“Lời hứa” 18 năm trước
Thôn Trấm được thành lập từ năm 1975, người dân sinh sống chủ yếu bằng lâm nghiệp. Theo người dân, năm 2002, dân nơi đây được BQL dự án trồng rừng 661 Tây Triệu Phong ký hợp đồng trồng 80 ha rừng tại khoảnh 08 và khoảnh 09 thuộc tiểu khu 831, với tổng giá trị 84 triệu đồng. Sau đó, BQL đã nghiệm thu và thanh toán số tiền này cho các hộ gia đình.
Một năm sau, BQL tiếp tục ký hợp đồng cho người dân nơi đây chăm sóc rừng, có 31 hộ dân tham gia. Tiền công cũng đã được thanh toán hết.
Đến năm 2006, thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh theo Quyết định số 29 của Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định thành lập BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn với tổng diện tích giao quản lý 8.409 ha, trong đó có 80 ha rừng tại tiểu khu 831 mà dân thôn Trấm trồng. Sau đó, BQL Dự án 661 Tây Triệu Phong đã chuyển toàn bộ diện tích rừng trồng nói trên chuyển giao thành rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn quản lý.
Ông Võ Kha (66 tuổi), đại diện nhóm hộ trồng rừng trước đây cho biết: “Năm 2002, khi chúng tôi tham gia trồng rừng còn sót rất nhiều bom đạn sau chiến tranh, đặc biệt là bom bi, nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì cuộc sống mưu sinh cũng như biết được tác dụng của rừng nên chúng tôi vẫn hăng hái tham gia trồng thông nhựa, keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen. Ai nấy đều bới lương thực đến khi nào hết thì về, có hôm nửa tháng mới quay lại nhà. Sốt rét thì triền miên. Thời gian đó, tiền công lao động để trồng và chăm sóc rừng chúng tôi được trả rất thấp nhưng BQL rừng 661 Tây Triệu Phong hứa rằng sau này, khi rừng được khai thác chúng tôi sẽ “có phần”.
Nhớ đến “lời hứa” đó nên lúc 9h ngày 5/4/2018, khoảng 50 người dân ở thôn Trấm đã di chuyển bằng thuyền máy đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 831 (trước đây do dân trồng) để phản đối, yêu cầu ba nhóm người dừng khai thác.
Tại hiện trường, người dân ghi nhận có nhiều diện tích rừng phòng hộ đã được khai thác, nhiều cây gỗ to bị đốn hạ, một lượng lớn gỗ rừng trồng đã được vận chuyển, để lại vỏ cây đã được bóc tách. Hơn 2 km đường khai thác đã được máy móc cơ giới san ủi, trong đó có nhiều đoạn đường băng qua rừng trồng của người dân gây hư hại cây trồng.
Được biết, thôn Trấm được thành lập từ năm 1975, người dân sinh sống chủ yếu bằng lâm nghiệp.
Khu rừng trước đây người dân thôn Trấm trồng và chăm sóc. |
Ông Võ Thọ bức xúc: “Rừng do người dân trồng, chăm sóc thế mà việc khai thác người dân không được biết, các quyền lợi liên quan của người dân không được đảm bảo. Vì thế chúng tôi mới lên đây để phản đối. Hơn nữa, khu vực này là rừng phòng hộ, ai cho phép được khai thác? Nếu khai thác là vi phạm pháp luật. “Họ” còn tự ý ủi đường, làm gãy cây trên đất rừng mà dân chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nữa”.
Theo ông Võ Hồng Phong (Trưởng thôn Trấm), trước kiến nghị của người dân, đoàn cán bộ gồm đại diện các cơ quan chức năng liên quan đã có 3 buổi đối thoại nhưng người dân không đồng tình, vẫn cho rằng việc khai thác rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật, quá trình khai thác đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân...
Ông Phong cho rằng BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn khai thác là “đúng quy trình”, người dân đòi quyền lợi như trên là “không đúng”. Thôn ông có 118 hộ thì đã có hơn một nửa phản đối, đại diện thôn phải thường xuyên giải thích cho dân hiểu. Hiện khu rừng trên đã khai thác 7ha nhưng phải tạm dừng.
Ban quản lý rừng nói gì?
Để làm rõ vấn đề, PLVN đã có buổi làm việc với ông Trần Xuân Dưỡng (Giám đốc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn).
Ông Dưỡng cho rằng những người đang khai thác rừng tại tiểu khu 831 đã được sự cho phép của BQL. Ban quản lý xin thanh lý vì khu vực này rừng rất nghèo, hàng năm các loại cây trồng bị hư hại do trâu bò phá hoại, mưa bão làm gãy đổ, sinh trưởng kém. Toàn bộ diện tích 72,9 ha kể trên không có khả năng phát triển thành rừng, không phát huy chức năng phòng hộ của rừng, chính vì vậy phải thanh lý để tiến hành trồng lại rừng nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phòng hộ đầu nguồn sông Thạch Hãn.
