Cùng hội đóng chung “thuyền”

(PLO) -Một trong những thành tựu đối ngoại nổi bật nhất của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau hai năm cầm quyền ở Ấn Độ là thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất. Không có đối tác nào mà ông Modi tới thăm tới 4 lần trong 2 năm cầm quyền như Mỹ. Cũng không có vị đứng đầu nhà nước và chính phủ quốc gia nào mà phía Mỹ chuyển hẳn thái độ đối xử từ không cấp thị thực nhập cảnh sang đón tiếp tranh thủ và trọng thị như ông Modi. 
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Navendra Modi.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Navendra Modi.

 Lợi cả đôi đường

Có nhiều lý do. Lý do là giữa ông Modi và tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng hình thành mối quan hệ cá nhân thân thiết và tin cậy. Lý do là Mỹ và Ấn Độ đã nhanh chóng gây dựng nên những lợi ích chiến lược chung gắn kết và ràng buộc hai nước này với nhau.

Lý do là bên này đã phát hiện ra ở bên kia những cơ hội mà nếu tận dụng được thì rất giá trị cho lợi ích riêng của từng bên. Chẳng hạn như ông Modi rất muốn tranh thủ công nghệ và huy động vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ.

Chẳng hạn như Mỹ muốn chinh phục thị trường Ấn Độ để gạt bỏ ảnh hưởng của các đối tác khác. Một lý do rất quan trọng và quyết định nữa là mục tiêu đối phó Trung Quốc mà cả Mỹ lẫn Ấn Độ đang cùng theo đuổi.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và quân sự cũng như những tham vọng lớn của nước này về ảnh hưởng chính trị thế giới và châu lục, về bành trướng lãnh thổ và an ninh ở châu lục là nỗi lo hiện tại cũng như về lâu dài đối với cả Mỹ lẫn Ấn Độ.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Ấn Độ bị Trung Quốc cạnh tranh chiến lược rất quyết liệt và hai nước này buộc phải cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng với Trung Quốc.

Lợi ích chung này chi phối ở mức độ rất đáng kể toàn bộ mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ. Điều này thể hiện rất rõ trong chuyến đi Mỹ lần thứ 4 này của ông Modi và nhiều khả năng là chuyến đi Mỹ cuối cùng của ông Modi trong nhiệm kỳ cầm quyền sắp kết thúc của ông Obama ở Mỹ.

Củng cố tương lai chính trị

Ấn Độ và Mỹ không thể cùng nhau thành lập liên minh quân sự hay kinh tế để đối phó với Trung Quốc. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ không có được liên minh quân sự thực thụ như NATO ở châu Âu.

Vì thế, mục tiêu mà Mỹ và Ấn Độ theo đuổi là phát triển quan hệ song phương theo hướng trở thành đối tác chiến lược về kinh tế, thương mại và đầu tư đồng thời gây dựng sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và tin cậy về chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh để không phải là đồng minh quân sự thực thụ của nhau nhưng chẳng khác gì đồng minh chiến lược của nhau.

Hai nước này như hai kẻ đồng mộng tìm đồng sàng và cùng hội đóng chung thuyền.

Với ông Modi ở Ấn Độ và ông Obama ở Mỹ, hai nước này hiện có được đồng thời cả thiên thời và địa lợi lẫn nhân hòa để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Nhờ đấy mà quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ sau hai năm cầm quyền của ông Modi ở Ấn Độ đã tiến triển rõ rệt và thành công hơn hẳn thời kỳ trước đó.

Nhưng thời kỳ cầm quyền của ông Obama ở Mỹ sắp hết và người thay thế ông Obama ở Mỹ dù là ai trong số hai ứng cử viên Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa  và Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ thì cũng không có mối quan hệ cá nhân thân thiết và tin cậy với ông Modi ở Ấn Độ như ông Obama. Rất có thể họ vẫn phải coi trọng Ấn Độ nhưng không coi trọng Ấn Độ như ông Obama.

Mấy năm nữa, ông Modi ở Ấn Độ sẽ bị thách thức quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử tới và mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Cho nên ông Modi và ông Obama phải tìm cách củng cố vững chắc thành quả đã đạt được sao cho chúng không bị đảo ngược ở thời sau, phải làm cho hội rất bền và thuyền rất vững bất kể tương lai chính trị và quyền lực ở cả hai nước ở thời sau này sẽ như thế nào…/.