Chuyện nhỏ với câu hỏi lớn

(PLO) - Chuyện xảy ra ở nước Áo và lúc đầu thật rất bình thường, tưởng có thể được xử lý nhanh chóng và dễ dàng mà rồi trở thành chuyện phức tạp. 
Chuyện nhỏ với câu hỏi lớn

Chuyện là thế này: Có một vị luật sư vì cái tên gọi không được “thuần Áo” nhiều mà gặp khó khăn khi tìm kiếm công ăn việc làm. Anh ta xin đổi tên gọi. Việc này ở nước Áo không những được luật pháp cho phép mà quy trình tiến hành còn rất dễ dàng.

Sau đó, anh ta đến trường đại học đã theo học để xin được chỉnh sửa tên ở các văn bằng, chứng chỉ, thay tên gọi cũ bằng tên gọi mới. Nhà trường từ chối. Anh ta khởi kiện nhà trường. Các cấp xét xử đều bác bỏ đề nghị của anh ta. Cả tòa án hành chính tối cao và toà án hiến pháp cũng vậy, tức là đến tận cấp xét xử cao nhất của đất nước này.

Trong phán quyết và công bố của tòa án hành chính tối cao và tòa án hiến pháp ghi rất rõ và cụ thể cả tên gọi cũ lẫn tên gọi mới của anh ta. Như thế có nghĩa là chuyện anh ta đổi tên gọi được công khai hoá hoàn toàn chứ không còn kín nữa. Anh ta cho rằng như thế có nghĩa là việc anh ta đổi tên gọi trở thành công cốc và lỗi là hai cấp tòa cao nhất kia đã không giữ kín chi tiết này cho anh ta. Anh ta khởi kiện nhà nước Áo và đòi bồi thường 5.500 Euro. Đương nhiên, khiếu kiện này của anh ta bị tòa án hành chính tối cao bác bỏ. Tòa này cho rằng chuyện đổi tên là việc thuộc về hành chính chấp pháp chứ không phải là chuyện của tư pháp.

Đáng chú ý là tòa này còn cho rằng nhà nước không chịu trách nhiệm về những phán xử của  cấp tòa xét xử cao nhất là tòa án hành chính tối cao và tòa án hiến pháp. Tức là người dân phải chấp nhận mọi phán quyết của hai tòa này. Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là nếu cả hai tòa này cũng xét xử sai và phán quyết sai thì sao? Thể chế không xét xử mà con người nhân danh thể chế đó xét xử. Đã là con người thì không thể loại trừ khả năng sai. Vậy phải chăng ở đây có sự mặc định là hai tòa này luôn luôn đúng?.