Brazil: Xã hội bất bình, chính trường bối rối...

(PLO) - Cho đến ngày 4/9, hàng trăm nghìn người tại nhiều thành phố lớn ở Brazil như Brasilia, Sao Paulo và Rio de Janeiro vẫn tiếp tục đổ ra đường biểu tình yêu cầu tân Tổng thống Michel Temer từ chức. Sau những chấn động trên chính trường, sự bất bình trong xã hội Brazil đang dâng lên cao...
Hàng nghìn người đã đổ về trung tâm thành phố Sao Paulo sau khi Thượng viện bỏ phiếu phế truất tổng thống
Hàng nghìn người đã đổ về trung tâm thành phố Sao Paulo sau khi Thượng viện bỏ phiếu phế truất tổng thống

Các cuộc biểu tình, do nhiều tổ chức xã hội phát động, trong đó có Mặt trận Nhân dân và Phong trào nông dân không có đất (MST), đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Brazil. Những người tham gia tuần hành chỉ trích ông Temer là “kẻ đảo chính” và sẽ không bao giờ chấp nhận chính phủ của ông này. 

Người dân bất bình

Đại diện MST cho biết có khoảng 100.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chính phủ mới và khẳng định sẽ bảo vệ tới cùng nền dân chủ ở Brazil. Tại Río de Janeiro, hàng chục nghìn người cũng đã tập trung tại bờ biển Copacabana yêu cầu ông Temer từ chức và hối thúc tổng tuyển cử sớm. 

Tại Sao Paulo, trung tâm tài chính Brazil, 50.000 người biểu tình cũng tập trung ở đại lộ Paulista, lớn nhất ở thành phố, phản đối việc ông Temer trở thành tổng thống sau khi Thượng viện bãi nhiệm bà Dilma Rousseff (Đin-ma Rút-xép) hôm 31/8 vừa qua.

Suốt 7 ngày qua, người biểu tình trong màu áo đỏ của đảng Lao động (PT), mà bà Rousseff là thành viên, vẫn bám trụ tại con phố này để phản đối chính phủ mới. Cảnh sát cho biết đã không có đụng độ lớn với người biểu tình như những ngày diễn ra phiên tòa xét xử bà Rousseff.

Kháng cáo

Ngày 1/9, cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao nước này, yêu cầu hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu luận tội bà tại Thượng viện, theo đó chính thức bãi nhiệm chức vụ Tổng thống của bà.

Theo đơn kháng cáo, do Luật sư Jose Eduardo Cardozo đệ trình, Tổng thống Rousseff yêu cầu tòa án “ngay lập tức chấm dứt hiệu lực của quyết định của Thượng viện”. Bà cũng yêu cầu “một phiên tòa mới”, trong đó Tổng thống vừa tuyên thệ nhậm chức Michel Temer sẽ quay trở lại chức Tổng thống lâm thời.

Trước đó cùng ngày, với 61 trong tổng số 81 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, Thượng viện Brazil đã bỏ phiếu phế truất bà Rousseff. Ông Temer đã chính thức nhậm chức Tổng thống và thay bà Rousseff điều hành đất nước tới hết năm 2018.

Bà Rousseff cho rằng việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà là một “cuộc đảo chính” và bà sẽ kháng cáo. Nhiều nước Mỹ Latinh cũng đã bày tỏ đoàn kết với bà Rousseff sau phiên bỏ phiếu của Thượng viện Brazil. Bà Rousseff đã bị Quốc hội đình chỉ chức vụ từ ngày 12/5 để Quốc hội tiến hành quá trình xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính.

Giới quan sát dự báo quyết định bãi nhiệm bà Rousseff sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở Brazil, đẩy nền kinh tế nước này càng chìm sâu vào khủng hoảng và bất ổn.

Nam Mỹ rung chuyển

Venezuela đã tuyên bố rút đại sứ khỏi thủ đô Brasilia và đóng băng các mối quan hệ với Brazil, phản ứng tức thì ngay sau khi Thượng viện Brazil chính thức bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Venezuela đã chỉ trích việc phế truất bà Rousseff, xem đây như là một “cuộc đảo chính tại quốc hội”. Bộ Ngoại giao Venezuela nêu rõ nước này “đã quyết định dứt khoát rút đại sứ của mình tại Cộng hòa Liên bang Brazil, và đóng băng các mối quan hệ chính trị, ngoại giao với chính phủ vốn được hình thành từ “cuộc đảo chính tại quốc hội”.

Nhiều nước Mỹ Latinh khác cũng đã bày tỏ đoàn kết với Tổng thống Brazil bị phế truất Rousseff. Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định sẽ rút đại biện lâm thời nước này ở Brasilia để phản đối quyết định của Thượng viện Brazil và bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bolivia đã tham vấn Đại sứ nước này tại Brazil và kêu gọi các nước Mỹ Latinh phản đối hành động “đảo chính mềm”, gây nguy hiểm cho nền dân chủ. Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố luôn sát cánh với bà Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva của đảng Lao động (PT) trong thời khắc khó khăn.

Tại Uruguay, nghị sĩ Daniel Caggiani, Phó Chủ tịch Nghị viện Khối thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur), thành viên đảng Mặt trận mở rộng cầm quyền, khẳng định nền dân chủ của Brazil đã bị hủy hoại. 

Về phần mình, Chính phủ Argentina ra thông cáo tuyên bố tôn trọng thể chế nước láng giềng và khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác với chính phủ của Tổng thống Michel Temer vì lợi ích chung và vì tiến trình hội nhập khu vực.

Trong khi đó, trên tài khoản Twitter, cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernández viết: “Một lần nữa, Nam Mỹ lại trở thành phòng thí nghiệm của phe cánh hữu cực đoan… Trái tim của chúng tôi luôn bên cạnh người dân Brazil, bà Dilma, ông Lula và các đồng chí của PT. 

Hiện chính quyền của Tổng thống Temer cũng được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm tới bởi nền kinh tế Brazil đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Trong năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10% và nợ công tương đương 65% GDP.

Ngân hàng trung ương Brazil mới đây dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 3,2% trong năm 2016. Bên cạnh đó, ông Temer cũng đứng trước nhiều nguy cơ chính trị bởi nhiều thành viên trong nội các đang trong diện điều tra vì tình nghi liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.