Brazil: 9 bộ trưởng, 71 nghị sĩ “dính líu” tham nhũng

(PLO) - Ngày 12/4, Tòa án Tối cao Brazil đã mở cuộc điều tra cựu Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro Eduardo Paes với cáo buộc nhận hàng triệu USD tiền hối lộ trong các hợp đồng liên quan đến các dự án phục vụ Thế vận hội Olympics 2016 tại quốc gia Nam Mỹ này. 
Tòa án Tối cao Brazil
Tòa án Tối cao Brazil

Theo cơ quan tư pháp Brazil, ông Paes bị một cựu quan chức Tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht tố cáo nhận số tiền hối lộ 4,8 triệu USD vào năm 2012 để đổi lấy các hợp đồng liên quan đến những công trình phục vụ Thế vận hội Olympics năm ngoái tại Brazil. 

“Mua” hợp đồng

Về phần mình, người phát ngôn của cựu Thị trưởng Rio de Janeiro cho rằng cáo buộc trên là “vô lý” và khẳng định ông Paes chưa bao giờ nhận tiền hối lộ từ các công trình công cộng trong suốt nhiệm kỳ ông này làm thị trưởng. 

Cuối năm ngoái, cơ quan tư pháp Brazil cũng đã đóng băng tài sản của ông Paes bởi tình nghi ông này đã miễn thuế môi trường bất hợp pháp  cho một dự án xây dựng sân golf. Tuy nhiên, ông Paes đã phủ nhận cáo buộc này. 

Trước đó, ngày 11/4,  tờ O Estado de Sao Paulo cũng đưa tin, Tòa án Tối cao Brazil đã cho phép tiến hành điều tra 9 bộ trưởng trong thành phần nội các của Tổng thống Michel Temer và 71 nghị sĩ vì tình nghi có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. 

Theo tờ báo này, cơ quan tư pháp Brazil cũng ra lệnh điều tra 3 thống đốc bang, một thẩm phán và 24 chính trị gia khác. Trong số các nghị sĩ có 29 thành viên Thượng viện và 42 thành viên Hạ viện. Thẩm phán Edson Fachin, một trong 11 thành viên Tòa án Tối cao đã đưa ra quyết định nói trên dựa trên lời khai của 77 cựu lãnh đạo tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht, một trong những công ty có liên quan tới đường dây nhận và đưa hối lộ trong vụ Petrobras. 

Các bộ trưởng bị điều tra bao gồm Chánh Văn phòng Nội các Eliseu Padilha, Tổng Thư ký Wellington Moreira Franco, Bộ trưởng Khoa học-Kỹ thuật Gilberto Kassab, Bộ trưởng Hội nhập quốc gia Helder Barbalho, Ngoại trưởng Aloysio Nunes, Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi, Bộ trưởng các thành phố Bruno Araújo, Bộ trưởng Văn hóa Roberto Freire và Bộ trưởng Công nghiệp. Riêng các Bộ trưởng Padilha và Kassab bị tình nghi liên quan tới 2 vụ nhận hối lộ khác nhau. 

Trong số các nghị sĩ đáng chú ý có Chủ tịch Hạ viện Rodrigo Maia, người của Đảng Dân chủ (DEM), trong liên minh cầm quyền của chính phủ, Chủ tịch Thượng viện Eunício Oliveira, người của Đảng Phong trào dân chủ (PMDB) của Tổng thống Temer. Thống đốc các bang Río Grande do Norte, Acre và Alagoas nằm trong diện bị điều tra. 

Thượng nghị sĩ Aécio Neves, Chủ tịch Đảng xã hội dân chủ Brazil (PSDB) và là ứng cử viên về thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 và Thượng nghị sĩ Romero Jucá, Chủ tịch PMDB là hai chính trị gia bị cáo buộc liên quan tới 5 vụ nhận hối lộ khác nhau, nhiều nhất trong vụ bê bối này. Tiếp đến là cựu Chủ tịch thượng viện Renan Calheiros, thuộc PMDB với 4 cáo buộc. Tổng thống Temer cũng bị tố cáo có dính líu tới 2 vụ điều tra, tuy nhiên ông này đã được tách riêng bởi hiện đang được hưởng “quyền miễn trừ tạm thời” với tư cách là người đứng đầu nhà nước và sẽ chỉ bị điều tra nếu ông này phạm tội trong khi giữ chức Tổng thống. 

Quyết định của Thẩm phán Fachin không được công bố công khai, tuy nhiên tờ O Estado de Sao Paulo khẳng định đã tiếp cận với văn bản, được ký ngày 4/4. Trước đó ngày 14/3, Tổng chưởng lý Rodrigo Janot đã gửi yêu cầu tiến hành điều tra những người trên lên Tòa án Tối cao, dựa trên lời khai của các nhân chứng đã bị bắt và muốn hợp tác với cơ quan điều tra để được giảm tội.

Quay cuồng trong khủng hoảng

Trong bối cảnh, Brazil đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều năm qua và tình hình kinh tế không mấy khả quan, Tổng thống nước này, ông Michel Temer, cam kết chính phủ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động sau khi 9 bộ trưởng, các Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cùng nhiều đồng minh chính trị bị tiến hành điều tra cáo buộc nhận hối lộ trong vụ bê bối của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Ông khẳng định cơ quan lập pháp, cũng như chính phủ, không thể ngừng hoạt động. 

Liên quan đến những cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống Temer, Phủ Tổng thống Brazil ngày 12/4 đã ra thông cáo bác bỏ thông tin về việc nhà lãnh đạo nước này nhận hối lộ 40 triệu USD từ tập đoàn xây dựng Odebrecht. Thông cáo cho rằng đây là thông tin “hoàn toàn bịa đặt”. Nghi vấn  ông Temer nhận tham nhũng nổi lên sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht Marcio Faria khai rằng hồi năm 2010,  ông này đã trả 40 triệu USD cho ông Temer tại văn phòng của ông Sao Paulo. Đây là số tiền bất chính thu được từ một hợp đồng được ký kết giữa Petrobras và Odebrecht.

Cùng ngày, Tòa án Tối cao Brazil đã công khai đăng tải những thông tin liên quan tới vụ điều tra tham nhũng Tập đoàn xây dựng Odebrecht. Dựa vào lời khai của hàng chục cựu lãnh đạo tập đoàn xây dựng hàng đầu nước này, cơ quan tư pháp Brazil đã ra lệnh điều tra 108 chính trị gia hôm 11/4, khiến chính trường quốc gia Nam Mỹ này lại tiếp tục rung chuyển. Trong các thông tin được đăng công khai, cựu Tổng thống Lula da Silva, người vừa khẳng định sẵn sàng tham gia tái tranh cử tổng thống vào năm 2018, và cựu Tổng thống Dilma Rousseff, người bị phế truất trong một phiên tòa chính trị hồi giữa năm ngoái, cũng bị dính líu tới vụ bê bối. 

Theo lời khai của cựu Chủ tịch Odebrecht, doanh nhân Marcelo Odebrecht  - người bị kết án 19 năm tù giam từ năm ngoái, Tập đoàn này đã hối lộ ông Lula gần 13 triệu USD thông qua Bộ trưởng Kinh tế Antonio Palocci - người sau này trở thành Chánh Văn phòng Nội các dưới thời Tổng thống Rousseff. Các luật sư của ông Lula đã bác bỏ cáo buộc này, trong khi ông Palocci đang bị quản thúc để điều tra.