Tự ý gộp đất của con vào của mẹ?
Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh (SN 1959, trú tại thôn Mao Trung, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) về việc gia đình bà bị chính quyền xã thu hồi đất nhưng không có bất cứ bồi thường nào; đồng thời, còn bị chính anh em ruột và hàng xóm phá hoại tài sản.
Cụ thể, theo đơn, năm 1998, bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 1348m2 bám mặt đường Quốc lộ 18 tại khu vực thôn Mao Lại, xã Phượng Mao (nay thuộc khu II, TT. Phố Mới). Mảnh đất này nằm cạnh thửa ruộng có diện tích 1248 m2 của mẹ bà là Trần Thị Thanh.
Tuy nhiên, sau đó, bà Minh bị mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được cấp lại dù đã nhiều lần làm đơn.
Điều đáng nói, khoảng 416m2 đất thuộc quyền sử dụng của bà Minh bị thu hồi để giao đất ở cho dân năm 2004 theo kế hoạch của xã Phượng Mao nhưng không được đền bù. Khi thu hồi, chính quyền xã Phượng Mao đã tự gộp diện tích đất của bà Minh vào phần đất bị thu hồi của bà Thanh.
Bức xúc trước việc làm của chính quyền địa phương, bà Minh đã nhiều lần làm đơn tới UBND xã Phượng Mao và các cơ quan chức năng nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng.
Bên cạnh đó, bà Minh không đồng ý kí vào biên bản họp gia đình lập vào ngày 16/05/2010 về việc phân chia tài sản của bố mẹ bà là ông Nguyễn Đình Thư và bà Nguyễn Thị Thanh (cùng trú tại xã Phượng Mao). Nhưng anh trai ruột của bà là ông Nguyễn Đình Chiến (xã Phượng Mao, TT. Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) làm giả chữ ký để hợp thức hóa văn bản?
|
Diện tích đất nông nghiệp và đất ở của gia đình bà Minh được thể hiện trong Sổ mục kê ngày 20/1/1986. |
Đây là biên bản đồng ý việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở của các anh em trong gia đình bà Minh trên mảnh đất của mẹ bà. Trong đó nêu, “Diện tích đất canh tác được được Thị trấn Phố Mới (trước đây thuộc xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) chuyển đổi thành đất ở được chia thành 13 suất (mỗi xuất có diện tích 4 x 20 = 80m2) đã trả cho địa phương 5 suất, còn lại 8 suất”. 8 suất này lần lượt được phân chia cho các con và cháu trong gia đình bà Nguyễn Thị Minh, trong đó bà Minh được 1 suất.
Đất dôi dư là của ai?
Đáng nói, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00375 mang tên Nguyễn Thị Thanh (mẹ bà Minh) được quyền sử dụng 1248m2. Nhưng trong “Tờ trình về việc xin phê duyệt phương án đền bù đất xin giao đất ở cho nhân dân xã Phượng Mao năm 2004” số 37/TT – PABT của UBND xã Phương Mao ngày 16 tháng 5 năm 2004 lại thu hồi tới 1664m2.
Câu hỏi đặt ra là, vậy 416 m2 nằm ngoài quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Thanh là của ai mà chính quyền xã Phượng Mao nhắm mắt thu hồi? Trong khi bà Minh khẳng định đây là phần diện tích thuộc quyền sử dụng của gia đình nhà bà.
Cụ thể, theo bà Minh, diện tích đất này gia đình bà đã sử dụng lâu dài từ năm 1994. “Năm 1994 -1995 ruộng nhà tôi ngập nước triền miên tôi làm đơn xuống xã làm đơn chuyển đổi sang mô hình VAC. Sau đó, tôi đổ đất, làm nhà, trồng cây. Sinh sống từ 1994 đến giờ”.
Trao về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Vẻ - Cán bộ địa chính xã Phượng Mao thông tin, về diện tích đất theo phản ánh của bà Minh, hồ sơ này thu hồi từ thời điểm 2004, diện tích đất này là bà Thanh (mẹ của bà Minh).
“Tới thời điểm tôi công tác thì khu này đã được giao đất và hiện tại các hộ đã xây dựng mới. Nhà bà Minh cũng đã làm nhà và cho thuê. Phần tiền đền bù sẽ đền bù cho bà mẹ đúng theo diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1080m, đúng theo bìa đỏ (!?)”.
Ông Vẻ cũng khẳng định, theo tài liệu mà UBND xã đang quản lý thì không có diện tích đất canh tác riêng của bà Minh mà chỉ có của mẹ bà Minh.
|
Tờ trình về việc xin phê duyệt phương án đền bù đất xin giao đất ở cho nhân dân xã Phượng Mao năm 2004 |
“Các vấn đề đất đai của bà Minh đã có đơn gửi cho xã, chính quyền xã đã tiếp nhận và trả lời bà Minh không phải một lần mà nhiều lần. Bên tư pháp đã giải quyết và trả lời là bà Minh không có đất và ruộng nhưng bà ấy lại đi đòi quyền lợi của mình là không có. Phần diện tích đất này là của mẹ bà Minh, đã được thu hồi và chia cho các con, trong đó có cả phần của bà Minh”, ông Vẻ khẳng định.
