Quảng Ngãi: Xã biển chao đảo, hàng trăm người điêu đứng vì chủ hụi bỏ trốn

(PLO) -Thủ tục nhanh gọn, không cần hợp đồng, không cần thế chấp, không cần phương án sản xuất kinh doanh, tín dụng đen vì thế được nhiều người tiếp cận. Song, với lãi suất cho vay cao, nhiều người dân ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã trở thành nạn nhân của bẫy tín dụng đen. 
 

 

Trần Thị Vy trình báo sự việc với cơ quan công an
Trần Thị Vy trình báo sự việc với cơ quan công an

Mất trắng vì ham lãi suất cao

Những ngày này, về xã biển Phổ Thạnh, đến đâu chúng tôi cũng nghe chuyện một số chủ hụi bỏ trốn vì vỡ nợ. Những lá đơn cầu cứu của nhiều người dân là nạn nhân những vụ giật hụi, bể hụi gửi đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Tại trụ sở Công an xã Phổ Thạnh, bà Trần Thị Vy (ngụ thôn Thạnh Đức 2) lo lắng, đứng ngồi không yên. 

Bà kể, thấy lãi cao, bà đã thế chấp sổ đỏ, gom góp tất cả tiền trên 700 triệu đưa cho vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Chương ở cùng xã vay. Tuy nhiên sau vài tháng, bà Vy cũng như hàng chục người dân ở đây trắng tay khi vợ chồng chủ tiệm vàng này ôm số tiền trên bỏ trốn.

“Tôi đưa cho vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Chương 400 triệu đồng, ban đầu họ trả vốn và lãi sòng phẳng. Đến lúc mình tin tưởng, vợ chồng họ năn nỉ quá, nói đúng 1 tuần sẽ trả đầy đủ gốc và lãi, vậy là tôi dốc sức cho họ vay 700 triệu đồng, hông ngờ họ lại bỏ trốn luôn”, bà Vy bức xúc nói. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Châu (ngụ Thạch Đức 2) đã cho vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Chương vay 950 triệu đồng, nhận tiền lãi hàng tháng trên 11 triệu đồng. Bà Châu nghĩ số tiền lãi sẽ đủ lo cuộc sống cả tháng của gia đình nên không một chút do dự khi giao tiền, ngờ đâu xảy ra cơ sự. 

“Thấy họ có nhà biệt thự lớn, tiệm vàng luôn đông người ra vào, ai mà nghĩ họ lừa đảo. Nhưng khi vợ chồng họ bỏ trốn thì mới tá hỏa khi được biết giấy tờ nhà không đứng tên vợ chồng họ, vàng trong cửa quầy không còn một chỉ”, bà Châu chua chát bày tỏ.

Giấy mượn tiền của tiệm vàng Ngọc Chương
Giấy mượn tiền của tiệm vàng Ngọc Chương

“Sập bẫy” tín dụng đen

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một vài điểm chơi hụi ở khu dân cư xã Phổ Thạnh, hầu hết người chơi đều dựa trên tinh thần tin tưởng là chính. Phần lớn các dây hụi “chuyên nghiệp” với mức lãi đóng 8, 9 ăn 10 thì nguồn vốn thu được thường “chảy” vào các đường dây cho vay nặng lãi với lãi suất 15 đến 20%/tháng. Và thực tế cho thấy tình trạng bị vỡ hụi, chủ hụi ôm tiền tỷ bỏ trốn đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen, có 2 dạng phổ biến. 

Thứ nhất, cho vay lãi nặng (người có tiền cho vay lãi suất cao, sau đó xiết nợ) và vay của người khác rồi cho vay lại để lấy lãi. 

Thứ hai, người vay của cá nhân này có khi lại là chủ nợ của cá nhân khác, một người có thể vay cùng lúc của nhiều cá nhân, người vay có thể vừa đóng vai trò của con nợ vừa đóng vai trò của chủ nợ… tạo nên mạng lưới rất phức tạp. 

Với lãi suất cao và rủi ro lớn, khi một nút bị vỡ sẽ kéo theo sụp đổ cả mạng lưới, tác động nhiều các nhân, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự và nền kinh tế.

Thời gian qua hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, không những gây thiệt hại nặng nề cho những người gửi tiền mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên quan khác. Số tiền thất thoát trong mỗi vụ vỡ nợ từ vài tỷ đồng đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, với danh sách nạn nhân thường là những người lao động, nhẹ dạ cả tin, chỉ vì hám lợi nên dễ dàng bị rủ rê.

Trong hầu hết các vụ đổ bể tín dụng đen, lãi suất cao luôn được những người huy động sử dụng như một vũ khí đánh vào tâm lý của người có tiền, hấp dẫn nạn nhân tham gia. Bằng những lời ngon ngọt, số đối tượng vay mượn tiền, tài sản thường tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có, khoe các khoản tài sản bảo đảm để tạo niềm tin, nhằm huy động vốn với lý do kinh doanh. 

Lãi suất hấp dẫn cộng với thủ tục vay tiền nhanh gọn, đơn giản thuận tiện, chỉ cần một tờ giấy viết tay biên nhận, nhưng lại được các chủ vay nợ trả những khoản lãi hấp dẫn, nên có sức hút mạnh mẽ đối với những người hám lời, không ít người đã mang cả gia tài để cho vay cho đến khi mất trắng. 

Cho vay cả trăm triệu đồng đến tỷ đồng chỉ bằng tờ giấy mượn tiền viết tay
Cho vay cả trăm triệu đồng đến tỷ đồng chỉ bằng tờ giấy mượn tiền viết tay

Trong khi đó, đối tượng đi vay thường lấy tiền của người sau trả lãi cao cho người trước, trả lãi đều và giữ uy tín trong một thời gian đầu nhằm lấy lòng tin của nhiều người. Đến khi lượng tiền đi vay đã hết do làm ăn thua lỗ thì tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn.

Hậu quả những vụ vỡ tín dụng đen không chỉ khiến những người tham gia tiền mất tật mang, mà ngay một số người cho người khác vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch cũng rơi vào cảnh tán gia bại sản, gia đình ly tán…

Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: “Tình trạng cho vay nặng lãi giữa những người dân với nhau để phát triển kinh tế ở xã Phổ Thạnh đang xảy ra nhiều. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã thông báo cho người dân biết việc cho vay nặng lãi như thế nào, hậu quả xảy ra sao để người dân biết nắm bắt mà không tham gia tín dụng đen”. Ngoài ra, chúng tôi làm việc các ngân hàng chính sách trên địa bàn xã và huyện để người dân tiếp cận với vay vốn ngân hàng, không để người dân vay tư nhân bên ngoài để mà dẫn đến hậu quả như thời gian qua”.   

Thời gian gần đây, Công an huyện Đức Phổ đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo của một số người dân ở xã Phổ Thạnh tố giác vợ chồng ông Dương Văn Vương và bà Lâm Thị Lượng (ngụ thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh, là chủ tiệm vàng Ngọc Chương) về hành vi vay, mượn tiền, vàng với số lượng lớn, rồi bỏ trốn. 

Theo điều tra ban đầu, vợ chồng ông Vương vay mượn của người dân khoảng 10 tỷ đồng với lãi suất từ 2 đến 4,5% tháng, rồi cho bà Võ Thị Nhung và Lê Thị Thu (cùng ngụ xã Phổ Thạnh) vay lại số tiền trên 11 tỷ đồng để hưởng lãi suất chênh lệch. Sau đó, bà Nhung và bà Thu chiếm đoạt số tiền đã vay và bỏ trốn, khiến vợ chồng ông Vương bị vỡ nợ, rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Đọc thêm