Các cặp vợ chồng trẻ ở nước ngoài bắt đầu cuộc sống chung như thế nào?

(PLO) -Nếu như tại Việt Nam và một số nước châu Á, mô hình “gia đình nhiều thế hệ” khá phổ biến thì tại các nước phương Tây, đời sống vợ chồng độc lập luôn là lựa chọn hàng đầu của các cặp vợ chồng trẻ.
Các cặp vợ chồng trẻ ở nước ngoài bắt đầu cuộc sống chung như thế nào?

Châu Á: Chuộng truyền thống nhiều thế hệ

Có mô hình gia đình khá tương đồng với Việt Nam là Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, có khá nhiều đại gia đình nhiều thế hệ chung sống cùng nhau. Cũng như ở Việt Nam, các đôi vợ chồng trẻ có hai cách lựa chọn mô hình gia đình, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện hay sở thích: Sống chung với cha mẹ, ông bà, làm thành gia đình lớn đông đúc hoặc ra riêng, xây đắp tổ ấm chỉ có hai người.

Nguyễn Thị Mỹ Hương, quê gốc Bến Tre, cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết. Cô lấy một người chồng Hàn hơn mình 6 tuổi, cùng về sống với gia đình chồng ở Thành phố Gumi. Hàng xóm với cô cũng có vài cô dâu Việt Nam sống chung với nhà chồng như thế.

Có những gia đình hiện đại, gia đình quá đông đúc hoặc những cặp vợ chồng người tỉnh lẻ từ các nơi đến đô thị gặp nhau, kết hôn, cha mẹ ở quê nhà thì ở riêng chỉ có đôi vợ chồng là chuyện đương nhiên.

Cô dâu tên Mỹ Hương chia sẻ, tất nhiên ở riêng luôn là mơ ước của nhiều cô dâu, vì có sự tự do, không bị áp lực bởi gia đình chồng. Nếu sống chung với gia đình chồng, thì trước hết sẽ học cách ăn nói, cư xử.

Người Hàn Quốc còn trọng lễ nghi truyền thống hơn cả Việt Nam, nên các cô dâu khá là vất vả khi học hết các nghi thức, như cách cúi chào, lời chào hỏi, hỏi han, cách mặc đồ truyền thống, cách nấu món ăn truyền thống… Tất nhiên, ở các thành phố lớn, đô thị hiện đại, thì gia đình truyền thống nhiều thế hệ không chiếm ưu thế bằng các gia đình đơn giản chỉ có vợ chồng, con cái.

Tại Trung Quốc, sống chung với cha mẹ là lựa chọn của rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới. Lý do là với chính sách “sinh một” của Trung Quốc, nhiều thế hệ chỉ có “độc đinh”. Vì thế, con sinh ra, lớn lên, lập gia đình, thì luôn lựa chọn sống chung với cha mẹ để giữ đạo hiếu, chăm sóc cha mẹ.

Không chỉ thế, với mô hình “cây một trái” truyền đời như thế, mỗi một đôi vợ chồng trẻ ngoài trách nhiệm chăm sóc cho cha mẹ còn có thêm trách nhiệm với ông bà. Một gia đình ba thế hệ khá phổ biến tại đất nước này.

Đó là một sự gắn kết, là trách nhiệm của con cái. Tuy nhiên, đó đồng thời cũng đặt lên vai các cặp vợ chồng trẻ những gánh nặng khá lớn. Đặc biệt, với người châu Á, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn là một mối quan hệ khá nhạy cảm và dễ nảy sinh những mâu thuẫn, vì thế, áp lực cho cô dâu mới luôn nhiều hơn, và điều này cũng ảnh hưởng không ít đến hạnh phúc của các đôi vợ chồng trẻ.

Tất nhiên, cùng là châu Á nhưng nhiều nước vẫn có sự khác biệt rất lớn trong cách xây dựng mô hình gia đình. Một số quốc gia như Ấn Độ thiên về đại gia đình gồm nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng một thế hệ sống chung với nhau. Các nước phát triển và ảnh hưởng văn hóa phương Tây như Singapore, Hồng Kông, những đôi vợ chồng trẻ đều lựa chọn lối sống hiện đại của phương Tây.

