Theo ông Giang, đối với các địa phương, trước mắt chủ động thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm khi có ổ dịch mới; rà soát kết quả tiêm phòng để chủ động tiêm bổ sung tạo miễn dịch chủ động; tăng cường kiểm soát mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, tiêu diệt mầm bệnh và phòng chống dịch.
Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện đàn lợn của mình bị bệnh. Theo kiểm tra thực tế hiện đơn giá hỗ trợ tiêu hủy của nhà nước đang thấp hơn giá thu mua lợn thịt, lợn giống ngoài thị trường (thấp hơn từ 7.000 đồng - 22.000 đồng/kg) nên không ít người có tâm lý vì cái lợi trước mắt mà giấu dịch, bán chạy khi đàn vật nuôi chớm bị bệnh. Điều này là rất nguy hiểm bởi sẽ khiến bệnh lây lan theo cấp số nhân.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính từ 24/12/2018 đến 3/1, trên địa bàn TX Đông Triều đã xuất hiện 3 trường hợp đàn lợn của hộ dân bị bệnh lở mồm long móng. Tổng số lợn chết của 3 trường hợp nói trên là 15 con. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù ổ dịch đầu tiên xảy ra vào ngày 24/12/2018, tuy nhiên không được lấy mẫu xét nghiệm, để xác định chủng vi rút gây bệnh, kịp thời mua vắc xin tiêm bao vây. Đây cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến phát sinh các ổ dịch tiếp theo vào ngày 28/12/2018 và ngày 3/1/2018 vừa qua; nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới tiếp theo.
Đáng lo ngại là Quảng Ninh là nơi tiêu thụ lợn thịt, lợn giống cho các tỉnh thành lân cận. Hiện mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ từ 2.300 con - 2.500 con lợn thịt, trong đó nguồn cung tại chỗ trên địa bàn chỉ đạt khoảng 60%, còn phải nhập từ tỉnh ngoài khoảng 40%. Trong khi đó tính đến ngày 4/1, toàn quốc đã có 10 tỉnh thành xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng, chủ yếu tại khu vực các tỉnh phía Bắc.
|
Người dân xã Nguyễn Huệ, TX Đông triều tăng cường vệ sinh, chuồng trại |
Để có thể xác định vi rút gây bệnh nhằm làm cơ sở để tiêm phòng đúng, trúng chủng bệnh, bao vây và dập dịch dứt điểm thì các ổ dịch cần được phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu để xét nghiệm. Giai đoạn có thể lấy mẫu để xét nghiệm là khi vật nuôi mới chớm bị bệnh (dấu hiệu sốt và bỏ ăn ít bữa), còn khi bệnh đã nặng (viêm loét mồm, long móng) hoặc đã dùng thuốc để điều trị thì không thể xác định được chủng bệnh.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt trong thời tiết lạnh, có mưa như hiện nay, có khả năng lây lan rất nhanh nếu không được xử lý dập dịch dứt điểm. Khi vật nuôi mang bệnh sẽ nhanh chóng suy giảm sức khỏe, giảm sức sản xuất dẫn đến chết, đồng thời các sản phẩm từ lợn mắc bệnh không thể xuất khẩu. Biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm vắc xin. Khi vật nuôi đã bị bệnh chỉ còn cách tiêu hủy đồng thời tiêm phòng bao vây trên các đối tượng nuôi có thể bị mắc bệnh trên toàn vùng.