Thế nhưng theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, trong Sổ mục kê của chính quyền xã Phượng Mao ngày 20/1/1986 ghi rõ, bà Minh có 1438m2 đất nông nghiệp và đất ở.
Mặt khác, trong “Hồ sơ xin giao đất ở cho nhân dân theo quy hoạch” của UBND xã Phượng Mao cung cấp cho PV, không có quyết định của UBND huyện Quế Võ về việc đồng ý cho thu hồi đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất ở giao cho các hộ dân tại xã Phượng Mao năm 2004.
Giải thích cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vẻ nói rằng: “Tại hồ sơ khu đất này thiếu quyết định thu hồi đất của huyện năm 2004. Nếu thiếu tài liệu thì các em phải đi hỏi cấp trên. Việc giải thích của tôi theo hồ sơ chúng tôi có về vụ việc nhà bà Minh là rất thỏa đáng rồi. Việc gia đình bà Minh đồng ý hay không đồng ý và còn kiến nghị, đấy là quyền của công dân vì bà Minh không có giấy tờ gì chứng minh”.
Hơn 30 triệu đồng và 4 cây vàng “không cánh mà bay”?
Từ những giải thích, xử lý không thỏa đáng về đất đai, 6 anh em ruột gia đình bà Minh đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát, rạn nứt tình cảm.
Theo bà Minh, sau khi 5 suất đất trả về xã được giao bán cho các hộ gia đình khác. Vào ngày mùng 1 tháng 3 năm 2012 (Âm lịch) anh trai ruột của bà là ông Nguyễn Đình Chiến cùng 5 gia đình mua đất đã thuê máy múc đến phá nhà của bà Minh trên phần diện tích 416m2 của gia đình bà mà không hề báo trước.
“Khi tôi ra thì thấy máy múc ầm ầm, tôi tưởng họ làm gì nhưng sau đó tôi thấy anh tôi cùng nhiều người kéo đến bảo phá nhà tôi. Thấy thế tôi liền cầm dao ra thì hai ông công an xã giằng giằng con dao của tôi. Anh trai tôi thì kêu người ta dùng máy múc phá nhà của tôi. Họ không cho tôi kịp lấy gì, mặc tôi gào thét anh Trung công an xã và một người nữa cứ kéo tôi ra”.
Theo bà Minh, sự việc xảy ra dưới sự chứng kiến của rất nhiều người dân. Khi đó thiệt hại của gia đình bà là 7 căn nhà cấp 4, ti-vi, đồ dùng gia đình, hoa màu.... nhưng sau khi phá dỡ xong gia đình bà không hề được đền bù.
Không đồng tình trước việc UBND xã Phượng Mao “ngang nhiên” thu hồi đất của mình mà không bồi thường, bà Nguyễn Thị Minh sau đó tiếp tục xây lán, nhà tạm trên phần diện tích được giao làm đất ở cho 5 hộ gia đình khác.
“Tháng 5/2013, người ta cưỡng chế tôi lần 2, 5-6 người công an xã cầm dùi cui, còng số 8 ra dọa tôi. Sau tôi hãi không dám làm gì. Họ bảo tôi là 5 suất này anh tôi biếu công an xã. Xong họ dỡ hết nhà của tôi, chuồng gà, chuồng lợn....
|
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị Thanh (mẹ ruột bà Nguyễn Thị Minh) |
Họ không đền bù tôi tí gì cả. Họ cũng không thông báo, đọc lệnh gì”, bà Minh kinh hãi kể lại. Theo bà Minh trong vòng 2 năm từ 2012 – 2013, chính quyền xã đã 4 lần phá dỡ lán trại.... của gia đình bà Minh khi bà xây dựng trên đất của mình.
Trong đó, thiệt hại nặng nhất trong 6 lần bị phá hoại tài sản của gia đình bà là vào ngày 15/7/2014. Trước đó, bà Minh đang xây dựng nhà trên phần đất có diện tích khoảng 70m2 - phần đất thừa nằm cạnh 5 suất đất được bán cho người ngoài.
Nhưng tới lúc này, bà Nguyễn Thị Ngũ (thôn Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) – người mua 1 trong 5 suất đất nhà ở của xã Phượng Mao lại cho rằng phần đất bà Minh đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của bà.