Phương Tây: Tính độc lập đặt lên hàng đầu 

Ở  các nước Âu Mỹ và nhiều nước phát triển, đại đa số các cặp vợ chồng trẻ “ra riêng” khi lập gia đình. Thực ra, ở các nước này, ngay từ ở tuổi trưởng thành, con cái đã tách ra sống tự lập, thế nên việc vợ chồng sống riêng sau khi lập gia đình là chuyện đương nhiên.

Nếu như ở Việt Nam ra nhiều nước châu Á tương tự, dù sống riêng hay chung, con cái vẫn thường nhờ cậy đến “quyền trợ giúp” của cha mẹ, thì các cặp vợ chồng phương Tây thường độc lập gần như tuyệt đối.

Ngay từ chuyện lễ cưới, sống tại đâu, mua nhà hay thuê nhà… đều do các cặp vợ chồng tự chuẩn bị chi phí, tự quyết, thậm chí không cần tham khảo ý kiến của cha mẹ, mà chỉ thông báo sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong.

Sau khi sống chung, các cặp vợ chồng cũng tự thu xếp chuyện nhà và giải quyết các rắc rối phát sinh. Gia đình thường chỉ có vợ chồng và con cái, không ở cùng với cha mẹ, anh chị em và không có thói quen thuê mướn người giúp việc. Các cặp vợ chồng phải tự phân công việc nhà một cách bình đẳng, sắp xếp thời gian đưa đón con…

Chính vì thế, có những đứa trẻ phải gửi đến Trung tâm giữ trẻ khi chỉ mới ba tháng tuổi do tính chất công việc của cha mẹ. Đời sống của các cặp vợ chồng trẻ, có con mọn cũng vì thế mà vất vả hơn rất nhiều. Mọi thứ chỉ dễ thở hơn khi các con bắt đầu vào cấp một, sử dụng dịch vụ đưa đón của các trường học. 

Chị Quỳnh Trâm, quê ở TP.HCM, lấy chồng và sinh sống ở San Jose, Mỹ đã 5 năm. Chị Trâm chia sẻ, khi mới sang sinh sống tại Mỹ, chị cảm thấy choáng ngợp và khó thích ứng. Chị không hiểu tại sao các cặp vợ chồng sống riêng một cách tuyệt đối, dù cha mẹ đã già đến mấy, cần chăm sóc thì cha mẹ vẫn phải sống riêng hoặc vào viện dưỡng lão.

Nhiều ông bố, bà mẹ đã già, mất bạn đời, sống thui thủi một mình vẫn không sống cùng con. Nếu ở Việt Nam, thì nhất định trong các con sẽ có một người, một cặp vợ chồng được phân công sống cùng và chăm sóc bố mẹ.

Tuy nhiên, sống lâu trong môi trường ở Mỹ, chị cũng dần quen với lối sống, lối nghĩ nơi đây. Theo chị Trâm, chính quan niệm, lối sống, văn hóa đã tạo ra những cách hành xử khác nhau cho các quốc gia, và mỗi nền văn hóa có những cái hay, cái dở riêng.

Nếu như châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, ưu điểm là mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình gắn kết hơn, trọng tình cảm nhiều hơn thì chính cách sống đó cũng tạo ra những hệ lụy, phiền phức, nhiều tác nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng của hai vợ chồng.

Đời sống quá độc lập, sòng phẳng của phương Tây tuy ít nhiều khiến người ta cô đơn hơn khi về già, nhưng ngược lại, sẽ giúp bớt đi sự ỉ lại, giúp các cặp vợ chồng được tự quyết hạnh phúc của mình, con cái trong nhà cũng sớm tự lập hơn.

Đông hay Tây, mỗi nơi có những ưu điểm, và nếu biết tiếp nhận cái hay của mỗi nền văn hóa, gạn lọc để áp dụng thích hợp vào cuộc sống, thì các đôi vợ chồng trẻ sẽ có thể xây dựng một mô hình gia đình hoàn chỉnh, vừa hiện đại, mới mẻ nhưng cũng đầy tình yêu thương, gắn kết.