Sau khi để xảy ra nhiều vụ khai thác rừng trái phép nghiêm trọng thay vì báo cáo, tìm hướng khắc phục, xử lý, Ban quản lý Vườn lại lập biên bản tuần tra “khống” để trốn tránh, giảm trách nhiệm.
Rừng vẫn “chảy máu”
Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể đã được công nhận là khu di sản của ASEAN vào năm 2003, đây được cho là “bất khả xâm phạm” đối với “lâm tặc”. Thế nhưng, những năm gần đây tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép diễn ra thường xuyên, diễn biến rất phức tạp. Từ năm 2011 đến nay có khoảng 60 vụ chặt phá rừng trái phép tại VQG Ba Bể, số lượng gỗ bị khai thác ước tính khoảng trên 500m khối. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017 số lượng gỗ nghiến bị chặt phá trái phép tại VQG Ba Bể đã lên tới hơn 100m3.
Theo phản ánh của những người dân nơi đây, “lâm tặc” thường hoạt động vào ban đêm, dùng cưa lốc để hạ nghiến chỉ sau 15 đến 30 phút những cây nghiến có đường kính tầm 60cm đến 1m đã bị hạ gục. Khi nghe thấy tiếng cưa, đội quản lý bảo vệ rừng lên thì “lâm tặc” đã biến mất chỉ còn lại những cây nghiến đổ gục ngổn ngang. Theo quy định, những cây gỗ bị “lâm tặc” chặt hạ đều phải để lại tại vị trí bị chặt, kiểm lâm viên lập biên bản và đánh dấu. “Lâm tặc” đã lợi dụng việc này, cho nên chúng chỉ cưa đổ cây và để đó, sau một thời gian, tận dụng cơ hội, khi vắng mặt kiểm lâm chúng sẽ đến chuyển gỗ đi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những cây nghiến được “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi rừng chủ yếu đi qua thôn Cốc Tổng hoặc Quảng Khê ra xã Đồng Phúc của Ba Bể rồi xuống Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; hoặc đi từ các bản Quán, Lâm, Phiêng Cà xã Nam Cường đến Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn.
Lập biên bản khống nhằm trốn tránh trách nhiệm
Tình trạng rừng cấm bị lâm tặc tàn phá đang diễn ra phổ biến và đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều cây nghiến hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc với khối lượng hàng trăm m3, đã gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương, thế nhưng khi có sự phản ánh của báo chí và người dân thì VQG Ba Bể mới biết và lại lập biên bản khống nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Theo đó, ngày 21/3/2017, ông Đồng Mạnh Thắng - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai sau khi cùng đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Vùng I và Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn kiểm tra phát hiện 3 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép tại khu vực Ao Tiên đã xin về Phân trạm Kiểm lâm Pác Slai.
Sau đó ông Đồng Minh Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai, ông Thắng chỉ đạo ông Nông Văn Đức lập biên bản tuần tra rừng (nội dung biên bản ghi: 03 cây gỗ nghiến bị chặt hạ tại Ao Tiên đã được tổ quản lý bảo vệ rừng phát hiện và lập biên bản vào ngày 20/3/2016) nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Qua tìm hiểu, ông Thắng có tường trình và khai nhận ngày 21/3/2017, đã chỉ đạo ông Nông Văn Đức lập tờ biên bản tuần tra ghi ngày 20/3/2016 là tờ biên bản khống với mục đích để đối phó bao biện nhằm giảm nhẹ trách nhiệm khi tập thể, cán bộ Trạm thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến mà không phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trong công văn Sở NN&PTNT trả lời vấn đề chí phản ánh liên quan tình trạng phá rừng ở VQG Ba Bể Sở cũng đã khẳng định “Về nội dung lập biên bản khống (03 cây gỗ Nghiến, nhóm IIA, khối lượng 20,252m3 bị chặt hạ tại khu vực Ao Tiên, xã Nam Mẫu) theo Báo Thanh tra đưa tin ngày 16/5/2017 và ngày 30/5/2017: Ông Đồng Minh Thắng (Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai) đã chỉ đạo Kiểm lâm viên Nông Văn Đức lập biên bản tuần tra, bảo vệ rừng khống ghi ngày 20/3/2016 để báo cáo sai sự thật nhằm chống chế, đối phó với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, lãnh đạo VQG Ba Bể. Nội dung này, VQG Ba Bể đã tổ chức kiểm điểm và kỷ luật đối với ông Đức”.
Kiểm lâm viên bị kỷ luật vì cung cấp thông tin cho báo chí?
Ngày 18/5/2017, VQG Ba Bể đã có Quyết định số 92 về việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức kiểm lâm Nông Văn Đức vì lý do: ông Đức vô trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, để địa bàn được giao quản lý xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thời gian để xảy ra vi phạm kéo dài từ năm 2016 đến tháng 3/2017 mà không phát hiện; lập biên bản tuần tra, bảo vệ rừng khống để báo cáo nhằm bao biện trốn tránh trách nhiệm của bản thân. Tuy nhiên, dư luận cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến ông Đức bị kỷ luật là do ông này “cung cấp thông tin cho báo chí không đúng thẩm quyền, phát ngôn sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ quan, đơn vị”.
Việc ông Đức cung cấp thông tin cho báo chí là hoàn toàn đúng, những thông tin ông Đức cung cấp đã giúp cho dư luận thấy rõ thực trạng quản lý rừng yếu kém tại VQG Ba Bể khi liên tiếp để các vụ chặt hạ gỗ nghiến quý hiếm diễn ra mà chưa có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, triệt để. Việc xử lý ông Đức cho thấy có dấu hiệu trù dập cán bộ khi sự việc bị phơi bày những sai phạm tại VQG Ba Bể. Vì việc lập biên bản khống của ông Đức là do ông Đồng Mạnh Thắng, Trạm trưởng chỉ đạo phải lập nhưng khi xử lý thì ông Đức lại phải nhận hình thức kỷ luật nặng nhất.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Văn Quang, Quyền Giám đốc VQG Ba Bể cho biết: “Liên quan đến việc ông Đồng Mạnh Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai chỉ đạo ông Đức tuần tra kiểm soát rừng không hoàn thành, thứ hai chỉ đạo ông Đức lập biên bản khống nhằm trốn tránh trách nhiệm, VQG đã đưa ra hình thức kỷ luật ở mức cảnh cáo và giữ nguyên chức vụ chuyển đi trạm khác”.
Ông Đồng Mạnh Thắng là người chỉ đạo ông Đức lập biên bản khống khiến sau việc này ông Đức bị kỷ luật buộc cho thôi việc, còn ông Thắng chỉ bị kỷ luật ở mức cảnh cáo và giữ nguyên chức vụ chuyển đi trạm khác. Khi PV hỏi về việc kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đức có quá nặng và đã đúng quy định của pháp luật hay chưa thì ông Quang cho biết rằng quyết định kỷ luật là đúng pháp luật, hiện nay VQG đang chờ ý kiến từ tỉnh về việc này.
Từ thực tế khách quan ở VQG Ba Bể thấy rằng, việc liên tiếp để mất rừng trong nhiều năm thể hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng của VQG Ba Bể phải chăng còn yếu kém, cũng như công tác xử lý vi phạm, kỷ luật cán bộ của VQG Ba Bể chưa thực sự phù hợp quy định, có dấu hiệu bao che, trù dập ?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.