Theo bà Minh, trước đó bà Nguyễn Thị Ngũ có sang thỏa thuận sẽ bồi thường 5 triệu đồng cho phần diện tích bà Minh đang ở nhưng bà không đồng ý.
“Một hôm tôi thấy cô Ngũ sang nói chuyện với tôi, bà Minh ơi cháu làm sổ đỏ được rồi, cái ruộng ở bên cạnh nhà bà này thì ruộng nhà cháu méo. Xã bảo cháu sang thỏa thuận với bà, đền bù cho bà, hai nhà thỏa thuận cho nó cân, nó đẹp thì cháu đền bà 5 triệu. Tôi bảo tôi không đồng ý đâu. Vậy là cô Ngũ bảo “Giờ người ta bảo cháu vậy, bà không đồng ý thì cháu cứ phá đấy”. Thế rồi sau đó người ta phá nhà tôi thật”, bà Minh kể lại.
Tiếp đó, ngày 15/7/2014 bà Minh nhận được giấy thông báo của UBND xã Phượng Mao nói rằng, gia đình bà đang xây nhà trên đất nhà bà Ngũ và yêu cầu tháo dỡ. Không đồng ý, bà Minh đã lên UBND huyện Quế Võ kiến nghị nhưng khi trở về bà đã thấy nhà của của mình đang bị gia đình bà Nguyễn Thị Ngũ phá dỡ.
Buổi phá dỡ hôm đó có sự tham gia của ông Nguyễn Nhân Dị - Trưởng công an xã Phượng Mao, Nguyễn Văn Đồi – phó trưởng công an xã và Nguyễn Đăng Hùng – Công an viên.
Theo bà Minh, tại thời điểm bị phá nhà tài sản bị mất của bà gồm 32,5 triệu đồng tiền mặt và 4 cây vàng cùng nhiều đồ dùng gia đình. Nhưng trong biên bản thống kê tài sản được lập vào ngày 15/7/2014 không hề có số tiền đó.
“Khi tôi chạy về thì thấy tủ tiền, quần áo, giường chiếu của tôi vứt đầy lề đường. Sau đó tôi thò tay vào không thấy tiền vàng đâu, tôi mới hỏi là tiền của tôi ở đâu hết rồi. Lúc đấy tôi thấy anh Đồi, anh Dị, 2 vợ chồng cô Ngũ và 2 con trai cô Ngũ đang thì thầm gì đó nhưng khi tôi hỏi không ai nói gì”, bà Minh nhớ lại.
Theo bà Minh, sau đó bà có 2 lần xuống UBND xã Phượng Mao, làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Nhân Dị về số tài sản bị mất và thiệt hại nhưng người này đều phủ nhận việc số tiền hơn 32 triệu đồng cùng 4 cây vàng của bà Minh. Đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều năm kiến nghị của gia đình bà Minh vẫn chưa được đền bù, giải thích một cách thỏa đáng.
Trong văn bản kiểm kê được lập vào ngày 15/7/2014 do công an xã Phượng Mao lập ra, chỉ có sự xuất hiện của số tiền mặt 2.145.000 đồng và không có số vàng nào khác. Điều đáng nói, trong cả 2 văn bản “Bảng thống kê tài sản” và “Biên bản làm chứng” được lập vào ngày 15/7/2014 đều không có chữ ký của bà Nguyễn Thị Minh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nhân Dị - Trưởng công an xã Phượng Mao cho biết, lúc bấy giờ bà Minh đang đòi lại ruộng canh tác nhưng lại không có bìa đỏ. Khi đó gia đình nhà bà Nguyễn Thị Ngũ tháo dỡ một, hai mét vuông diện tích nhà bà Minh lấn chiếm.
“Người ta đã yêu cầu tháo dỡ nhiều lần nhưng bà Minh cố tình không làm. Lúc đó, công an viên có lên để giúp đỡ, tránh trường hợp xảy ra sự cố đánh nhau. Có anh Đồi là phó công an ở đó, còn tôi chỉ lên một lúc xong lại về. Khi đó, gia đình bà Ngũ tự tháo dỡ tài sản của bà Minh, có sự chứng kiến của công an xã.
Trong biên bản kiểm kê tài sản, tôi có chữ ký ở biên bản là người làm chứng. Những việc kiểm kê tài sản là anh Đồi trực tiếp làm. Trong quá trình tháo dỡ, chúng tôi cũng không xác nhận là mất của, mất vàng của bà Minh. Trong biên bản có 2.5 triệu tiền mặt gia đình nhà cô Ngũ kia cầm”, ông Dị cho biết.
Việc chính quyền UBND xã Phượng Mao khi thấy người dân xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp mà không hề can ngăn, không những thế còn “tiếp tay” cho việc phá hoại tài sản của công dân liệu có đúng pháp luật? Có quy định nào của pháp luật cho phép làm như vậy không? Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục vào cuộc làm rõ.