nghiệp đã gây ra tình trạng này.
Chúng ta còn nhớ vụ án hai nông dân phạm tội “nhận hối lộ” và bị bỏ tù đã bị dư luận phản ứng như thế nào. Dù án to hay nhỏ cũng cần áp dụng pháp luật thích hợp và thuyết phục. Tội tham nhũng thì tù treo (giờ đã khắc phục rất nhiều tình trạng này) còn những lương dân vô ý phạm tội, hoàn cảnh bi đát cứ phải khăng khăng bỏ tù người ta mới “phòng ngừa, răn đe” tội phạm được sao?