Theo ông Dưỡng, kiến nghị đó đã được nhiều hội đồng đánh giá thực trạng, kiểm tra hiện trường nên ngày 6/12/2017, UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 3378/QĐ-UBND cho phép BQL thanh lý có tận thu 72,9 ha trong tổng số 80 ha tại tiểu khu 831.
Ngày 14/12/2017, Sở NN & PTNT đã ban hành Quyết định số 580/QĐ-SNN về việc cấp phép khai thác thanh lý có tận thu rừng kém chất lượng của BQL.
Theo quan sát thì rừng này vẫn còn nhiều cây gỗ lớn. |
Giải thích việc không thông báo cho người dân, ông Dưỡng cho hay: Theo quy định, việc khai thác rừng đối với rừng của tổ chức chỉ báo với Hạt kiểm lâm địa phương hoặc Chi cục Kiểm lâm nếu nơi đây không có Hạt kiểm lâm, và việc không thông báo với người dân không có gì sai. Dân trồng và chăm sóc rừng xong đều đã nhận đầy đủ tiền và thanh lý hợp đồng. “Còn cán bộ Ban QLDA 661 Tây Triệu Phong có hứa với dân khi thu hoạch sẽ được hưởng phần nào đó hoàn toàn không có trong hợp đồng, đó chỉ là hứa suông không có tính pháp lý”.
Trước phản ánh của người dân cho rằng đơn vị khai thác là Công ty TNHH MTV Toàn Thịnh đã tự ý ủi đường, làm gãy cây trên đất của dân, ông Dương giải thích: Trước đây công ty này định vận chuyển gỗ bằng đường sông nhưng gặp nhiều khó khăn nên phải chuyển gỗ bằng đường bộ. Trong ngày 10/3/2018, công ty gặp dân bồi thường 35,7 triệu đồng. Sau đó công ty tiếp tục làm gãy cây khi vận chuyển nên tiếp tục bồi thường thêm hai đợt nữa, dân cũng đã nhận tiền. Ông Dưỡng nói lý do chọn công ty Toàn Thịnh vì Công ty đóng trên địa bàn, có kinh nghiệm, uy tín trong việc khai thác, tỉa cây trong rừng.
Việc chọn Công ty Toàn Thịnh có qua đấu thầu không? Ông Dưỡng trả lời: “Việc lựa chọn đơn vị khai thác chúng tôi chọn và chịu trách nhiệm, không phải qua đấu thầu. Vì theo Thông tư 21 của Bộ NNPT&NT ngày 28/6/2006 quy định về khai thác và tận dụng, tận thu lâm sản, tại điểm 3, điều 12, Chương III quy định chủ rừng tự khai thác, tận thu gỗ, lâm sản ngoài gỗ”.
Theo Báo cáo số 33/BC-BQL của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn thì 72,9 ha rừng trên có số cây tận thu 12.361 (keo lá tràm, keo tai tượng) và tận dụng 910,59 m3 (gỗ: 749,9m3, củi: 160,69m3) thanh lý với giá 432.086.330 đồng, như vậy trung bình mỗi héc ta có giá khoảng 6 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng mức giá này “quá rẻ” vì thực tế 1 cây tràm to bán đã được 1 triệu đồng. Không lẽ 1 ha chỉ có được 6 cây to như vậy? Cùng với việc nêu thắc mắc của người dân, PV đưa một số hình ảnh ghi nhận ở rừng có nhiều gốc cây đường kính 40cm.
Ông Dưỡng nói: giá thanh lý trên đã được một hội đồng kiểm định, có đo ô mẫu điển hình, gồm các cơ quan chức năng thẩm định nên tương đối hợp lý. Trong 72,9 ha nói trên chỉ có 34,3 ha có rừng. Rừng lại phân bố theo đám, không đồng đều, cây phụ trợ đã lớn tuổi nên cụt ngọn, rỗng ruột, nhiều cây chết khô.
Vị Giám đốc này cho biết thêm, sau khi rừng được tận thu thì BQL sẽ trồng lại rừng mới, nếu người dân ở thôn Trấm có nhu cầu, đảm bảo được năng lực, có đơn được UBND xã Triệu Thượng xác nhận thì sẽ ưu tiên ký kết để người dân có thêm công ăn, việc làm.
Báo cáo số 129 ngày 22/5/2018 của Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Trị về việc xử lý đơn kiến nghị của nhóm hộ dân thôn Trấm có đề nghị UBND huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Thượng: “Cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân về chính sách bảo vệ, phát triển rừng nhằm tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại không đúng quy định gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng xử lý những trường hợp cố tình cản trở công tác khai thác tận thu diện tích rừng nói trên của BQL để đơn vị tiếp tục công việc được giao đúng tiến độ nhằm kịp thời trồng lại rừng trong năm 2018”.