Covid-19 có thể đẩy 150 triệu người vào hoàn cảnh nghèo cùng cực

(PLVN) - Ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới cho biết, đại dịch Covid-19 có thể đẩy tới 150 triệu người vào tình trạng cực kỳ khó khăn về mặt kinh tế vào cuối năm 2021.
Trẻ em đi dạo trong khu ổ chuột Mathare ở Nairobi, Kenya, ngày 22/4/2020. Ảnh: AP
Trẻ em đi dạo trong khu ổ chuột Mathare ở Nairobi, Kenya, ngày 22/4/2020. Ảnh: AP

Theo báo cáo hàng đầu hai năm một lần về tình hình nghèo đói và phúc lợi chung của Ngân hàng Thế giới, từ 88 triệu đến 115 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực - được định nghĩa sống với số tiền dưới 1,90 USD một ngày - trong năm 2020. Báo cáo cho biết điều này có thể tăng lên từ 111 triệu đến 150 triệu người vào cuối năm 2021.

Điều này có nghĩa là 9,1 - 9,4% dân số thế giới sẽ sống trong tình trạng nghèo cùng cực trong năm 2020, và đây sẽ là mức gia tăng đầu tiên tình trạng nghèo cùng cực trong khoảng 20 năm.

Tỷ lệ nghèo cùng cực năm 2019 ước tính vào khoảng 8,4% và theo dự kiến, trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, phải giảm xuống 7,5% vào năm 2021. Báo cáo cho thấy, mục tiêu lâu dài là cắt giảm tỷ lệ này xuống 3% vào năm 2030 sẽ không thể đạt được nếu không có hành động chính sách nhanh chóng và thực chất.

"Đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến hơn 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong một tuyên bố.

Trước đây, tình trạng nghèo cùng cực tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, và báo cáo nói trên cho thấy ngày càng nhiều người dân thành phố rơi vào hoàn cảnh này do nhu cầu tuyển dụng trong thời dịch giảm đi.

Tại Châu Phi cận Sahara có mức độ tập trung cao nhất của những người sống dưới 1,90 USD/ ngày và số người này có thể tăng lên hơn 50 triệu người vào năm 2021, so với ước tính trước Covid-19. Nghiên cứu cho thấy vào năm 2021, khoảng 42% dân số trong khu vực có thể sống trong cảnh nghèo cùng cực, tăng từ 37,8% trước Covid-19.

Ngân hàng Thế giới cho biết, để trở lại con đường xóa đói giảm nghèo, các quốc gia sẽ cần hành động tập thể để chống lại virus, cung cấp hỗ trợ cho mọi gia đình và xây dựng nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn sau khi đại dịch giảm đi.

"Các quốc gia sẽ cần chuẩn bị cho một nền kinh tế khác sau Covid-19 bằng cách cho phép vốn, sức lao động, kỹ năng và sự đổi mới chuyển sang các doanh nghiệp và các lĩnh vực mới", David Malpass nói.