Con trai cố Tổng thống Libya Gaddafi đang tị nạn ở Nga?

(PLO) -Thông tin trên trang mạng Mondafrique đang khiến dư luận hoài nghi và bàn tán khi cho biết, “thái tử” Saif al-Islam, con trai cố Tổng thống Libya Gaddafi, vừa được phóng thích khỏi nơi giam giữ ở một địa điểm trong thành phố Zenten, phía Tây Libya và xin tị nạn tại Nga. 
Ông Saif al-Islam khi bị bắt
Ông Saif al-Islam khi bị bắt

Theo trang mạng Mondafrique, sau khi được trả tự do hôm 23/8, ông Saif al-Islam đã bay tới Nga bằng máy bay quân sự. Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại châu Phi, ông Mikhail Margelov từng tuyên bố, Moskva vui khi nhận được tin ông Saif al-Islam bị bắt, và “thái tử” từng đề nghị chi 2 tỷ USD để đổi lấy tự do, nhưng bất thành.

“Thái tử”

 Ông Saif al-Islam là thành viên cuối cùng trong gia đình ông Gaddafi bị bắt. Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông Mohammed al-Alagy là người đầu tiên công bố thông tin về việc bắt ông Saif al-Islam và cho rằng, hình phạt dành cho “thái tử” có thể là tử hình.

Mặc dù bị bắt từ ngày 19/11/2011 ở vùng núi gần Zintan, phía Bắc Libya và Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã nhiều lần yêu cầu chính phủ nước này bàn giao bởi việc xét xử “thái tử” là của họ, nhưng con trai cố Tổng thống Gaddafi vẫn bình an vô sự là thông tin khiến dư luận tranh cãi. 

Sau khi khước từ yêu cầu của ICC, chính phủ Lybia đã nhiều lần trì hoãn khai đình xét xử ông Saif al-Islam với những lý do khác nhau.

Libya và ICC từng tranh cãi nhiều về việc ông Saif al-Islam sẽ bị xét xử ở đâu bởi ICC đã công bố lệnh bắt đối với “thái tử” với cáo buộc phạm các tội ác chống lại con người. Luật sư của ông Saif al-Islam từng tuyên bố, “thái tử” muốn được ICC xét xử.

ICC cũng đã chỉ định luật sư Xavier-Jean Keita bào chữa cho Seif al-Islam. Trưởng công tố ICC, ông Luis Moreno-Ocampo đã đến Libya để đàm phán về khả năng xét xử “thải tử”. 

Sức ép

Liên minh châu Âu (EU) từng kêu gọi Lybia đưa ông Saif al-Islam ra trước công lý một cách an toàn. Đại diện EU Catherine Ashton cho rằng, việc bắt giữ ông Saif al-Islam là quan trọng bởi “thái tử” hoàn toàn có thể là người kế nhiệm ông Gaddafi, là một mắt xích trong chế độ cũ, nhưng cần phải bảo đảm an toàn cũng như đảm bảo các quyền lợi cho nhân vật này.

Mỹ, Anh, Pháp đã hối thúc Lybia đảm bảo một phiên tòa công bằng, xét xử nhân đạo, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đối với ông Saif al-Islam. 

Tòa án Quân sự thành phố Benghazi từng kết án tử hình 5 sĩ quan quân đội dưới thời ông Gaddafi và đó là những bản án tử hình đầu tiên được tuyên sau khi nội chiến kết thúc. Do đó, dư luận Lybia rất muốn biết ông Saif al-Islam sẽ bị xét xử như thế nào, ở đâu và “thái tử” đã khai những gì.

Bởi từng có thông tin cho rằng, để giảm áp lực của phương Tây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bán đứng ông Gaddafi bằng cách cung cấp thông tin tình báo quan trọng cho Pháp.

Tờ Daily Telegraph từng dẫn tiết lộ của cựu quan chức tình báo cấp cao ở thủ đô Tripoli, ông Rami El Obeidi cho biết, sau khi cộng đồng quốc tế chuyển sự chú ý từ Libya sang Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã cung cấp cho Pháp số điện thoại của ông Gaddafi để đổi lấy hứa hẹn của Paris.

Khi là Thủ tướng lâm thời Libya, ông Mahmoud Jibril cũng từng tuyên bố, có một điệp viên nước ngoài trà trộn vào lực lượng cách mạng để tiêu diệt ông Gaddafi.

Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy có đầy đủ lý do để ông Gaddafi phải im lặng mãi mãi và càng nhanh càng tốt - biết quá nhiều bí mật - thậm chí Omran Ben Chaaben, người đã bắt sống ông Gaddafi cũng chết một cách bí hiểm.../.

Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia từng tuyên bố, toàn bộ số người trong gia đình ông Gaddafi sẽ không bị trục xuất và được lưu lại Algeria "lâu chừng nào họ muốn" bởi chính quyền Libya đã chấp thuận giải pháp đó, cùng điều kiện thân nhân cố Tổng thống không được "hoạt động thù địch".

Tháng 8-2011, bà Safia, người vợ thứ hai, và 3 người con của ông Gaddafi đã được phép vào lãnh thổ Algeria lánh nạn. Niger cũng từng phủ nhận thông tin nói rằng, đã đồng ý để Saadi Gaddafi, con trai thứ của ông Gaddafi rời quốc gia Tây Phi này. Saadi Gaddafi cũng bị ICC truy nã.