Quảng Ngãi: Loay hoay câu chuyện tái định cư

(PLVN) - Nhiều năm qua, câu chuyện về sự chậm trễ, kéo dài di dời, bố trí tái định cư cho người dân sống xung quanh các dự án công nghiệp ở Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) luôn làm “nóng” mọi diễn đàn. 
Gần 6 năm thi công, tổng chi phí đầu tư 695 tỷ đồng nhưng đến nay khu tái định cư Cà Ninh vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.
Gần 6 năm thi công, tổng chi phí đầu tư 695 tỷ đồng nhưng đến nay khu tái định cư Cà Ninh vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.

Dù đã có các cuộc họp với nhiều văn bản ban hành, nhưng chính do công tác quy hoạch và triển khai thiếu đồng bộ, thiếu tiếng nói đồng thuận của chính quyền và người dân… nên hàng trăm hộ vẫn không biết khi nào được tái định cư để ổn định cuộc sống và phải đối mặt nhiều bất an, rủi ro…

Chưa tìm được tiếng nói chung

Suốt hơn 2 năm qua, ông Nguyễn Kỳ (thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không nhớ nổi đã tham dự bao nhiêu cuộc họp liên quan đến tái định cư. Gia đình ông thuộc diện được ưu tiên di dời do nằm gần dự án tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, thế nhưng đến tận bây giờ vẫn không biết đích xác khi nào được ổn định chỗ ở.

“Chúng tôi được phép chọn tái định cư trong các khu dân cư hiện hữu tại KKT Dung Quất, hoặc đợi vào khu dân cư trong khu đô thị Vạn Tường (địa bàn xã Bình Hải), đồng thời được hứa sẽ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trong khi chờ đợi bố trí tái định cư… nhưng mãi không thấy đâu”, ông Kỳ phản ánh. Vì không di dời được, gia đình ông Kỳ phải đối mặt với cảnh sống bụi bặm, tiếng ồn.

Tương tự, ông Lê Quang Hải (xã Bình Thuận) sống ngay sát hàng rào nhà máy đang thi công ở KKT nên luôn lo lắng cho việc làm ăn, sức khoẻ của gia đình. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện nhưng đến nay ông cũng như nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa được tái định cư theo nguyện vọng.

Theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi, tại các xã Bình Đông, Bình Thuận, hơn 400 hộ dân với cả nghìn nhân khẩu rơi vào cảnh như ông Hải, ông Kỳ, hằng ngày đối mặt với ô nhiễm hóa chất, bụi, tiếng ồn do thi công, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp tại KKT Dung Quất. Trong đó, khoảng 91 hộ dân “sống bên hông nhà máy” chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại công trình này. 

Điều đáng nói, ở các khu tái định cư trên địa bàn KKT Dung Quất hiện có hơn 800 lô đất hoàn thiện, có thể bố trí cho người dân vào sinh sống. Thế nhưng, nhiều hộ dân không chịu di dời đến. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. 

Ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, người dân muốn lên khu Vạn Tường, cách nơi cũ cả chục cây số. Trước đây Ban Quản lý KKT Dung Quất, chính quyền địa phương đã từng đưa dân lên khu Vạn Tường chọn chỗ, nhưng giờ khu này chưa xây dựng. Bây giờ vận động bà con chọn các nơi đã có sẵn lại không chịu nữa, dù khu hiện hữu gần nơi ở cũ, lại tiện cho làm nghề biển.

Ngoài ra, cũng vì chưa tìm được tiếng nói chung, chưa vận động được nhân dân vào nơi ở mới, gây khó cho nhà đầu tư, chính quyền địa phương lẫn cơ quan quản lý. Không chỉ vậy, khi tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. Còn đối với các khu tái định cư, khu dân cư khang trang, sắp hoàn thiện có nguy cơ lãng phí…

Vì sao nhùng nhằng, kéo dài?

Để di dời người dân vùng dự án công nghiệp ở KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 25 khu tái định cư, với tổng hơn 4.960 lô đất bố trí cho người dân. Trong số này, 3.184 lô đã bố trí cho người dân ở các dự án nhiều năm trước như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina, cụm công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất…

Đối với các dự án mới thu hút đầu tư, đang xây dựng như thép, điện, khí… từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư bốn khu tái định cư với khoảng 1.700 lô đất để bố trí người dân vào nơi ở an toàn. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, nhiều khu tái định cư tại KKT Dung Quất vẫn còn dở dang.

Đơn cử, khu dân cư Cà Ninh thuộc dự án Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền, đập Cà Ninh triển khai từ năm 2014 trên 65ha với tổng mức đầu tư trên 695 tỷ đồng. Dự án này bố trí 1.077 lô tái định cư cho người dân vùng dự án.

Thế nhưng sau 6 năm thực hiện, khu dân cư này vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, điện chiếu sáng chỉ đạt 70% khối lượng; số diện tích đủ điều kiện bố trí cho người dân chỉ đạt 40%.

Còn tại khu dân cư Mẫu Trạch phục vụ công tác bồi thường, tái định cư cho khoảng 100 hộ dân cũng trong tình trạng “lưng chừng”. Kinh phí đầu tư 46,5 tỷ đồng, xây dựng trên 5,3 héc ta, đến nay công trình này chỉ đạt 60% khối lượng xây lắp. Các tuyến giao thông nội bộ, hệ thống cấp - thoát nước vẫn chưa hoàn thành… 

Không chỉ nhiều dự án tái định cư, khi dân cư dở dang, thậm chí dự án khu dân cư dự kiến di dời dân vào an cư vẫn “còn trên giấy”. Chẳng hạn như khu tái định cư Vạn Tường 1 và 2 thuộc xã Bình Hải có tổng diện tích 25,7ha, kinh phí 300 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ tái định cư khoảng 200 hộ dân. Thế nhưng, hiện trạng khu vực này vẫn còn rừng cây, cùng nhiều diện tích canh tác của dân sở tại. 

Ông Hà Đức Thắng, Phó trưởng ban Ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, 4 dự án tái định cư lớn để di dời người dân đến nơi an toàn đến nay vẫn trong tình trạng “dậm chân” nhiều năm.

Hạ tầng kỹ thuật, đấu nối giao thông, đường nội bộ và điện, nước vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí, vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng… Sự nhùng nhằng, bất cập này khiến cho người dân vùng dự án công nghiệp KKT Dung Quất khổ sở; nhà đầu tư, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiến độ, sản xuất kinh doanh. 

Lý giải cho việc kéo dài, chậm hoàn thiện các khu tái định cư, khu dân cư, ông Hà Đức Thắng cho rằng, “vướng” nhất chính là do tỉnh Quảng Ngãi chậm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời chưa có kế hoạch sử dụng đất nên việc bồi thường, tái định cư hầu như “bất động”, không có căn cứ để thực hiện.

Đọc thêm