Dịch Covid-19 sáng ngày 1/10: Chỉ 50% người dân Mỹ sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí

(PLVN) - Trong 1 ngày qua, thế giới ghi nhận 278.972 trường hợp mắc Covid-19 và 5.402 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 34,1 triệu người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ 50% người dân Mỹ sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí

Một cuộc điều tra do liên danh Axios-Ipsos thực hiện cho trên 1.000 người cho thấy, chỉ có 44% số người được hỏi nói rằng sẵn lòng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ngay cả với điều kiện kèm theo về được nhận 100 USD.

Tỉ lệ này còn ít hơn nếu như họ phải chịu mức giá 100 USD, với 26% nói rằng sẵn sàng chấp nhận chi trả mức phí này để được tiêm vắc-xin. Hơn 50% số số người được hỏi nói rằng "nhiều khả năng" sẽ tiêm ngừa vắc-xin nếu như việc này được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ. 

Ảnh: AP Photo/Ted S. Warren, File.
 Ảnh: AP Photo/Ted S. Warren, File.

Phong trào chống vắc-xin (anti-vaccine) tại Mỹ hoạt động mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Có đến một phần ba người Mỹ cho biết họ sẽ không tiêm vắc-xin, dù chúng phổ biến rộng rãi và có chi phí thấp.

Một trong những nhân tố khiến dịch sởi bùng phát tại Mỹ năm 2019 được cho là lớn nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, chính là việc các hội nhóm anti-vaccine đã tuyên truyền khiến nhiều người nghi ngờ vắc-xin và quay sang tẩy chay tiêm chủng.

Trong khi đó chính phủ Mỹ chưa xây dựng được các chiến dịch để ngăn ngừa điều này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ - đầu mối chuyên trách các chương trình giáo dục về vắc-xin, mất dần ảnh hưởng, uy tín trong nhìn nhận, đánh giá của công chúng Mỹ. 

Thủ tướng Israel cảnh báo nguy cơ kéo dài 1 năm lệnh phong tỏa 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30/9 cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19 có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là một năm.

Theo phóng viên TTXVN tại Israel, nhận định trên được ông Netanyahu đưa ra trong cuộc họp tối với các bộ trưởng trong Nội các Covid-19. Thủ tướng Israel cho rằng "chiến lược lối thoát của chúng ta (nhằm dỡ bỏ phong tỏa) lần này sẽ triển khai chậm rãi và có thể phải mất nửa năm tới một năm".

Thời gian qua, chính phủ Israel bị phản đối do dỡ bỏ các quy định hạn chế quá nhanh chóng sau lệnh phong tỏa lần thứ nhất hồi tháng 3-4/2020, cũng như việc chậm chạp trong việc tái áp đặt các quy định khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng cao trong tháng 7/2020.

Anh cân nhắc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19

Ngày 30/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo rằng nước này có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch Covid-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi tại Anh. 

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận: "Chúng tôi không phản đối việc triển khai thêm các biện pháp nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu đi. Hiện nước Anh đang ở thời điểm quan trọng". 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cũng bảo vệ những biện pháp mới nhất mà chính phủ đưa ra trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông cho rằng số lượng ca mới mắc Covid-19 và "sự gia tăng" về các trường hợp tử vong cho thấy "vai trò quan trọng của kế hoạch phòng chống dịch". Ông khẳng định: "Các biện pháp mới cần thời gian để hiệu quả. Vì vậy, tôi kêu gọi sự kiên nhẫn, chia sẻ và hợp tác". 

Tuyên bố của Thủ tướng Johnson được đưa ra sau khi Anh thông báo có thêm 7.108 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 30/9, nâng tổng số ca tại nước này lên 453.264 ca. Trong khi đó, số ca thiệt mạng vì Covid-19 là 41.143 ca. 

Châu Âu chi 550 tỷ euro cứu trợ trong dịch COVID-19

Theo hãng tin AP, chính phủ của 19 quốc gia có sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro rốt cuộc đã vượt qua được những khác biệt sâu sắc để ngày 9/4 đạt được thống nhất về khoản chi ngân sách cứu trợ trong dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, các nước đồng ý dành 550 tỷ euro để hỗ trợ các công ty, người lao động và hệ thống y tế trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Mario Centeno, mô tả đây là một gói cứu trợ "hoàn toàn chưa từng có tiền lệ".