Quảng Ninh:Vi phạm tố tụng nghiêm trọng vẫn dùng làm chứng cứ để truy tố bị can?

(PLO) - Trong quá trình “bắt quả tang” và “điều tra” vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”, Cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã có một loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: Ghi lời khai người bị tạm giữ (là người chưa thành niên) không có người đại diện hợp pháp, mời người đại diện giám hộ cho bị can không đúng quy định…Tuy nhiên, những biên bản lấy lời khai vi phạm tố tụng này vẫn được CQĐT coi là chứng cứ để đề nghị truy tố bị can.
Bà Lan bức xúc trước vi phạm của cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí

Bắt người 3 tháng không thông báo

Theo nội dung Kết luận điều tra (KLĐT) số 97/KLĐT ngày 16/6/2017 của Cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí: khoảng 17h ngày 19/1/2017 Công an phường Thanh Sơn nhận được tin báo, tố giác tội phạm tại đoạn đường cổng ký túc xá Trường Cao đẳng Than Khoáng sản Việt Nam, phân hiệu Hữu Nghị (tổ 2, khu 7, phường Thanh Sơn) có một nam thanh niên đang có hành vi cất giấu trái phép chất ma túy.

Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện Đỗ Văn Trung (trú tại tổ 8, khu 7, phường Thanh Sơn) đang ngồi trên xe mô tô BKS 14B1-388.46 có nhiều biểu hiện nghi vấn, nên đã tiếp cận để kiểm tra hành chính.

Khi phát hiện lực lượng công an, Trung dùng chân phải đá vào hốc trên cánh yếm xe mô tô làm rơi xuống đất một vỏ bao thuốc lá loại Vinataba màu vàng. Ngay lúc này tổ công tác kiểm tra vỏ bao thuốc lá phát hiện bên trong có hai túi nilon màu trắng (mỗi túi kích thước khoảng 1,5 x 1,5 cm) bên trong chứa chất tinh thể màu trắng, Trung khai là ma túy đá....

Kết luận giám định số 130, ngày 21/1/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh và Kết luận giám định số 2251, ngày 19/5/2017 của Viện Khoa học Hình sự Tổng cục Cảnh sát đều kết luận không tìm thấy chất ma túy trong tang vật Trung khai là ma túy đá.

Tuy nhiên, KLĐT vẫn xác định: Căn cứ vào tài liệu điều tra đã thu thập được và lời khai nhận tội ban đầu của bị can Đỗ Văn Trung, thấy đã có đủ cơ sở kết luận Trung phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Bà Lan cho biết, khoảng 21h ngày 19/1/2017 khi bà đang ở nhà thì công an TP Uông Bí đến khám xét nhà bà với lý do đã bắt Trung về hành vi liên quan đến ma túy nhưng không đưa Trung về cùng và cũng không thu giữ được gì liên quan đến ma túy. Trung bị bắt, tạm giữ, tạm giam nhưng sau hơn 3 tháng, gia đình không nhận được bất kỳ thông báo nào của Cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí, cũng như các quyết định khởi tố đối với Trung.

Ngoài ra, do Trung chưa thành niên nhưng gia đình không được Công an TP Uông Bí thông báo về việc giám hộ. Cho rằng đây là việc làm vi phạm tố tụng, bà Lan đã có đơn khiếu nại.

Thừa nhận vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra

Ngày 07/5/2017, Cơ quan CSĐT CA TP Uông Bí có Quyết định số 03/QĐ giải quyết khiếu nại của bà Lan, thừa nhận: trong quá trình điều tra vụ án, Phó Thủ trưởng và điều tra viên Cơ quan CSĐT đã vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra vụ án như: Không thông báo cho gia đình biết việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với Trung là vi phạm khoản 3 Điều 303 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS); ghi lời khai người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người bị tạm giữ là người chưa thành niên không có người đại diện hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều 306, BLTTHS; mời người đại diện giám hộ cho bị can không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 306 BLTTHS; không hỏi ý kiến người đại diện hợp pháp để cử người bào chữa cho bị can Trung theo Điều 305 BLTTHS.

“Mặc dù thừa nhận vi phạm nghiêm trọng thủ tục trong tố tụng hình sự, nhưng Cơ quan CSĐT vẫn sử dụng những lời khai của con tôi để buộc tội và truy tố. Biên bản hỏi cung ngày 05/07/2017 (có sự tham gia của vợ chồng tôi và người bào chữa), Trung đã liên tục khẳng định các lời khai trước đều bị điều tra viên đánh và ép cung”, bà Lan cho biết. 

Luật sư Lê Đình Việt và Nguyễn Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho Trung), cho biết: Vụ án có nhiều dấu hiệu thể hiện việc khởi tố không có căn cứ và liên tục xuất hiện các vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Việc thực hiện quyền của luật sư bào chữa bị cản trở tại VKSND TP Uông Bí. Những vi phạm này ảnh hưởng lớn tới việc xác định sự thật khách quan của vụ án, như: CQĐT đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong tố tụng hình sự khi không thông báo bắt, tạm giam Trung cho người đại diện hợp pháp; tiến hành lấy lời khai không có người đại diện; mời những người giám hộ cho bị can không đúng theo quy định và không hỏi ý kiến người đại diện để cử người bào chữa cho Trung (là người chưa thành niên). Do đó, tất cả những tài liệu có được từ hoạt động điều tra vi phạm tố tụng nghiêm trọng trên đây đều không có giá trị trong việc giải quyết vụ án.

Với 2 kết luận giám định mẫu vật thu giữ không phải chất ma túy, căn cứ Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP và Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an-VKSND tối cao-TANDTC-Bộ Tư pháp thì nếu bị truy tố, Trung cũng sẽ chỉ bị truy tố theo khoản 1, Điều 194, BLHS 1999 tức là thuộc khung tội phạm nghiêm trọng (mức cao nhất của tội phạm là 07 năm tù). 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 88 BLTTHS 2003 thì Trung không phải là đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay có căn cứ theo điểm b, khoản 1 Điều 88 BLTTHS 2003. Đồng thời căn cứ khoản 4, Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội (cụ thể là áp dụng khoản 1, Điều 419 BLTTHS 2015) thì thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Do đó, việc tạm giam Trung từ ngày 19/01/2017 đến nay đã hơn 6 tháng là vi phạm nghiêm trọng quy định Điều 419, BLTTHS 2015. 

Được biết, ngày 7/7/2017 VKSND TP Uông Bí đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Trung vẫn tiếp tục bị tạm giam để thực hiện điều tra bổ sung 52 ngày (theo Lệnh tạm giam số 85 ngày 11/07/2017). 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.

Đọc thêm